Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triệt tiêu tình trạng xe đạp đi vào cao tốc: Cần sự bền bỉ, kiên trì

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng nhiều người dân coi thường pháp luật đi xe đạp vào đường Võ Nguyên Giáp hoặc thi thoảng xuất hiện trên những tuyến đường cấm khác đã tồn tại dai dẳng, trở nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài tăng mức xử phạt, cần có sự bền bỉ, kiên trì và đổi mới phương thức phát hiện dừng xe của lực lượng chức năng.

Bất chấp vi phạm

Thời gian qua, tình trạng tái diễn hàng đoàn xe đạp trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (Hà Nội) và các tuyến đại lộ khác ở Thủ đô khiến nhiều người dân bức xúc. Việc những người này ngang nhiên di chuyển trong làn dành riêng cho ô tô. Thậm chí, họ còn chặn xe, lăng mạ, dọa nạt tài xế càng cho thấy sự ngang ngược, coi thường pháp luật.

Dư luận lên án mạnh mẽ hành vi của nhóm người đi xe đạp chặn đầu ô tô đã làm cản trở giao thông trên tuyến đường, khiến nhiều tài xế đang lưu thông cùng chiều buộc phải dừng lại. Đây được đánh giá là hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Những người đi xe đạp vào đường cấm sẵn sàng quay đầu bỏ chạy khi thấy lực lượng chức năng.
Những người đi xe đạp vào đường cấm sẵn sàng quay đầu bỏ chạy khi thấy lực lượng chức năng.

Khi phóng viên Kinh tế & Đô thị có dịp đi cùng Đội CSGT đường bộ số 15, lập chốt xử lý trên đường Võ Nguyên Giáp, thì cả đoàn xe đạp vi phạm lập tức quay đầu tháo chạy. Nhiều người trong đoàn đã xách xe vượt rào để lẩn tránh việc xử lý của lực lượng chức năng.

Anh Nguyễn Văn Hùng, tài xế thường xuyên di chuyển qua tuyến đường Võ Nguyên Giáp, chia sẻ: “Xem video được ghi lại bởi camera, tôi thấy họ trang bị bảo hộ khá kỹ cho bản thân, với mũ bảo hiểm, áo, giày chuyên dụng, còn xe đạp cũng là loại thể thao đắt tiền. Tuy nhiên, cách hành xử của nhóm người này thực sự đáng sợ, đáng bị lên án và xử phạt thật nặng”.

Theo anh Hùng, khó có thể bao biện rằng họ không biết việc đi xe đạp vào tuyến đường này là vi phạm luật giao thông, vì nó đã trở thành "vấn nạn" ở
Hà Nội trong mấy năm trở lại đây. Tình trạng này được phản ánh rất nhiều lần trên các phương tiện truyền thông. Hệ thống biển báo giao thông cũng đầy đủ.
Nhiều tài xế thường xuyên di chuyển qua tuyến đường này chia sẻ, những người đi xe đạp không những coi thường mạng sống của bản thân mà còn gây ảnh hưởng, thậm chí gây họa cho người khác khi đạp xe vào đường dành cho ô tô.

Tuyến đường Võ Nguyên Giáp - sân bay Nội Bài có cắm biển cấm người đi bộ, các loại xe thô sơ, xe thồ, xe đạp điện, xe mô tô, xe gắn máy... Tuyến đường này được thiết kế dành riêng cho ô tô lưu thông, với vận tốc từ 80 - 90km/h. Đối với trường hợp xe đạp đi vào đường cấm rất nguy hiểm vì trong quá trình tham gia giao thông, các phương tiện ô tô lưu thông với vận tốc cao gây ảnh hưởng đến tính mạng của người vi phạm và người tham gia giao thông.

Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm này lại đang là bài toán khó đối với lực lượng chức năng khi các phương tiện xe đạp sẵn sàng quay đầu bỏ chạy. Và cũng rất khó để xác minh rõ danh tính những trường hợp điều khiển bởi vì không có biển kiểm soát.

Chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe

Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tình trạng mô tô, xe đạp, xe thô sơ… cố tình vi phạm luật giao thông, đi vào tuyến đường Võ Nguyên Giáp - sân bay Nội Bài đã diễn ra một vài năm gần đây và không ít trường hợp đã bị lực lượng chức năng xử phạt. Tuy nhiên, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe khiến tình trạng này liên tục tái diễn và trở thành vấn đề nóng của xã hội.

Luật sư Phạm Thanh Hải - Trưởng Văn phòng luật Hải Thanh cho biết: “Khoản 4, Điều 26 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, xe đạp không được đi vào đường cao tốc, trừ trường hợp làm nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác điều khiển xe đi vào đường cao tốc có thể bị phạt hành chính với mức phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng theo điểm a khoản 4 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 6 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP”.

Luật sư này cho rằng, rõ ràng đi xe đạp vào phần đường dành cho ô tô di chuyển tốc độ cao rất nguy hiểm, tuy nhiên, mức xử phạt còn quá thấp. Nhiều người cố tình đi xe đạp vào phần đường này và chấp nhận nộp phạt khi bị lực lượng chức năng tạm giữ phương tiện.

Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Văn Dương cho rằng, đây là hành vi không có văn hóa khi tham gia giao thông, coi thường tính mạng của người khác và chính bản thân. Hành vi này đặc biệt nghiêm trọng và tái phạm nhiều lần.
Những người đi xe đạp thường bị xếp vào nhóm "yếu thế" trên đường.

Họ thường khó tự bảo vệ mình khi có va chạm xảy ra. Họ cũng không thể phóng tốc độ cao gây rủi ro lớn. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc thù này, chính những người yếu thế đôi khi cũng trở thành hung thần đường phố.

“Ngay đầu đường đã có biển cấm thông báo rất rõ ràng. Do đó, không thể nói những người đi xe đạp không biết gì. Cần có những hình phạt mạnh tay hơn nữa như tịch thu phương tiện hay nâng mức phạt lên gấp nhiều lần đối với những trường hợp cố tình vi phạm vào tuyến đường này” - thạc sĩ Nguyễn Văn Dương cho hay.

 

Cần bố trí lực lượng chức năng cắm chốt, tuần tra liên tục, tiếp cận từ phía sau để dừng phương tiện vi phạm tránh trường hợp khi phát hiện CSGT những người này quay đầu bỏ chạy. Lực lượng chức năng lưu tâm và tuần tra, xử lý vi phạm một cách triệt để trong thời gian dài sẽ tạo thành thói quen tốt và sẽ ngăn chặn được vấn nạn đi xe đạp vào cao tốc.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung 

 

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ: “Rõ ràng đang có sự nhờn luật đối với những người đi xe đạp vào đường Võ Nguyên Giáp. Đây chính là vấn đề mấu chốt và không còn mới vì tồn tại nhiều năm cần phải quan tâm xử lý”.

Chuyên gia này cho rằng, với những lực lượng chức năng đang có những khó khăn như quân số mỏng, phân tán, phần nào có thể thừa nhận được. Do vậy, nên xem xét tăng cường nhân lực cũng như có sự phối hợp chặt chẽ, phân bổ nhiệm vụ giữa các lực lượng chức năng có thẩm quyền, chứ không thể vì lý do này mà để vi phạm tái diễn.