Vàng hướng tới mức cao nhất
Sau 2 phiên giảm đầu tuần, các phiên cuối tuần, giá vàng trên thị trường thế giới đảo chiều tăng với vàng giao ngay tăng 18,3 USD lên mức 1.974 USD/ ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.975,3 USD/ ounce, tăng 17,1 USD.
Kim loại quý thế giới tăng nhờ được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng USD trong bối cảnh thị trường kỳ vọng về việc chu kỳ tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang dần đi đến giai đoạn cuối.
Một số dự báo gần đây thậm chí cho rằng, Fed nên đảo chiều chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất ngay từ tháng 6 này để tránh một cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng.
Năm nay, giá vàng có thể vượt mức đỉnh đã được thiết lập năm 2022. Tuy vậy, tỷ suất sinh lời của vàng vẫn thua kém nhiều kênh đầu tư khác. Chưa kể, vàng trong nước và vàng thế giới không có sự liên thông, nên rất rủi ro cho nhà đầu tư.
Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment
Phan Dũng Khánh
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng ngân hàng bùng phát, khởi đầu là sự sụp đổ Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature và liên tiếp là khó khăn của nhiều ngân hàng trên thế giới trong một thời gian ngắn gần đây cho thấy thị trường tài chính quốc tế đang có những xáo trộn nhất định.
Bất kỳ lo ngại nào mới về "sức khỏe" của các ngân hàng cũng sẽ trở thành chất xúc tác để vàng tăng giá.
Vào tháng 3/2022, giá vàng tăng cao nhất mọi thời đại lên mức 2.070 USD/ounce khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, làm dấy lên những lo ngại về bất ổn địa chính trị. Nhưng dưới áp lực lạm phát, Mỹ liên tục tăng mạnh lãi suất dẫn đến đồng USD lên mức cao nhất trong 20 năm qua, qua đó đã khiến vàng lao dốc xuống 1.613 USD/ounce. Trong những ngày đầu tháng 3/2023, giá vàng thế giới tăng trở lại vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce (đạt 2.010 USD/ounce vào ngày 21/3/2023).
Nhiều chuyên gia nhận định, vàng vẫn là kênh trú ẩn an toàn và khả năng tiếp tục vượt mốc 2.000 USD/ounce. Trên Kitco News, Jonathan Da Silva, chuyên gia kim loại quý cho rằng việc giá vàng đóng cửa hàng tuần trên 1.930 USD/ounce sẽ mở ra cơ hội cho kim loại quý này “bắt kịp chuyến đi” trong hành trình đạt vượt mức kỷ lục cũ 2.070 USD/ounce.
Mới đây, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá vàng sẽ duy trì ở mức trên 2.000 USD/ounce trong 12 tháng kể từ bây giờ. Theo đó, giá vàng sau 12 tháng nữa sẽ sẽ tăng lên 2.050 USD/ounce, cao hơn mức dự đoán trước đó là 1.950 USD/ounce. Đồng thời, ngân hàng này một lần nữa cho rằng giá hàng hóa nhìn chung sẽ tăng 28% trong một năm tới.
Tâm lý nhà đầu tư lên cao
Tâm lý của các nhà đầu tư đang lạc quan nhất trong vòng hơn một năm. Đồng thời, tỷ lệ tham gia bình chọn cũng đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với thị trường vàng.
Trong tuần trước đó, báo cáo của Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) cho thấy các nhà quản lý tiền tệ đã tăng tổng các vị thế mua đầu cơ đối với vàng tương lai trên sàn Comex thêm 6.530 hợp đồng, lên 124.090.
Đồng thời, các vị thế bán giảm 14.978 hợp đồng xuống còn 43.861. Thị trường vàng mua ròng 81.229 hợp đồng, tăng 36% so với tuần trước và là mức cao nhất trong khoảng một tháng.
Tuy nhiên, trong khi hầu hết các nhà phân tích kỳ vọng giá sẽ cao hơn trong thời gian tới, một số người cũng cảnh báo các nhà đầu tư nên thận trọng ở các mức giá này. Trong ngắn hạn, các nhà phân tích không loại trừ khả năng vàng đảo chiều sau khi tăng nhanh.
Thực tế, các đợt bán chốt lời của nhà đầu tư khiến kim loại quý đã có lúc giảm về 1.943 USD/ounce trong phiên giao dịch Mỹ (đêm 27/3).
Sean Lusk, đồng giám đốc bảo hiểm rủi ro thương mại của Walsh Trading, nói rằng ông đang lạc quan về giá trong thời gian tới nhưng cũng lưu ý rằng tốc độ tăng 10% ba tháng đầu năm nay có thể thu hút một số hoạt động bán chốt lời.
Dù lưu ý rằng mức 2.000 USD đã được chứng minh là một điểm kháng cự khó khăn nhưng ông nói: “Vượt qua ngưỡng này có thể khiến kim loại quý test giảm xuống mức 1.955 USD và 1.935 USD trước khi những người đầu cơ giá lên quay trở lại thị trường. Nếu giá nhiều lần chạm mức 2000 USD, điều đó có thể mở ra cơ hội để vàng tiến tới mức cao kỷ lục như đã từng đạt được.
Giá vàng trong nước trái chiều thế giới
Dù giá vàng trên thế giới tăng mạnh nhưng tại thị trường trong nước, khảo sát tại phố vàng tại Hà Nội như Trần Nhân Tông, số lượng người mua chỉ tương đương ngày thường, không có cảnh xếp hàng mua bán vàng.
Điều này xuất phát từ việc nửa cuối năm 2022, lãi suất tiết kiệm ngân hàng tăng và giữ ở mức cao đã thu hút nhiều người dân có tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm.
Trong khi đó, chênh lệch giá mua vào - bán ra cao khiến người dân ít mặn mà với đầu tư vàng.
Giá vàng trong nước cũng diễn biến trái chiều với thế giới. Khi giá vàng trên thị trường thế giới tăng mạnh lên 2.000 USD, giá vàng trong nước lại giảm về sát mốc 67 triệu đồng/lượng.
So với thời điểm tháng 3/2022, giá vàng miếng SJC đã đạt mức kỷ lục mới 74 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce.
Đến nay khi giá thế giới ở ngưỡng 2.000 USD/ounce, vàng trong nước chỉ ở 67 triệu đồng/lượng. Như vậy dù giá vàng thế giới trở lại ngưỡng kỷ lục, nhà đầu tư trong nước vẫn lỗ tới 10 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới gần 11 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia trong nước cho rằng, giá vàng thời điểm này chưa đủ lợi nhuận để nhà đầu tư chốt lời.
Tuy nhiên, việc xuống tiền mua vàng và chờ giá tăng hay không phải cân nhắc kỹ. Hiện giá vàng SJC trong nước giảm về sát mốc 67 triệu đồng/lượng. Đây là mốc duy trì suốt nhiều tháng qua.
Ngoài những rủi ro về biến động giá theo thị trường thế giới, giá vàng trong nước lại có những đặc thù rủi ro khác khi lên xuống không theo đúng nhịp độ thị trường.
Chưa kể, với khoảng cách chênh lệch giá so với thế giới lên đến cả chục triệu đồng mỗi lượng, cộng với biên độ mua bán nới “tùy ý” của DN kinh doanh vàng, người mua vàng luôn ở thế bị động “nắm đằng lưỡi”.
Không những giá chênh với thế giới cao mà chênh lệch giữa mua và bán cũng ở mức cao, khiến người chịu thiệt cuối cùng vẫn là khách hàng. Chỉ khi nào khoảng cách chênh lệch hạ xuống mức hợp lý, người dân mới nên đầu tư vàng.
TS Nguyễn Trí Hiếu