Không gian lễ hội trải dài hàng cây số, từ trung tâm TP Việt Trì đến khu di tích lịch sử đền Hùng nhưng lúc nào cũng nườm nượp dòng người về chiêm bái.
Sôi động không khí lễ hội
Về với Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm nay, người dân được hòa mình trong không gian văn hóa đặc trưng của miền đất Tổ. Ngay từ 7 giờ sáng, hàng trăm bô lão, trung nam, trung nữ đến từ các xã, phường Chu Hóa, Hùng Lô, Hy Cương, Kim Đức, Hùng Sơn, Tiên Kiên và Vân Phú đã xúng xính cờ hiệu, áo khăn… rước kiệu cổ lên Quốc Tổ Hùng Vương.
Hòa trong dòng ngươi rước kiệu, ông Nguyễn Tiến Cự (72 tuổi) xã Hùng Lô (TP Việt Trì, Phú Thọ) cho biết: Mặc dù năm nay là năm giỗ lẻ (quy mô cấp tỉnh), làng Hùng Lô chỉ tổ chức rước một trong 5 kiệu cổ (kiệu văn) về núi Nghĩa Lĩnh nhưng không khí lễ hội vẫn rôm rả từ làng trên xóm dưới. Từ ngày mùng 1 âm lịch, các bô lão đã lau rửa kiệu cổ, chuẩn bị lễ vật dâng vua.
Ngoài ra, trong ngày khai hội, ở không gian lễ hội tại Khu di tích lịch sử đền Hùng còn có những điệu hát Xoan, những câu hát, điệu múa Sình ca, Vèo ca của người Cao Lan, múa trống đu, sinh tiền đặc trưng của người Mường, Dao vùng đất Tổ. Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức nét văn hóa độc đáo từ các tỉnh góp giỗ như đờn ca tài tử của tỉnh Cần Thơ, hát múa Ví dặm của Nghệ An và những điệu xòe Thái của tỉnh Sơn La.
Đung đưa theo làn điệu hát Xoan tại Trại văn hóa huyện Phù Ninh, ông Nguyễn Khắc Hợp đến từ tỉnh Cà Mau cho biết, ông rất trân trọng và nể phục việc lưu giữ những điệu Hát Xoan cổ từ thời vua Hùng đến nay của người dân đất Tổ. Do đó, ông sẽ mua đĩa hát Xoan về mở cho con cháu nghe và học hát theo.
Tại đền Hùng, nhiều kiều bào đã nhịp bước về đất miền Tổ (Phú Thọ), chậm rãi lần theo những bậc đá lên điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh dâng hương lên Quốc Tổ Hùng Vương, một lòng thành kính với tổ tiên.
Ông Nguyễn Bá Thuận (kiều bào từ Đan Mạch trở về) chia sẻ: “Đây không phải là lần đầu tiên được tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương nhưng mỗi lần đến dâng hương lên các bậc tiền nhân, tôi đều cảm thấy rất xúc động. Đối với những kiều bào xa quê hương, ngoài việc tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, còn phải có trách nhiệm làm những việc thiết thực cho quê hương, đất nước, đó là điều tôi thấy có ý nghĩa nhất”.
Không gian lễ hội về miền di sản Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng mới chỉ khai màn. Từ nay đến hết ngày 10/3 âm lịch sẽ còn rất nhiều hoạt động để đón hàng triệu người con đất Việt về thành kính dâng nén hương thơm tưởng nhớ Quốc Tổ Hùng Vương.
Một lòng thành kính tưởng nhớ tổ tiên
Không chỉ ở trong nước, vào ngày 10/3 âm lịch (14/4), Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Ban vận động dự án ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu phối hợp với một số đơn vị tổ chức “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ II, năm 2019” tại Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Canada, Ba Lan.
Bắt đầu từ năm 2015, đại diện một số kiều bào về tham dự “Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 19” tại Hà Nội đã đưa sáng kiến hình thành một chiến lược ngoại giao văn hóa, đó là Dự án “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” (Chiến lược phối hợp tổ chức Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và Ngày Việt Nam toàn cầu). Nhà báo, TS Nguyễn Thị Bích Yến (Cộng hòa Áo) là người sáng lập, tác giả chính của dự án.
Những người trăn trở với dự án mong muốn thông qua đây bảo tồn và quảng bá rộng rãi Di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở nước ngoài. Đồng thời đối thoại, hội thảo, tọa đàm khoa học, kết nối, giao lưu liên văn hóa giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Đặc biệt, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, giá trị văn hóa Việt Nam trong đời sống của công chúng kiều bào, bạn bè nước sở tại và quốc tế…
Sau 5 năm triển khai, dự án “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo kiều bào nhiều nước trên thế giới như Đức, Séc, Nga, Áo, Hungary, Mỹ, Canada, Lào, Thái Lan, Nhật, Canada, Ba Lan...
Đặc biệt, cộng đồng người Việt Nam tại TP San Jose, bang California (Mỹ) còn về đền Hùng xin đất, nước, chân nhang thờ cúng tổ tiên và lập đền thờ các Vua Hùng. Mới đây, ngày 7/4, đông đảo bà con kiều bào tỉnh Udonthani và các tỉnh lân cận vùng Đông Bắc Thái Lan đã dâng nén tâm hương hướng về tổ tiên nguồn cội nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.
Cũng trong dịp này, chiều 5/4, tại Thủ đô Vientiane (Lào) diễn ra tọa đàm khoa học với chủ đề “Kiều bào với Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu”. Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức tại Lào từ ngày 5 - 6/4. Tiếp theo đó, vào ngày 14/4 tại TP Osaka Nhật Bản và tại Ba Lan cũng sẽ tổ chức Lễ dâng hương vua Hùng, chương trình văn nghệ, trình diễn áo dài…
Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù ở muôn nơi vẫn chung một nhịp đập, mọi ánh mắt đều nhìn về cùng một hướng. Ngày Giỗ Tổ không chỉ để người dân Việt Nam ở muôn phương tưởng nhớ công ơn trời biển của các vua Hùng mà còn là cơ hội để mọi người gần nhau hơn, cùng hướng về những điều tốt đẹp trong cuộc sống, giữ gìn truyền thống yêu nước của dân tộc.
Vào ngày mùng 9 và mùng 10 âm lịch (tức 13 và 14/4) Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng 2019 còn có các hoạt động: Lễ hội đền Tam Giang gắn với Hội thi bơi chải thuyền rồng trên sông Lô; chương trình biểu diễn nghệ thuật của TP Cần Thơ, tỉnh Nghệ An và tỉnh Sơn La. Đặc biệt, 6 giờ 30 phút ngày 10/3 âm lịch sẽ diễn ra lễ dâng hương tại các di tích thời Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Trước đó, lễ dâng hương các gia đình trên địa bàn tỉnh Phú Thọ sẽ làm “mâm cơm tri ân” tưởng nhớ công đức tổ tiên. |