Triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn: Lạc quan nhưng… vẫn lo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với chủ đề “Giai đoạn mới cho tăng trưởng cạnh tranh”, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2011 diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội ghi nhận sự lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp (DN) về triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn, với gần 69% ý kiến cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 3 năm tới.

DN trong nước lạc quan hơn

Theo báo cáo cảm nhận môi trường đầu tư, kinh doanh được trình bày tại VBF, 2011 được nhìn nhận là một năm các DN phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thể hiện qua chỉ số cảm nhận về môi trường kinh doanh giảm xuống thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Mặc dù vậy, đa số DN vẫn lạc quan về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Con số 69% DN tham gia hội nghị cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 3 năm tới tuy giảm mạnh so với mức 76% của lần điều tra trước, song cho thấy tín hiệu đồng hành với Chính phủ trong những bước đi cần thiết để đạt mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng chất lượng và hiệu quả.

Nhìn chung, các DN trong nước có cái nhìn lạc quan hơn về môi trường đầu tư hơn so với cộng đồng DN nước ngoài trên hầu hết các lĩnh vực (12/14 lĩnh vực). Đơn cử như hạ tầng giao thông, nỗ lực cải cách hành chính… Hai lĩnh vực có sự khác biệt lớn đáng chú ý trong cảm nhận giữa các DN trong nước và nước ngoài là mức độ gia nhập thị trường và lao động. Hơn một nửa số DN trong nước cho rằng có sự giảm bớt những rào cản khi gia nhập thị trường trong khi tỷ lệ này ở các DN nước ngoài là 28%. Gần 29% DN trong nước cho rằng việc thuê và sa thải lao động dễ dàng hơn, trong khi tỷ lệ này ở các DN nước ngoài chỉ 7%...

Nhiều “nút thắt”

Năm nay, cộng đồng DN đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong hai lĩnh vực tiếp cận thông tin và thuế. Các lĩnh vực ít có sự chuyển biến nhất vẫn là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chống hàng giả, hàng nhái, tiếp cận ngoại tệ và đất đai. Đặc biệt, sau nhiều năm liền được đánh giá cao, quản lý kinh tế vĩ mô đã rơi vào vị trí đáng lo ngại nhất của môi trường kinh doanh năm nay. Đa số các DN cho rằng, thời gian tới Chính phủ nên kiên trì thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Các yếu tố cần cải thiện khác bao gồm: Cải cách thủ tục hành chính, giảm rào cản gia nhập thị trường, cải thiện hệ thống hạ tầng vận tải, năng lượng.

Triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn: Lạc quan nhưng… vẫn lo - Ảnh 1

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, "điểm nóng" nhất trong năm 2011 là tình trạng tiếp cận vốn đặc biệt khó khăn do tác động từ chính sách thắt chặt tiền tệ, với lãi suất cao quá mức chịu đựng của DN. Bên cạnh đó, nhiều DN phản ánh, họ đang chịu nhiều thiệt thòi do hệ thống pháp luật kinh doanh chưa hoàn thiện của Việt Nam.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu lấy ví dụ, dự thảo Luật Giá vẫn chưa thực sự minh bạch, rõ ràng, dễ dẫn đến quyền tự ý định đoạt cho các quan chức nhà nước. Khái niệm biến động bất thường về giá được định nghĩa rất mơ hồ. Dự thảo cũng không đưa ra bất cứ trách nhiệm rõ ràng nào đối với các quan chức nhà nước về việc giữ bí mật thông tin cho DN cung cấp với mục đích kiểm soát giá. Ông Brian O'Reilly, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Australia cũng có chung mối lo ngại này khi cho rằng tình trạng giải thích khác nhau về các quy định thuế giữa các cơ quan thuế địa phương vẫn còn khá phổ biến.

Một "nút thắt" rất đáng ngại khác của Việt Nam trong nhiều năm qua chưa được giải quyết tốt đó chất lượng nguồn nhân lực. Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ Christopher Twomey khuyến nghị Chính phủ cần có những nỗ lực cụ thể hơn để thúc đẩy việc cải thiện và nâng cao trình độ của lực lượng lao động. Ông Christopher cảnh báo, nếu tiếp tục tình trạng nhân lực kém, không được đào tạo và thiếu trình độ, Việt Nam có thể sẽ mắc vào tình trạng "bẫy năng suất kém", làm giảm sút sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Sau Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) 2011, nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam bao gồm các thành viên của Chính phủ Việt Nam, đại diện của các nhà tài trợ song phương, đa phương và các tổ chức phi Chính phủ, sẽ nhóm họp tại Hà Nội ngày 6/12. Chủ đề của hội nghị lần này là "Thúc đẩy Tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo". Hội nghị là diễn đàn thảo luận hữu ích và thẳng thắn giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển về những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam. Năm ngoái, các đối tác công bố cam kết tài trợ trị giá 7,88 tỷ USD cho Việt Nam.

Valid: True