Trong báo cáo được Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố ngày 22/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này cho biết việc Mỹ đưa Triều Tiên vào danh sách bảo trợ khủng bố là phi lý và là "hành động khiêu khích nghiêm trọng".
Theo KCNA, Triều Tiên khẳng định nước này không có quan hệ với khủng bố, đồng thời cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt sẽ không bao giờ buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Người phát ngôn trên nhấn mạnh: "Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là vũ khí răn đe để đảm bảo chủ quyền đất nước".
Trước đó, ngày 20/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã xác định Triều Tiên là quốc gia bảo trợ cho khủng bố, động thái mới nhất sẽ cho phép Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.
Triều Tiên đã bị liệt vào "danh sách các nước bảo trợ khủng bố" hồi năm 1988. Năm 2008, chính quyền Tổng thống George W.Bush đã đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách này để tạo bầu không khí thuận lợi cho các cuộc đàm phán hạt nhân.
Quyết định đưa lại Triều Tiên vào danh sách này của Tổng thống Trump thực hiện chủ trương "gây sức ép tối đa" nhằm cô lập hơn nữa quốc gia Đông Bắc Á này.
Thông báo của Mỹ đánh dấu căng thẳng leo thang trong cuộc “khẩu chiến” giữa Washington và Bình Nhưỡng trước tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Tổng thống Trump liên tục nhấn mạnh, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cần chấm dứt chương trình hạt nhân, tuy nhiên, Triều Tiên vẫn tuyên bố không từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân.
Ngày 21/11, Chính phủ Mỹ thông báo các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào một loạt thực thể của Trung Quốc và Triều Tiên, cũng như các tàu thuyền bị nghi ngờ hỗ trợ chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Sau tuyên bố của chính quyền Mỹ, Trung Quốc nhấn mạnh cần đối thoại để giảm căng thẳng khu vực, cho rằng ngay trong tuần này cần "làm nhiều hơn" để tổ chức các cuộc đối thoại giải quyết khủng hoảng.