Ông Trần Đăng Nam - Phó Chủ tịch HANOIBA điểm lại quá trình 26 năm phát triển với nhiều điểm sáng của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội |
Phát biểu mở đầu tọa đàm, ông Trần Đăng Nam - Phó Chủ tịch HANOIBA điểm lại quá trình 26 năm phát triển với nhiều điểm sáng của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội. Trải qua 8 nhiệm kỳ với hàng nghìn hội viên, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội ngày càng lớn mạnh, đóng góp những giá trị thiết thực cho nền kinh tế Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.
"Tôn chỉ hoạt động của HANOIBA là "Gắn kết doanh nhân - Nâng tầm giá trị", Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội có rất nhiều hoạt động thiết thực và bổ ích. Hội là 1 nơi rất đáng tin cậy để các doanh nhân trẻ Thủ đô có cơ hội để giao lưu, mở rộng các mối quan hệ để từ đó phát triển doanh nghiệp của mình, qua đó đóng góp cho xã hội ngày càng nhiều hơn", Phó Chủ tịch Trần Đăng Nam nhấn mạnh.
Tại tọa đàm "Triển vọng kinh tế - tài chính năm 2020 và Góc nhìn của doanh nhân", các doanh nhân sẽ chia sẻ những trải nghiệm, cũng như những kế hoạch trong từng lĩnh vực dựa trên cơ sở những kết quả đạt được năm 2019 và xu thế chung của thị trường năm 2020.
Bên cạnh đó, các chuyên gia sẽ đưa ra các phân tích mang tính chuyên môn về dự báo các chỉ số kinh tế năm 2020 đối với toàn ngành kinh tế. Qua đó giúp các hội viên HANOIBA xây dựng kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn tới.
Nền kinh tế chưa thể "bứt phá"
Đánh giá chung về kinh tế thế giới trong năm qua, Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định, có thể gói gọn vào 3 vấn đề: Giảm tốc; Bất định; và Những xu thế tất yếu.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh chia sẻ thêm, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục giảm tốc trong 1 vài năm tới. Đặc biệt, tất cả các đối tác, những thị trường lớn nhất của Việt Nam đều giảm như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...
Đặc tính thứ hai của kinh tế thế giới là bất định, rủi ro cao. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Thành, bất định có "cái hay". "Đó là, người giàu người nghèo, người chậm phát triển đều như nhau. Trước kia chúng ta thua họ bởi vì họ biết cái mà mình không biết, bây giờ đều không biết như nhau, cho nên đố ai đoán biết được tương lai", Tiến sĩ Thành nói.
Những vấn đề ảnh hưởng đến sự bất định hiện nay có thể kể đến như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; tình hình địa chính trị thế giới; biến đổi khí hậu và sự phát triển của công nghệ.
Đặc tính thứ ba, cho dù có sự giảm tốc, có sự bất định nhưng tồn tại 3 xu thế không thể cưỡng được trong thế giới hiện nay. Đó là: Tiêu dùng sạch - xanh - biểu tượng - thuận tiện - nhân văn; Chuyển đổi số; Biến đổi khí hậu.
"Ba điều trên hàm ý là, bây giờ không ai có thể nói về chiến lược dài hạn, tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp mình. Chiến lược tốt nhất bây giờ là 3 năm, và phải cuốn chiếu hàng năm", Tiến sĩ Thành nói. Đồng thời nhấn mạnh, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đề cao quản trị rủi ro và quản trị bất định.
Về kinh tế Việt Nam Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đánh giá chúng ta đã có 1 năm kinh tế "tỏa sáng" trên nhiều lĩnh vực. Các trụ cột kinh tế đều vững vàng và tăng trưởng, tỷ giá ổn định. Việt Nam là 1 trong những quốc gia có niềm tin tiêu dùng cao nhất thế giới.
Bên cạnh đó cũng còn nhiều "trăn trở", khi chưa giải quyết được vấn đề môi trường; cải thiện môi trường kinh doanh; tái cấu trúc và đổi mới sáng tạo. 4 vấn đề trên khiến Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định, nền kinh tế Việt Nam không đạt được mục tiêu "bứt phá" trong năm qua.
Các diễn giả tham dự tọa đàm |
Bước vào phần chính buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Lê Phụng Thắng với vai trò người điều phối nội dung, mong muốn các doanh nhân chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn của đơn vị mình, đồng thời đưa ra các câu hỏi cho diễn giả, qua đó đúc rút được những bài học, kinh nghiệm trong kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.
1 năm ngân hàng khởi sắc, do đâu?
Với yêu cầu đánh giá chung về tình hình 2019 của ngành ngân hàng, và MB có những hoạch định gì để "bứt phá" trong thời gian tới? ông Đinh Như Tuynh - Giám đốc khối SME, Ngân hàng MB cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm qua là 13,7%.
Theo ông Tuynh, có hai nguồn lợi nhuận lớn nhất của các ngân hàng năm 2019. Một là thu bất thường, hai là bảo hiểm.
"Những năm trước quá hạn nhiều, năm nay thị trường, đặc biệt mảng bất động sản khởi sắc thì ngân hàng thu được tiền, Phần này tính vào lợi nhuận. Thứ hai, các ngân hàng trong năm nay đều đẩy mạnh mảng bảo hiểm. Từ bảo hiểm tiền vay đến hợp tác với các công ty bảo hiểm", Giám đốc khối SME, Ngân hàng MB nói.
Về công tác chuẩn bị cho 2020 và những năm tiếp theo, với MB ông Đinh Như Tuynh nhấn mạnh vào 3 vấn đề: Số hóa; Các quy định, chính sách mới; Nợ xấu.
Ông Tuynh thông tin, năm 2019 Hồng Kông (Trung Quốc) cấp giấy phép cho 8 ngân hàng số. Singapore cách đây ít hôm có 21 nhà đầu tư xin cấp giấy phép ngân hàng số. Có thể nói các ngân hàng thời gian qua đã đổ không biết bao nhiêu tiền để đầu tư cho công tác này.
"Với MB, năm ngoái chúng tôi đã kết hợp với một đơn vị đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng trong vòng 5 năm ở lĩnh vực này. Ai cũng nhận thấy phát triển ngân hàng số là một xu thế tất yếu", ông Tuynh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hiện nay đang có hàng loạt chính sách mới, thực thi Basel 2. Vị đại diện ngân hàng MB phân tích, ở góc độ nào đó điều này sẽ khiến cho việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp khó hơn. Ngoài ra nợ xấu vẫn luôn tiềm ẩn. Đây là 3 vấn đề không chỉ riêng MB mà các ngân hàng phải thực thi trong thời gian tới.
Tái cơ cấu doanh nghiệp chú trọng tới tinh gọn
Về vấn đề hiện nay đang được coi là rất "đau đầu" với các doanh nghiệp - Nguồn nhân lực, bà Tiêu Yến Trinh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kết nối Nhân Tài Talentnet đánh giá, chất lượng nguồn nhân lực của công ty không nằm ở phòng nhân sự mà ở ban lãnh đạo, CEO. Nguồn nhân lực chính là khối tài sản vô hình, giá trị cao của doanh nghiệp.
Vị Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chia sẻ về vai trò, xu hướng, những vấn đề cần lưu ý về nguồn nhân lực.
Theo bà Trinh, hiện nay Công ty Cổ phần Kết nối Nhân Tài Talentnet đang nhận được đơn đặt hàng tuyển dụng lao động của rất nhiều tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam. Vị này lưu ý đến nhóm ngành sản xuất, đây là ngành đang có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, phân bổ vào nhiều tỉnh thành khu vực phía Bắc, phía Nam và tỉnh Đồng Nai.
Xu hướng 3 - 5 năm nữa sẽ tự động hoá nhiều, tự động hoá thay thế công nhân lao động chân tay. Điều này đòi hỏi lao động chân tay phải có kỹ năng về phân tích, sáng tạo, quan hệ. Tuy nhiên, cũng đặt ra cho lãnh đạo doanh nghiệp phải có kế hoạch, phân tích xu thế để đưa ra chiến lược đào tạo lao động, bố trí công việc hợp lý cho họ.
Sự phát triển của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; Ứng dụng công nghệ trong quản trị; Quản trị nhân tài, thu hút nhân tài.
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kết nối Nhân Tài Talentnet đặc biệt nhấn mạnh đến xu hướng tái cơ cấu của các doanh nghiệp trong thời gian tới. Xu hướng bây giờ là linh hoạt, gọn, quyết định nhanh. Nguồn nhân lực sẽ không còn cồng kềnh, tập trung tại các phòng ban mà phân bổ về các dự án. Ngoài ra các doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả từ việc liên kết, liên thông các bộ phận, sử dụng nhân lực là sinh viên.
3 nỗ lực để đáp ứng 3 yêu cầu "vô đối" của khách hàng
Kinh doanh trong 1 lĩnh vực đang rất "nóng" hiện nay, ông Tăng Văn Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư K&G Việt Nam đã có những chia sẻ rất thú vị về câu chuyện, làm thế nào để hiểu, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Theo đó, ông Khanh đánh giá, Việt Nam có các doanh nghiệp dệt may mạnh, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta làm ngành này giỏi.
"Thực ra chúng ta chỉ là những người đi may giỏi. Chúng ta tham gia vào chuỗi giá trị nhưng tạo ra giá trị thấp nhất trong ngành này. Bên cạnh đó sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành rất khủng khiếp. Nhiều tên tuổi lớn đã không chịu được và phải bán thương hiệu", Chủ tịch K&G Việt Nam nói.
Vị này nhận định, với công ty của ông, 2020 và những năm tiếp theo luôn phải đối mặt với sự "Bất trắc", đến từ 3 yêu cầu có thể nói là "vô đối" của khách hàng.
Thứ nhất đòi hỏi sự miễn phí; Thứ hai là sự hoàn hảo; Thứ ba là ngay lập tức. Đây là 3 đòi hỏi sẽ càng ngày càng rõ ràng hơn. Trong đó, sự miễn phí không phải là cho không, không có giá trị, mà là cùng 1 mức chi trả, nhưng khách hàng đòi phải được nhiều hơn, hoàn thiện hơn.
Ông Khanh lưu ý đến việc hiện nay giới trẻ đang ứng dụng công nghệ rất tốt, họ thích ứng rất nhanh với sự chuyển đổi xu hướng của khách hàng. "Họ lấy đi lượng khách hàng của mình rất nhanh", ông Khanh đúc kết.
Từ 3 đòi hỏi trên, K&G Việt Nam tập trung vào 3 nỗ lực. Thứ nhất hiểu khách hàng họ đang cần gì? Thứ hai là đáp ứng. Thứ ba là nỗ lực kết nối với khách hàng, người tiêu dùng.
Trong đó, ông Khanh nhấn mạnh đến việc, hiện nay các doanh nghiệp mới chỉ đang nỗ lực mang lại nhiều quyền lợi và lợi ích hơn cho khách hàng, nhưng điểm rất yếu là chưa tạo sự thiện cảm, tình yêu đối với thương hiệu.