Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị còn có Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trên cơ sở hợp nhất Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Trạm khuyến nông thuộc Sở NN&PTNT. Sau gần 1 năm triển khai thực hiện mô hình thí điểm tại 3 huyện Mê Linh, Chương Mỹ, Thanh Trì, mô hình đã phát huy hiệu quả trong việc phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và thực hiện dịch vụ sự nghiệp về lĩnh vực nông nghiệp; tinh gọn bộ máy, sử dụng hiệu quả nguồn lực. Nhiều nhiệm vụ triển khai đạt hiệu quả cao như công tác phát triển sản xuất, phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi…
Việc thành lập Trung tâm trực thuộc UBND cấp huyện sẽ có nhiều thuận lợi, huyện có điều kiện đầu tư tự động hóa, cơ giới hóa và hỗ trợ phát triển cho nông nghiệp và nông dân trên địa bàn.
Từ hiệu quả của mô hình trên, Ban Cán sự Đảng UBND TP đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương, tiếp tục mở rộng mô hình thí điểm tại 15 huyện, thị xã còn lại.
Việc thí điểm được thực hiện trên nguyên tắc đã triển khai tại các huyện Mê Linh, Chương Mỹ, Thanh Trì. Biên chế bố trí cho Trung tâm từ biên chế của các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT; không phát sinh biên chế công chức, viên chức được giao của toàn TP.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận và đánh giá cao kết quả đã đạt được trong triển khai thí điểm thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thời gian qua và nỗ lực của các cơ quan tham mưu.
Cụ thể, Ban Tổ chức Thành ủy, cơ quan Thường trực BCĐ Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế TP chủ động, tích cực tham mưu hiệu quả cho Thành ủy về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, vừa đảm bảo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo chỉ đạo của Trung ương, vừa đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn tình hình công tác tổ chức bộ máy của TP và các đơn vị.
Ban Cán sự Đảng UBND TP phối hợp chỉ đạo sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện liên quan thực hiện nghiêm chủ trương sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy đạt hiệu quả. Thực hiện hiệu quả việc chỉ đạo rà soát việc phân cấp, phân quyền về hạ tầng kinh tế kỹ thuật, quản lý nhà nước trên địa bàn đối với việc thực hiện chủ trương thí điểm tại 3 huyện tại giai đoạn 1.
Đối với Sở NN&PTNT, các trạm Chăn nuôi và Thú y; Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Khuyến nông nghiêm túc thực hiện tốt chủ trương thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, TP (Từ 2008 thực hiện 4 đợt sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; giảm từ 33 đầu mối xuống còn 19 đầu mối. Riêng năm 2023 là đợt sắp xếp kiện toàn mang tính đột phá; theo đó Sở giảm 01 Chi cục và giảm 54 tổ chức bên trong (Phòng, Trạm, Hạt) các đơn vị thuộc Sở; đồng thời giảm 466 biên chế công chức, viên chức, lao động hợp đồng chuyển về Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã).
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy ghi nhận, là cơ quan Thường trực BCĐ Chương trình 04 của Thành ủy, Sở NN&PTNT đã chủ động, phối hợp, tham mưu cho BCĐ lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Chương trình về xây dựng nông thôn mới của Thành ủy đạt nhiều kết quả, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của nông dân Thủ đô (Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn đến cuối năm 2023 còn 0,06%); kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được chú trọng đầu tư xây dựng, hoàn thiện; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển và ổn định.
Để Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tại 15 huyện, thị xã sớm đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, Ban Tổ chức Thành ủy, cơ quan Thường trực BCĐ Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế TP tiếp tục tổng hợp, theo dõi nắm bắt tình hình việc thực hiện thí điểm thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc các UBND huyện, thị xã trên địa bàn TP.
Ban Cán sự Đảng UBND TP tiếp tục chỉ đạo sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thị xã tạo điều kiện thuận lợi để Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Sở Nội vụ Hà Nội tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện việc rà soát, chuyển giao công chức viên chức, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến nhân sự từ các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT về Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện theo đúng quy định. Sở Tài chính hướng dẫn việc bàn giao, tiếp nhận tài chính, tài sản, cơ sở vật chất của các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Khuyến nông huyện về Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện.
Sở NN&PTNT chủ trì thực hiện bàn giao nhân sự, kinh phí hoạt động, trang thiết bị, trụ sở, hoạt động tại các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Khuyến nông về UBND các huyện, thị xã. Phối hợp cơ quan có liên quan giải quyết chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động; làm tốt công tác tư tưởng đối với công chức, viên chức, người lao động khi chuyển từ các đơn vị của Sở NN&PTNT về UBND các huyện, thị xã. Tham mưu UBND TP ban hành Quy chế phối hợp giữa Sở NN&PTNT và UBND các huyện, thị xã đối với hoạt động của Trung tâm. Phối hợp với Sở Nội vụ, các huyện, thị xã thực hiện đánh giá sơ kết, tổng kết thí điểm mô hình Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tại 18/18 huyện, thị xã, báo cáo Ban Thường vụ Thành uỷ, UBND TP.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị UBND 15 huyện, thị xã tổ chức tiếp nhận toàn bộ số lượng biên chế được giao, số lượng viên chức hiện có, kinh phí hoạt động, trang thiết bị, trụ sở của các Trạm về Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc UBND huyện, thị xã; quan tâm lãnh đạo chỉ đạo việc kiện toàn, sắp xếp, ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, kiện toàn chức danh lãnh đạo, quản lý Trung tâm theo phân cấp quản lý cán bộ để Trung tâm đi vào hoạt động kể từ ngày 1/1/2024.