Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai ngay các giải pháp tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đỗ Đức Duy trong hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam”.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy chủ trì hội nghị.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy chủ trì hội nghị.

Đây là sự kiện do Bộ TN&MT phối hợp với Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội và UBND TP Hà Nội tổ chức với sự tham gia của đại diện nhiều Bộ, ngành cũng như nhiều tỉnh, TP trên cả nước.

Ô nhiễm không khí đang ngày một tăng dần

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết, Bộ TN&MT với vai trò là cơ quan chủ đạo trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong thời gian qua đã triển khai Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hiện thực hóa các chỉ đạo của Chính phủ, nhằm bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và gần đây là Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Những quy định này, cùng Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn, đóng vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hướng tới phát triển bền vững.

 

Hội nghị đã đưa ra  các nhóm giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí tại Việt Nam. Trong đó tập trung vào các giải pháp về chính sách về thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; chính sách cho vay, hỗ trợ, ưu đãi cụ thể, khả thi đối với “chuyển đổi xanh”...

Đánh giá về tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam, ông Đỗ Đức Duy nhận định, vấn đề ô nhiễm không khí đã xuất hiện ở nước ta như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm đã tăng lên mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong đó nghiêm trọng nhất là sự gia tăng đáng kể của bụi mịn PM2.5.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ TN&MT, dù ô nhiễm không khí xảy ra có quy luật theo mùa và bị ảnh hưởng lớn từ điều kiện khí hậu, thời tiết nhưng dữ liệu quan trắc của Bộ TN&MT cho thấy, diễn biến ô nhiễm không khí đã tăng dần theo thời gian, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế - xã hội đã có sự phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19.

Ông Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, ô nhiễm không khí không bị giới hạn bởi địa giới hành chính và không phải trách nhiệm riêng của bất kỳ bộ, ngành, hay địa phương nào. Bảo vệ không khí là trách nhiệm của toàn xã hội. “Thực tế này đòi hỏi phải thực hiện ngay các giải pháp tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển” – Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy nói.

Để giải bài toán ô nhiễm không khí cần có sự đồng hành, đoàn kết vì mục tiêu chung của tất cả các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương.
Để giải bài toán ô nhiễm không khí cần có sự đồng hành, đoàn kết vì mục tiêu chung của tất cả các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương.

Đoàn kết vì mục tiêu chung

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhận định, TP đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống và sự phát triển bền vững. Theo Phó Chủ tịch UBND TP, hiện nay Hà Nội đang là một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới do quá trình đô thị hóa cũng như mở rộng địa giới hành chính.

Song song với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí cũng gia tăng. Thống kê của TP cho thấy, mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 80 triệu KWh điện và hàng triệu lít xăng, dầu, chưa kể đến tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát diễn ra thường xuyên - các nguồn phát thải lớn, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Trước tình hình này, UBND TP đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp, như loại bỏ hơn 99% bếp than tổ ong, giảm 80% đốt rơm rạ ở ngoại thành, loại bỏ hàng trăm lò gạch thủ công... Cùng với đó, Hà Nội đã triển khai thí điểm đo kiểm tra khí thải xe máy cũ, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, giám sát các công trình xây dựng và thực hiện vệ sinh đường phố thường xuyên, nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí.

 

Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, Hà Nội đề xuất Bộ TN&MT xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong trao đổi dữ liệu về ô nhiễm không khí và xử lý ô nhiễm liên vùng, liên tỉnh. Đồng thời, đề nghị triển khai Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 07/3/2024 và Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 08/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch quan trắc và bảo vệ môi trường quốc gia, hướng dẫn các tỉnh xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo chất lượng không khí và các kịch bản ứng phó khi có ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngoài ra, trong thời gian qua, TP đã ban hành nhiều chương trình phát triển theo hướng kinh tế xanh, đẩy mạnh các biện pháp giảm phát thải cacbon và nâng cao chất lượng sống, góp phần vào mục tiêu quốc gia về phát thải bằng “0” vào năm 2050. Đặc biệt, vừa qua Hà Nội đã trình Quốc hội ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có quy định tiêu chí và thủ tục xác định vùng phát thải thấp, nhằm hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm và đã xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng không khí đến năm 2030, tầm nhìn 2035.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy khẳng định, vấn đề ô nhiễm không khí đang là đề tài thu hút sực quan tâm lớn của người dân và dư luận xã hội. Trong thời gian qua, Bộ TN&MT cùng nhiều Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là TP Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường không khí nói riêng. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Đức Duy, công tác kiểm soát, quản lý chất lượng không khí vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự đoàn kết vì mục tiêu chung.

Để hiện thực hóa mục tiêu kiểm soát, quản lý chất lượng không khí, Bộ trưởng Bộ TN&MT bày tỏ hi vọng sẽ có những giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị của Việt Nam. Từ đó, chuyển hóa thành hành động cụ thể và thiết thực, hướng đến một bầu trời xanh, không khí sạch cho các đô thị lớn trên cả nước.

 

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí. Bộ Giao thông Vận tải mong muốn sớm trình lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải quốc gia đối với phương tiện cơ giới, ban hành quy định nhận diện xe sử dụng năng lượng sạch và thân thiện với môi trường theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024; Bộ Công an đề nghị tăng cường kinh phí, trang thiết bị và nhân lực cho việc thu thập, kiểm định khí thải để phục vụ công tác điều tra, xử lý các hành vi vi phạm về khí thải gây ô nhiễm không khí…