Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai Nghị quyết 01/2022/NQ-CP: Tạo động lực phục hồi, phát triển

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP 2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022.

Theo đó, Chính phủ quyết tâm thực hiện thành công, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022. Các chuyên gia kinh tế đánh giá Nghị quyết được Chính phủ chuẩn bị rất kỹ lưỡng, với cách làm mới và nhiều nội dung hết sức quan trọng được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá mới.

Thích ứng, an toàn hiệu quả; phấn đấu GDP đạt 6 - 6,5%

Chủ đề điều hành năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển". Với 6 quan điểm, trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công; nâng cao năng lực hệ thống y tế…

Năm 2021 trôi qua với nhiều biến động, phức tạp và hệ lụy không nhỏ từ dịch bệnh. Nhưng điều đọng vững tin hơn là kinh tế vẫn có nhiều khởi sắc trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên quy mô toàn cầu.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh trong thời gian dịch bùng phát. Ảnh: Phạm Hùng
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh trong thời gian dịch bùng phát. Ảnh: Phạm Hùng

Ở thời điểm đỉnh cao của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, thật khó để hình dung về một bức tranh kinh tế sáng sủa vào cuối năm. Nhưng, những tháng cuối năm 2021, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Làm được điều kỳ diệu này, là do chúng ta đã đi đúng hướng trong thực hiện mục tiêu kép “đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế”, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

 

Bối cảnh càng khó khăn thì càng phải cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn thông qua sửa đổi, hoàn thiện thể chế, tháo bỏ rào cản và loại bỏ thủ tục hành chính để tạo điều kiện tối đa cho DN. Nhiều bộ ngành đã thực hiện được yêu cầu về cắt giảm, đơn giản hóa hơn 70% điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý. Trong các lĩnh vực: đầu tư, xây dựng, hải quan, vẫn còn dư địa tiếp tục cải thiện. Nguồn lực đất đai được giải tỏa, cải tổ và đẩy mạnh hơn thì thuận lợi trong phát triển thời gian tới." - Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, kinh tế thực sự bứt tốc kể từ cuối năm 2021. Ông Kiên nhận định diễn biến kinh tế vĩ mô trong năm 2022 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố. Dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn. Kinh tế thế giới còn rất bất định, rủi ro, áp lực lạm phát, rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng…

Chính phủ đã đánh giá đúng, trúng tác động của đại dịch đối với tình hình kinh tế - xã hội ở trong nước, xác định được mức độ thiệt hại và khả năng phục hồi của nền kinh tế. Trong Nghị quyết 01, Chính phủ nêu rõ: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Chính phủ xác định tiêm chủng vaccine, thuốc điều trị Covid-19 và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân là các yếu tố quyết định trong kiểm soát dịch bệnh thành công để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. 3 trọng tâm được Chính phủ yêu cầu tập trung bao gồm: Khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động mọi nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược.

Theo ông Kiên, Nghị quyết 01 đã đề ra các trọng tâm chỉ đạo, điều hành, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, có tính đột phá, vừa giải quyết vấn đề đặc thù của năm 2022 vừa chuẩn bị nền tảng cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới. Theo đó, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hỗ trợ các DN trong nước tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu…nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Chính phủ yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phấn đấu năng suất lao động tăng khoảng 5,5%.

Ngân hàng HSBC khi dự báo về tốc độ tăng trưởng trong năm 2022, đã cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ dòng vốn FDI bền bỉ, nhiều hiệp định thương mại được ký kết và kinh tế số.

Kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ

Điểm nhấn mạnh là Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 cùng với thời điểm triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định).

Nghị quyết nêu rõ, tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, triển khai kịp thời các giải pháp tài khóa, tiền tệ thực hiện Chương trình để hỗ trợ phục hồi, phát triển nhanh sản xuất, kinh doanh. Tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại NSNN, tăng cường quản lý nợ công. Phấn đấu tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 35% GDP.

Theo TS Cấn Văn Lực, để phục hồi, phát triển kinh tế phải có nguồn lực. Giải pháp về tiền tệ, tín dụng phải được thực hiện đồng bộ, để giảm chi phí cho các DN, người dân. Trong đó giải pháp tài khoá gồm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách thông qua tăng bội chi; tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách. Kịp thời triển khai các giải pháp gia hạn, miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… Chính sách tiền tệ tập trung giải pháp để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ lãi suất, tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5 - 1% trong 2 năm; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất...

Nhiều chuyên gia kinh tế cùng lãnh đạo Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho rằng, để tiếp sức cho DN nhanh chóng hồi phục trong trạng thái mới, cần “mạnh tay” hơn trong hỗ trợ DN. "Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, tuy nhiên lợi nhuận của các ngân hàng thương mại vẫn còn cao, chưa hài hòa với tình hình khó khăn của DN và người dân. DN vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi"- Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Nguyễn Văn Thân kiến nghị NHNN cần chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất - kinh doanh. “Đặc biệt, cần có chương trình hỗ trợ tín dụng riêng cho DN thuộc một số ngành, lĩnh vực bị khó khăn trong thời gian dài do tác động của đại dịch Covid 19”.

Quy mô chương trình hỗ trợ kinh tế lớn, yếu tố đảm bảo cho sự thành công chính là khâu tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành. Chính phủ sớm triển khai chương trình, cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo các cân đối vĩ mô.

Đột phá thể chế

Mặc dù xác định 3 khâu đột phá chiến lược nhưng đột phá thể chế vẫn mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng, thúc đẩy các khâu, các lĩnh vực khác.

Nghị quyết 01 nêu rõ: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế phục vụ người dân và DN, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý Nhà nước gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Đẩy nhanh tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong mọi lĩnh vực, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN. Chú trọng đối thoại chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.

Mặt khác, Chính phủ lưu ý siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Tập trung tháo gỡ vướng mắc, tăng cường hiệu quả tổ chức thực hiện theo nguyên tắc hậu kiểm, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Chính phủ yêu cầu, trước ngày 20/1/2022 xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết 01, trong đó xác định rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, dự kiến kết quả đầu ra đối với từng nhiệm vụ và phân công đơn vị chủ trì thực hiện.

Cải cách và phát triển bền vững sẽ không thể tiếp tục đi song song, mà phải "bện chặt" với nhau hơn.

Ngay trong những ngày đầu năm 2021, guồng quay kinh tế đã ngay lập tức "nóng máy". Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Chính phủ yêu cầu cải thiện các yếu tố môi trường kinh doanh theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho DN; dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật.

Nhìn từ việc điều hành nền kinh tế từng bước vượt qua đại dịch, tin tưởng, với sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam sẽ đạt được như mong muốn.

 

Để vượt qua thách thức do Covid 19, những bài học từ việc khống chế thành công dịch Covid-19 hoàn toàn có thể áp dụng cho việc hỗ trợ DN khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh trong năm 2022. “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển” đây là thông điệp rõ ràng của Thủ tướng. Đó là sự điều hành linh hoạt, chủ động của Chính phủ, liên tục bám sát tình hình thực tiễn để có giải pháp phù hợp và kịp thời, chú trọng hiệu quả phối hợp giữa các ngành, các cấp…; Kiên định mở cửa nền kinh tế, đảm bảo sự thông suốt của các hoạt động sản xuất, kinh doanh là một lời giải cho phục hồi, phát triển kinh tế. TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam