Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triều Tiên cử ông Ri Son Gwon dẫn đầu đoàn đàm phán liên Triều

Nguyễn Phương (Theo Xinhua)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triều Tiên đã chọn một phái đoàn gồm 5 thành viên, dẫn đầu là Chủ tịch Ủy ban Thống nhất hòa bình Ri Son Gwon để tham gia đối thoại cấp cao sắp tới với Hàn Quốc ở làng đình chiến Panmunjom.

Ngày 7/1, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tiếp tục bàn thảo về những nội dung chi tiết cho cuộc đối thoại cấp cao về việc Triều Tiên có thể cử phái đoàn tới tham dự tham dự Olympic mùa Đông 2018 được tổ chức tại Hàn Quốc từ ngày 9 - 25/2. Cuộc đàm phán cấp cao liên Triều sẽ diễn ra ngày 9/1 tại làng đình chiến Panmunjom nằm trên biên giới giữa hai nước.
Chủ tịch Ủy ban Thống nhất hòa bình Ri Son Gwon dẫn đầu đoàn đàm phán của Triều Tiên.
Một quan chức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, hai bên đã bắt đầu phiên liên lạc đầu tiên qua đường dây nóng từ ngày 6/1 và thảo luận thành phần phái đoàn tham gia đàm phán thông qua việc trao đổi văn bản.
Hàn Quốc đã đề xuất cử một phái đoàn gồm 5 thành viên do Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon dẫn đầu, trong đó có 2 Thứ trưởng của Bộ Thống nhất và Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch.
Trong khi đó, ngày 7/1, Triều Tiên thông báo đã cử một phái đoàn gồm 5 thành viên, dẫn đầu là Chủ tịch Ủy ban Thống nhất hòa bình Ri Son Gwon để tham gia đối thoại cấp cao với Hàn Quốc.
Liên quan đến chương trình nghị sự của cuộc đối thoại liên Triều sắp tới, ông Baik Tae Hyun - người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết: "Seoul và Bình Nhưỡng sẽ thảo luận về Olympic mùa Đông Pyeongchang và cách để cải thiện quan hệ hai miền Triều Tiên".
Cùng ngày, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) trong một bài xã luận đã nói cuộc đối thoại liên Triều lần này là “cơ hội lớn” để thống nhất.
Tuy nhiên, bài viết trên KCNA nhấn mạnh, quan hệ song phương giữa Bình Nhưỡng và Seoul là “vấn đề nội bộ của người Triều Tiên”. Do đó, các bên thứ ba không được can thiệp lên các cuộc đàm phán liên Triều, vì hành động như vậy sẽ “chỉ làm phức tạp việc giải quyết vấn đề”.
Ý tưởng về sự xích lại gần nhau giữa hai miền Triều Tiên được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong thông điệp năm mới đưa ra ngày 1/1 vừa qua đã để ngỏ khả năng cử một phái đoàn tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang diễn ra từ ngày 9-25/2 tới tại Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã hoan nghênh tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên, đồng thời nêu rõ Hàn Quốc sẵn sàng đối thoại "bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và dưới bất kỳ hình thức nào".  
Triều Tiên đã đồng ý nối lại một đường dây nóng liên lạc với Seoul sau hai năm bị cắt đứt. 
Các nỗ lực hòa giải giữa 2 miền Triều Tiên cũng nhận được sự ủng hộ của Mỹ, khi Tổng thống Donald Trump nhất trí lùi thời điểm tập trận chung Mỹ - Hàn theo đề nghị của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đồng thời bày tỏ hy vọng đàm phán liên Triều sẽ đạt kết quả tốt.
Như vậy, nếu cuộc gặp ngày 9/1 diễn ra theo như dự kiến thì đây là cuộc gặp cấp cao lần đầu tiên giữa hai bên sau 2 năm.
Điều này làm dấy lên hy vọng giảm bớt căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên sau một năm 2017 leo thang đến đỉnh điểm do chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi của Triều Tiên.