Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai phương án bảo đảm giao thông, bảo vệ hạ tầng ứng phó bão Yagi

Huyền Sâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục Đường bộ Việt Nam vừa có công điện khẩn yêu cầu triển khai ngay các phương án bảo đảm giao thông, bảo vệ hạ tầng hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Cục Đường bộ Việt Nam vừa có công điện khẩn gửi các Khu Quản lý đường bộ I, II, III, các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 3 (bão YAGI), Ban quản lý dự án và các DN đầu tư hạ tầng chủ động ứng phó, triển khai ngay các phương án bảo đảm giao thông, bảo vệ hạ tầng hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong công điện, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3; chủ động triển khai phương án bảo đảm giao thông và có biện pháp bảo vệ các công trình đường, cầu, cống, nhà kho, phương tiện, máy móc thi công...

Đồng thời chuẩn bị dầm cầu, phao, máy móc, thiết bị, phương tiện, nhân lực sẵn sàng bảo đảm giao thông khi sự cố xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu đảm bảo giao thông nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại.

Cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện phân luồng giao thông ngay khi ách tắc, chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông đường bộ chủ động phối hợp với cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương khi phân luồng.

Phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN địa phương tổ chức lực lượng ứng cứu bảo đảm giao thông 24/24h; phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ, diễn biến của bão số 3; đồng thời yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban 24/24h…

 
Ảnh minh họa.

Bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đang tiếp tục di chuyển nhanh và nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh thành khu vực miền Bắc nước ta (bao gồm cả Hà Nội) trong ít ngày tới.

Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết Văn phòng Thường trực đã đề nghị các quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân và tập trung triển khai hiệu quả các phương án, kế hoạch, biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.

Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu.