Chiều 9/12, tại Kỳ họp thứ 20, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã thảo luận tại các tổ về các nội dung: Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của TP; Dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP năm 2025; Kế hoạch đầu tư công năm 2025 và điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp TP; Các dự thảo Nghị quyết triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Hà Nội hiện thiếu hơn 10.000 giáo viên
Thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, trong năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của TP cùng sự vào cuộc của các cấp, ngành và Nhân dân Thủ đô, kinh tế -xã hội của TP có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, đồng thời hoàn thành nhiều nhiệm vụ lớn. Trong đó nổi bật là Luật Thủ đô được thông qua, 2 quy hoạch Thủ đô được hoàn thiện trình Chính phủ, đây là những căn cứ pháp lý quan trọng cho sự phát triển của TP thời gian tới.
“Riêng ngành giáo dục được thừa hưởng những cơ chế chính sách tại Điều 22 Luật Thủ đô và hiện đang nỗ lực cụ thể hoá các quy định về liên doanh, liên kết cũng như tăng thu nhập giáo viên. Ngành cũng đang nỗ lực chuyển đổi số, hình thành trung tâm điều hành thông minh để có thể điều hành hoạt động giáo dục toàn TP từ trung tâm này” - đại biểu Trần Thế Cương thông tin.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương, Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước và sự kỳ vọng cũng như áp lực cũng rất nhiều. Sự nỗ lực của ngành đã đáp ứng được phần nào, tuy nhiên tỷ lệ giáo viên/lớp còn thấp, Hà Nội hiện thiếu hơn 10.000 giáo viên. Thành phố hiện đã đưa ra các giải pháp như thực hiện phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm”, đưa giáo viên nội thành về ngoại thành nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, từng bước thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các đơn vị, trường học trên địa bàn Hà Nội.
Ngoài ra, một số giải pháp khác được thực hiện cũng phát huy hiệu quả trong khắc phục tình trạng thiếu giáo viên như thành lập ngân hàng giáo viên và thi tuyển giáo viên.
“Dự kiến tại kỳ họp HĐND lần này sẽ xem xét, thông qua quy định mức tiền thưởng đối với giáo viên, học sinh của TP Hà Nội đạt thành tích cao trong các cuộc thi, kỳ thi cấp TP, quốc gia, quốc tế. Đây được kỳ vọng sẽ tạo cú hích rất lớn trong nâng cao chất lượng giáo dục của Hà Nội” - đại biểu Trần Thế Cương nhấn mạnh.
Kỳ vọng Luật Thủ đô và 2 quy hoạch lớn
Năm 2024, Hà Nội thắng lợi lớn khi ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô, có hiệu lực từ 1/1/2025 và cho ý kiến với 2 quy hoạch lớn: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. “Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô, và tới đây 2 quy hoạch lớn sẽ được phê duyệt - đây là cơ sở giúp Hà Nội phát triển nhanh hơn, mạnh hơn” - đại biểu Nguyễn Ngọc Việt (tổ huyện Mỹ Đức) nêu quan điểm.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Đường Hoài Nam (tổ quận Long Biên) cho hay, kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong điều kiện khó khăn nhưng đạt được kết quả, là năm kiến tạo, Luật Thủ đô 2024 được thông qua và HĐND TP triển khai cụ thể hóa bằng 12 Nghị quyết tác động lớn đến sự phát triển trước mắt và lâu dài của Thủ đô.
Về triển khai thực hiện Luật Thủ đô, đại biểu bày tỏ tán thành về thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời cho rằng, đây là nội dung tác động lớn đến cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô. Bởi tăng sự quan tâm, chế độ sẽ tăng thêm ý thức trách nhiệm, tạo ra tinh thần phấn chấn trong cán bộ, công chức.