70 năm giải phóng Thủ đô

Triển lãm 69 tác phẩm mỹ thuật về đề tài thương binh - liệt sĩ

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), Từ ngày 20-29/7, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Triển lãm “Còn mãi với thời gian”.

Với 69 tác phẩm mỹ thuật của 62 tác giả được lựa chọn trong sưu tập của hai bảo tàng, triển lãm thể hiện những góc nhìn chân thực về hình tượng người chiến sĩ, những ký ức không quên về các cuộc chiến tranh đã qua và tình cảm, lòng tri ân đối với những người mẹ Việt Nam anh hùng, những dân quân, y sĩ, bác sĩ và rất nhiều những tấm gương bình dị đã lặng lẽ dâng hiến tuổi thanh xuân, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Tranh lụa “Đọc báo cho thương binh” của họa sĩ Trần Hữu Tê.
Tranh lụa “Đọc báo cho thương binh” của họa sĩ Trần Hữu Tê.

Không ít những nghệ sĩ đã trực tiếp cầm súng và ghi lại những khoảnh khắc chân thật và sống động về hình ảnh người lính anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, như các ký họa: “Đồng chí Trung Kiên và đồng chí Khương y tá trong trận Bình Giã” (họa sĩ Cổ Tấn Long Châu)... và các lực lượng đã chung sức làm nên những chiến công như “Mở đường thắng lợi” (họa sĩ Ngô Mạnh Lân), “Nuôi quân” (họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp), “Rừng cười” (họa sĩ Nguyễn Trường Linh)… Các anh hùng đã hy sinh quên mình và tên tuổi của các anh còn lưu danh mãi mãi được khắc họa trong các tác phẩm “Nguyễn Văn Trỗi” (họa sĩ Đạo Khánh), “Tô Vĩnh Diện chèn pháo” (họa sĩ Dương Hướng Minh), “Phan Đình Giót” (họa sĩ Huy Toàn).

Tác phẩm "Ca mổ trong hang sơ tán" của tác giả Trần Ngọc Hải.
Tác phẩm "Ca mổ trong hang sơ tán" của tác giả Trần Ngọc Hải.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đã để lại những đau thương, mất mát không gì bù đắp được, thể hiện qua những tác phẩm đặc tả sự đau khổ, mất mát hy sinh, sức chịu đựng của con người trong chiến tranh: “Anh thương binh” (nhà điêu khắc Phạm Mười), “Ca mổ trong hang sơ tán” (họa sĩ Trần Ngọc Hải)… và cả những nỗi đau sau cuộc chiến như tác phẩm “Không trở về”, “Sau cuộc chiến”.

Dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, nhưng đời sống tinh thần của chiến sĩ, thương binh vô cùng phong phú, thể hiện niềm lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi như "Trong lán dân quân" (họa sĩ Nguyễn Văn Chung), "Thương binh xem triển lãm" (họa sĩ Xuân Hồng), "Đêm trăng qua vọng gác" (họa sĩ Mai Long), "Đọc báo cho thương binh" (họa sĩ Trần Hữu Tê).

Với sự đa dạng về bút pháp, thể loại và chất liệu, triển lãm mong muốn đưa người xem hồi tưởng về một thời quá khứ hào hùng đã qua nhưng mãi được trân trọng và ghi nhớ. Tổ quốc đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ. Đất Mẹ luôn dang tay đón các anh trở về. Các anh còn sống mãi trong trái tim người dân Việt Nam.

Triển lãm còn là sự truyền tải cảm nhận sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng hòa bình, lòng tri ân, trân trọng và biết ơn những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập dân tộc, vì cuộc sống bình yên tươi đẹp hôm nay