Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển vọng lạc quan của giá vàng năm 2025

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần đầu tiên của năm mới 2025, giá vàng đã tăng mạnh trở lại. Diễn biến bất ngờ của giá vàng báo hiệu một năm đầy sóng gió của thị trường này.

Không chỉ thể hiện sức hấp dẫn của vàng như một tài sản tích trữ an toàn mà còn cho thấy những biến động mạnh mẽ trong tâm lý thị trường.

Vàng bật tăng đồng loạt, được dự báo tăng tiếp

Trước đó, giá vàng thế giới cũng trải qua một năm 2024 có nhiều biến động mạnh tăng - giảm; lập đỉnh cao rồi tuột dốc. Trong năm 2024, giá vàng đã tăng khoảng 27%, đạt mức cao kỷ lục gần 2.800 USD/ounce, sau đó giá giảm kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra ngày 5/11/2024.

Những ngày đầu năm 2025, giá vàng tăng trở lại, ngày 8/1 đứng ở ngưỡng 2.648,1 USD/ounce, tăng 10,5 USD/ounce so với đầu phiên giao dịch trước. So với một tuần trước đó, giá đã tăng 0,8%, bất chấp việc chỉ số Dollar index tuần qua tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 11/2024 do chương trình nghị sự của Tổng thống mới của nước Mỹ ủng hộ việc tăng thuế.

Theo giới phân tích kinh tế toàn cầu, đà tăng kỷ lục của vàng năm 2024 sẽ còn tiếp diễn cho đến năm 2025. Thậm chí, trong năm nay, giá vàng sẽ chạm mức chưa từng có.

Theo các nhà phân tích, những đợt mua vàng quy mô lớn của các ngân hàng T.Ư, chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và vai trò lịch sử của vàng như một nơi "trú ẩn an toàn" trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, bao gồm các cuộc căng thẳng ở Ukraine và Trung Đông… Chính là động lực chính đẩy giá vàng lên cao.

Mua bán vàng tại cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Mua bán vàng tại cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Các chuyên gia tại Heraeus, Goldman Sachs Group, hay Kico… kỳ vọng, xu hướng giá vàng lên mức cao kỷ lục sẽ tiếp tục vào năm 2025, phá vỡ mức đỉnh lịch sử thiết lập của năm 2024, nhờ hoạt động mua vào của các ngân hàng T.Ư đa dạng hóa dự trữ và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD dự kiến sẽ tiếp tục vào năm 2025. Báo cáo cho thấy, dự trữ vàng của PBOC đã tăng thêm 300.000 ounce trong tháng 12, nâng tổng số lên 73,3 triệu ounce.

WGC cũng nhấn mạnh rằng các nhà đầu tư đang rất cẩn trọng chuẩn bị cho nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai của ông Donald Trump với những chính sách sẽ có thể tác động đối với dòng chảy thương mại, lạm phát và nền kinh tế toàn cầu. Triển vọng này tiếp tục thúc đẩy việc mua vàng như một cách để bảo vệ tài sản và phòng ngừa các cú sốc tiêu cực tiềm tàng.

Xếp hàng mua vàng

Trong nước, năm 2024, giá vàng thậm chí có thời điểm tăng vọt lên mức giá 92,4 triệu đồng/lượng trong năm (ngày 10/5/2024). Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử của thị trường vàng Việt Nam. Biến động giá vàng xảy ra có những thời điểm liên tiếp nhau. Thậm chí, có những ngày giá vàng leo dốc một cách thẳng đứng, biên độ thay đổi giá rất lớn qua mỗi lần tăng. Năm 2024 cũng là năm chứng kiến sự biến động của vàng nhẫn.

Giá vàng nhẫn lên cao nhất lịch sử 89,3 triệu đồng, lần đầu tiên “vượt mặt” vàng miếng, cao hơn vàng miếng SJC 300.000 đồng/lượng (vào ngày 30/10). Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh vàng miếng SJC đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ấn định giá để bình ổn thị trường, trong khi giá vàng nhẫn biến động theo giá thế giới.

Đầu năm 2025, giá vàng miếng ngày 8/1 được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 84 triệu đồng/lượng (mua vào) và 85,5 triệu đồng/lượng (bán ra), tiến gần hơn mốc 90 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua bán ở mức 1,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn tiếp tục tăng mạnh hơn vàng miếng SJC. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn 84,4 - 85,6 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, cao hơn 600.000 đồng/lượng mua vào, 300.000 đồng/lượng bán ra so với vàng miếng.

Có thể thấy, xếp hàng mua vàng là tình trạng liên tục được tái diễn mỗi khi giá vàng bước vào giai đoạn tăng “nóng”. Có mặt tại cửa hàng vàng từ rất sớm, anh Nguyễn Thế Giang - ở Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết phải liên tục chờ mua vàng trong suốt những ngày qua. “Tôi liên tục ghé cửa hàng vào rất sớm song vẫn chỉ được nhân viên báo hết vàng rồi. Để mua được vàng vào thời điểm này là rất khó, tôi hy vọng sẽ sớm mua được vài chỉ vàng để mừng cưới bạn” - anh Giang cho hay.

"Hai vợ chồng tôi đáo hạn ngân hàng, cần mua một cây vàng để dành. Sáng nay tiếp tục tới cửa hàng, nhân viên thông báo chưa biết bao giờ mở bán do đang hết vàng nhẫn. Tôi đành đi về và sẽ thử lại vào hôm khác" - chị Nguyễn Thị Hồng ở Đống Đa (Hà Nội), lắc đầu ngán ngẩm.

Thị trường ngóng chính sách mới

Thực tế, thị trường vàng rơi vào cảnh khó mua, khó bán bắt nguồn từ đầu tháng 6/2024, vàng miếng SJC được NHNN thực hiện bán ra cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) và Công ty SJC. Giá vàng miếng SJC được NHNN công bố và các đơn vị này không được bán cao hơn 1 triệu đồng/lượng so với giá công bố. Trong 5 đơn vị trên, chỉ có duy nhất Công ty SJC thực hiện mua lại vàng miếng SJC từ cá nhân, tổ chức, còn 4 ngân hàng thương mại không mua vào.

Các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cũng nêu tình trạng khó khăn của người dân khi mua vàng, đồng thời kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp gỡ khó cho thị trường vàng, đặc biệt là tập trung sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng.

Tại họp báo báo tổng kết ngành ngân hàng diễn ra chiều 7/1, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, việc ổn định thị trường vàng là một nhiệm vụ cấp thiết và cần hành động ngay. Trong năm 2024, biến động giá vàng thế giới có ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam nhưng mức độ tác động đã giảm đáng kể so với những năm trước. Mục tiêu kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ hợp lý đã đạt được.

Các cơ quan chức năng cùng NHNN đã thực hiện các giải pháp bao gồm thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng và các DN kinh doanh vàng, đồng thời đánh giá lại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP.

Trong báo cáo gửi Quốc hội vừa qua, NHNN cho biết, đã tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng với đề xuất 4 nhóm giải pháp và 2 nhóm kiến nghị nhằm thực hiện chức năng quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

“NHNN đề xuất sớm sửa đổi Nghị định 24/2012, trong đó có nội dung về quản lý sản xuất vàng miếng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng bảo đảm bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng; đồng thời phù hợp với tình hình thực tiễn trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý thị trường vàng, đặc biệt là từ các quốc gia có môi trường kinh doanh, thể chế chính trị tương đồng”- đại diện NHNN cho biết thêm.

 

Về dài hạn, theo tôi cần phải tính đến làm sao để thị trường vàng trong nước và quốc tế liên thông với nhau. Theo hướng này, NHNN cần phải cho phép các ngân hàng thương mại hoặc công ty kinh doanh vàng bạc đá quý lớn nhập khẩu và kinh doanh bình thường.

Nhà nước có thể áp dụng các biện pháp như thuế, hải quan, thuế VAT hay thuế của các DN kinh doanh vàng bạc để giám sát được thị trường này. Nhưng cũng cần lưu ý là nếu thuế quá cao sẽ kích thích buôn lậu vàng trở lại. Muốn vậy thì phải có giải pháp quản lý tổng thể để thị trường vàng hoạt động một cách minh bạch, với hệ thống hóa đơn, chứng từ chặt chẽ.

TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia tài chính