70 năm giải phóng Thủ đô

Triển vọng kinh tế 2022: Điểm sáng bình thường mới

GS.TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2021 được coi là năm nền kinh tế Việt Nam gặp khó khăn chưa từng có, song đã đạt được nhiều thành tích khích lệ với việc mở cửa nền kinh tế gắn với kiểm soát dịch bệnh.

Sự thay đổi này có ý nghĩa rất lớn, là giải pháp quan trọng hàng đầu để chuyển sang trạng thái bình thường mới.

“Cột mốc hồi sinh 128”

Không nằm ngoài dự đoán, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có sự phục hồi mạnh mẽ kể từ khi có Nghị quyết 128/NQ-CP (Nghị quyết 128) của Chính phủ về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nhờ đó, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV phục hồi lên mức 5,22%, góp phần thúc đẩy GDP chung đạt được mức tăng trưởng theo kịch bản dự báo lạc quan được điều chỉnh, cập nhật cuối năm 2021.

Sản xuất ô tô tại Nhà máy Vinfast. Ảnh: Phạm Hùng
Sản xuất ô tô tại Nhà máy Vinfast. Ảnh: Phạm Hùng

2021 là một năm đầy khó khăn đối với Việt Nam. Việt Nam đã có sự phục hồi đáng ghi nhận trong những tháng cuối năm. Bước ngoặt này có được từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, chỉ có thích ứng an toàn mới có thể phục hồi sản xuất, giảm tổn thương của nền kinh tế. Sau nhiều tháng căng mình chống dịch Covid-19 bằng các biện pháp giãn cách xã hội theo các Chỉ thị 15, 16, 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã khiến chuỗi cung ứng nhiều ngành hàng bị đứt gãy. Đó là các biện pháp tình thế “cực chẳng đã”. Tình hình dịch bệnh và ách tắc sản xuất kinh doanh từ giữa đến cuối quý III đã có lúc tưởng chừng làm cho nền kinh tế “nghẹt thở”.

 

Sự phục hồi đối với các DN và nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 không phải là trở lại trạng thái của ngày hôm qua, mà phải bắt đầu một diện mạo mới, mô hình kinh doanh mới theo hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để phát triển bền vững và tăng cường khả năng chống chịu. Trong nền kinh tế số, DN sẽ phát triển nếu được thúc đẩy bởi cải cách thể chế mạnh mẽ.

Nghị quyết 128 cho phép chuyển từ chiến lược "Zero Covid-19" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" đã tạo tiền đề để các địa phương mở cửa trở lại. Điểm tích cực nhất của Nghị quyết 128 là trong mọi tình huống, diễn biến của dịch Covid- 19 đều có thể tổ chức sản xuất được, chỉ cần DN đáp ứng được các yêu cầu an toàn phòng dịch. Việc ban hành một Nghị quyết với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, thống nhất trên phạm vi cả nước, công khai cho người dân, DN cho thấy Chính phủ đã trao sự chủ động cho DN nên hiệu quả khôi phục kinh tế sẽ nhanh hơn. Và theo đánh giá của nhiều DN, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 là giải pháp kịp thời, giúp "cởi trói" tinh thần cho DN, góp phần thúc đẩy khôi phục kinh tế.

Sau những xáo trộn, nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục trong tháng 10. Tăng trưởng kinh tế 2021 2,58%, dù đó là mức thấp nhất từ hơn 10 năm qua, nhưng vẫn là dấu hiệu tích cực khi nhiều nền kinh tế đã tăng trưởng âm trong đại dịch.

Tạo đà cho năm 2022

Những kết quả kinh tế - xã hội trong năm 2021 đầy khó khăn, thách thức, dẫu còn nhiều chỉ tiêu kế hoạch không đạt được, nhưng vẫn sẽ là “bàn đạp” tạo đà cho nền kinh tế phát triển trong năm 2022 này.

Triển vọng kinh tế 2022: Điểm sáng bình thường mới - Ảnh 1

Dù vậy, năm 2022, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và dự báo còn diễn biến phức tạp hơn trước do nguy cơ xâm nhập biến chủng Omicron; số ca mắc và tử vong do Covid-19 có xu hướng tăng. Kinh tế - xã hội vẫn tiềm ẩn bất ổn, giá cả trên thế giới có xu hướng tăng cao… Năm 2022, bên cạnh những khó khăn của việc vừa kiểm soát đại dịch vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức làm sao để tạo lực đẩy tốt hơn cho đà phục hồi kinh tế.

Do đó, kiên định mở cửa nền kinh tế gắn với kiểm soát dịch bệnh, coi đây là giải pháp quan trọng hàng đầu. Nhiệm vụ thời gian tới Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nắm chắc, dự báo tốt tình hình, đặc biệt là về dịch Covid-19; kiên trì thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP. Theo đó, dần dần mở cửa trở lại các hoạt động trong nước cũng như quốc tế, nhằm khôi phục một trạng thái “bình thường mới”.

Cũng phải nhìn nhận, việc thích ứng với trạng thái bình thường mới phải gắn liền với các quyết sách về y tế, đặc biệt là quyết tâm đẩy nhanh diện bao phủ tiêm chủng trên toàn quốc. Năng lực ứng phó của chúng ta đang được nâng lên, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở. Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực y tế. Đây là nền tảng rất quan trọng cho thực hiện Nghị quyết 128 và tiếp tục kiên định chuyển sang trang thái bình thường mới.

Có thể nói Việt Nam đã bước vào trạng thái "bình thường mới" trong khi các điều kiện kinh tế cơ bản của Việt Nam hầu như không thay đổi với nền chính trị ổn định, lực lượng lao động xuất sắc và chi phí tương đối thấp, nhiều hiệp định thương mại tự do mới sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2022, Chính phủ quyết liệt thu hút đầu tư… Chúng ta nên coi làn sóng dịch lần này như một cơ hội. Nhiều công ty vẫn đang tìm đến các quốc gia khác ngoài Việt Nam để đa dạng hóa rủi ro của họ. Nhưng các nước đó cũng có những vấn đề tương tự cần giải quyết. Tình thế này vẫn sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam một lần nữa trở nên hấp dẫn hơn và củng cố thế mạnh thực sự của mình.

Chính phủ đã quyết liệt, lắng nghe, cầu thị, kịp thời đưa ra những giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho DN bắt nhịp trở lại với guồng sản xuất, dù vẫn còn những khó khăn thách thức. Và đây cũng là lúc DN tiếp tục đồng hành cùng những bước đi mạnh mẽ, hiệu quả của Chính phủ trong nỗ lực khôi phục nền kinh tế sau đại dịch.

Thúc đẩy động lực tăng trưởng mới

Dù vậy, tương tự như khi chữa cho bệnh nhân ốm nặng, cơ thể suy nhược cần liều thuốc để khôi phục sức đề kháng, nền kinh tế cần một gói cứu trợ đủ lớn để hồi phục, tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh. Chương trình phục hồi kinh tế được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn hậu Covid-19 và tạo lập nền tảng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Tôi cũng như nhiều chuyên gia ủng hộ một gói kích thích kinh tế để giúp đỡ người lao động, trợ giúp DN và thúc đẩy đầu tư công. Điều quan trọng là giải ngân kịp thời, trọng tâm, trọng điểm, công khai minh bạch, chịu trách nhiệm giải trình dưới sự giám sát của các tổ chức có chuyên môn nghiệp vụ để hỗ trợ đúng địa chỉ.

Bên cạnh đó, phải tìm ra động lực phát triển mới, ưu tiên hoàn thiện thể chế; tập trung cho chuyển đổi số; ứng phó biến đổi khí hậu; thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Đại dịch đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang kinh tế số, "lên mạng" đã trở thành từ khóa quen thuộc với mọi người. Nhìn từ trong nước, Việt Nam có thể đẩy nhanh tiến độ phát triển các dịch vụ không đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp (học tập trực tuyến, thương mại điện tử, chính phủ điện tử, khám chữa bệnh từ xa) đồng thời tiếp tục triển khai hệ thống thanh toán công nghệ số. Bước đi như vậy không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ có chất lượng của tầng lớp trung lưu mới nổi mà còn cải thiện được năng lực cạnh tranh của quốc gia nhờ giảm chi phí giao dịch cho cả khu vực công và khu vực tư nhân.

Năm 2022 và những năm tiếp theo cần cơ cấu lại nền kinh tế, rà soát tín dụng, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số. Bên cạnh đó, cần quyết liệt trong đầu tư công, tập trung cải cách hành chính và cấp bách giải quyết thiếu hụt lao động ở một số địa phương… Một vấn đề quan trọng nữa là liên kết vùng, quy hoạch vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các địa phương trong điều kiện bình thường mới.

 
Triển vọng kinh tế 2022: Điểm sáng bình thường mới - Ảnh 2

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm: Các chỉ số kinh tế vĩ mô dần tốt hơn

Kết quả tăng trưởng kinh tế quý IV ở cả 3 khu vực đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 2,58%. Mặc dù mức tăng trưởng này không cao bằng năm 2020, nhưng đây là mức tăng khá trong điều kiện khó khăn khi các nguồn lực phải ưu tiên cho phòng, chống dịch bệnh.

Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi tốt từ khi thay đổi Chiến lược phòng, chống dịch từ Zero - Covid sang thích ứng linh hoạt, an toàn với Covid-19 (Nghị quyết 128). Các chỉ số kinh tế vĩ mô đều tốt lên. Một số ngành, lĩnh vực có sự phục hồi và phát triển tốt đóng góp vào tăng trưởng chung như: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng khi nền kinh tế gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế khi quý IV tăng 7,96% và cả năm tăng 6,37%. Kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2021 cao kỷ lục - đạt mức 668,5 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD, kết quả này tiếp tục đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp. Thu nội địa đã vượt dự toán. Nguồn thu từ hoạt động ngân hàng, bất động sản cũng tăng. Các ngành sản xuất công nghiệp hầu hết vẫn giữ vững. Các địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng… đều ghi nhận tăng trưởng tốt về công nghiệp.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 6 - 6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội là một thách thức. Triển vọng kinh tế Việt Nam có 3 động lực tăng trưởng mới. Đó là động lực tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu; bên cạnh đó là nhu cầu trong nước. Khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao hơn và có tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh, nhu cầu trong nước sẽ được thúc đẩy kinh tế số. Chính những yếu tố này sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nền kinh tế. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch với các gói hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ là cơ hội cho các DN, người dân được tiếp cận nhanh chóng ổn định, phục hồi sản xuất giúp tăng trưởng kinh tế.

Triển vọng kinh tế 2022: Điểm sáng bình thường mới - Ảnh 3

Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, TS Võ Trí Thành: GDP tăng trưởng dương là một kỳ tích

Cuối năm 2021, nhờ vào tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 tăng cao tạo điều kiện sớm mở cửa nền kinh tế, góp phần tăng trưởng trở lại. Nhịp độ tăng GDP 2,58% của năm 2021 đã không làm đứt quãng chuỗi thời gian có nhịp độ tăng trưởng GDP dương liên tục của Việt Nam hơn 1/3 thế kỷ kể từ khi đổi mới, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế. Dù sao thì đó cũng là một kỳ tích của Việt Nam.

Sau không ít trắc trở, Việt Nam đang có những nền tảng tốt cho công cuộc phục hồi. Đó là sự đồng thuận và quyết tâm cao của toàn dân cùng kinh nghiệm chống dịch; là nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, hấp dẫn thu hút đầu tư và sự phục hồi mạnh mẽ của nhiều nền kinh tế là đối tác chính của Việt Nam. Những tháng cuối năm 2021 đã thể hiện được rõ nét nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ, đó là tin vui từ khu vực nước ngoài FDI. Vốn FDI đăng ký ước tăng 9,2% so với năm trước, ước đạt 31,15 tỷ USD, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ đầu tư FDI mạnh mẽ trở lại, từ đó thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh các FTA Việt Nam ký trong vòng 2 năm qua bắt đầu mang lại "trái ngọt".

Cơ sở hạ tầng mới đưa vào sử dụng cũng sẽ thúc đẩy cho các hoạt động kinh tế. Chính phủ đang chuyển hướng phát triển sang nền kinh tế không dựa vào nguồn lao động giá rẻ và nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn mà tập trung vào khoa học - công nghệ. Chính phủ đặt mục tiêu, nền kinh tế số chiếm 25% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030, điều đó sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai theo hướng bền vững.

Triển vọng kinh tế 2022: Điểm sáng bình thường mới - Ảnh 4

Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Jacques Morisset: Kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ có gam màu tươi sáng

Năm 2022, kinh tế Việt Nam có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, như dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với sự xuất hiện các biến thể mới, thiên tai, biến đổi khí hậu và những rủi ro về nội tại kinh tế. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và thấp hơn năm 2021; rủi ro tiếp tục gia tăng. Việt Nam là một nền kinh tế mở, do đó nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tình hình của nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% năm 2022, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được nếu đáp ứng 2 điều kiện: Kiểm soát tốt đại dịch và cải thiện cán cân cung - cầu. Chính phủ cần triển khai các biện pháp kích cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa, với tỷ lệ nợ công trên GDP mới chỉ ở mức 44% trong khi trần nợ công đã được Quốc hội thông qua ở mức hơn 60%, do vậy, Việt Nam vẫn còn dư địa để vay vốn. Nhờ lượng dự trữ tiền mặt ở mức cao, Việt Nam cũng có thể tăng chi ngân sách bằng cách khởi động lại các chương trình đầu tư công như đã triển khai trong năm 2020 và tăng hỗ trợ cho những người dân bị mất việc làm, giảm thu nhập hay đã hết tiết kiệm do đại dịch. Việc nới lỏng các chính sách tài khóa, thực hiện giảm thuế và giảm phần đóng góp của người dân để thúc đẩy chi tiêu cũng có thể được cân nhắc. Phòng, chống dịch hiệu quả và với những nỗ lực chuẩn bị các nguồn lực, kế hoạch để thích ứng với dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế, vì vậy tôi tin rằng, triển vọng nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ có gam màu tươi sáng, phục hồi nhanh chóng đến từ chính giai đoạn chững lại của sản xuất và thương mại.

(Trâm Anh ghi)