70 năm giải phóng Thủ đô

Triển vọng mới thu hút FDI

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tăng dần. Thực tế đang chứng minh với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ phía Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, vốn FDI không chỉ tiếp tục gia tăng, mà còn ngày càng đi vào thực chất đóng góp hiệu quả hơn vào nền kinh tế.

Chủ động hội nhập
Trong 7 tháng năm 2017, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần đạt 21,93 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016. Tính đến tháng 7 đã có 122 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Hoạt động đầu tư từ nước ngoài vào các dự án cấp mới tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và hoạt động kinh doanh bất động sản.

Sản xuất máy in tại Công ty TNHH Canon Việt Nam.  Ảnh: Thanh Hải

Triển vọng thu hút vốn FDI tiếp tục lạc quan khi nhiều tổ chức tài chính, hiệp hội DN đầu tư nước ngoài đều đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Báo cáo điểm lại, cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2017 và dự báo triển vọng của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, điểm nhấn của kinh tế Việt Nam là vị thế kinh tế đối ngoại, duy trì thặng dư nhờ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu và dòng tiền đầu tư FDI ở mức kỷ lục. Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng ghi nhận động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong năm 2017 - 2018 là đầu tư nước ngoài trong sản xuất chế tạo. Những kỷ lục về thu hút FDI trong những năm qua đã thúc đẩy ngành chế tạo trong nước…
Đặc biệt trong triển vọng hội nhập kinh tế quốc tế, với các lịch trình dày đặc, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới  Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu, Campuchia, Lào… từ đầu năm đến nay đã và đang được thể hiện bằng các dự án, hợp đồng ký kết với tổng giá trị lớn tới hàng chục tỷ USD. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên làn sóng đầu tư mới, một Việt Nam đang tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới với các đối tác và DN các nước.
Hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư
GS. TS Nguyễn Mại bày tỏ đánh giá rất lạc quan về đầu tư nước ngoài từ nay đến năm 2020: “Chúng ta đang đón nhận một làn sóng FDI mới”. Tuy nhiên, “Việt Nam cần có sự chuẩn bị tốt hơn nữa, tạo dựng môi trường thuận lợi đủ điều kiện đón làn sóng đầu tư mới từ các nước. Đây là nguồn ngoại lực hết sức quan trọng, kết hợp với phát huy nội lực mà tôi tin rằng sẽ phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời gian tới” - GS.TS Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Một trong những yếu tố để thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI trong thời gian tới đó là tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đã cam kết, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Phát triển đồng bộ và quản lý có hiệu quả các loại thị trường (bất động sản, vốn, dịch vụ, lao động, khoa học công nghệ)... Tập trung các nguồn lực để đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, cảng biển… Phát triển nguồn nhân lực, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình tiến hành đầu tư tại Việt Nam, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các DN.
Trong tháng 7, Hà Nội có thêm 2 nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) gồm: 1 dự án giao thông đô thị và 1 dự án thuộc lĩnh vực môi trường với tổng mức đầu tư 5.610 tỷ đồng. Thực hiện cấp mới cho 301 dự án FDI, tổng vốn đăng ký đạt 1.355 triệu USD, số vốn thực hiện ước đạt 596 triệu USD. Như vậy, trong 7 tháng, Hà Nội thu hút 98 dự án ngoài ngân sách với tổng số vốn đăng ký là 69.000 tỷ đồng; điều chỉnh vốn cho 52 dự án với tổng số vốn tăng 11.500 tỷ đồng. Trên toàn địa bàn TP đang triển khai 128 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), tổng mức đầu tư dự kiến 307.000 tỷ đồng.