Tuân thủ các nguyên tắc phân bổ
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày tờ trình về phương án sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách T.Ư năm 2021. Theo đó, về nguồn tăng thu, cắt giảm tiết kiệm chi kinh phí còn lại T.Ư năm 2021, kết thúc năm ngân sách 2021 đến ngày 31/1/2022, tổng thu ngân sách năm 2021 tăng 16,8% so với dự toán. Trong đó, thu ngân sách T.Ư tăng 6,6% so dự toán; thu ngân sách địa phương tăng 29,2% so với dự toán không kể nguồn thu và sử dụng đất.
Về phương án sử dụng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nguyên tắc phân bổ tuân thủ đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ về cơ chế tài chính ngân sách đặc thù của một số địa phương. Việc phân bổ, quản lý, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước cho vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn; đồng thời thực hiện quy định về tạo nguồn thực hiện chính sách tiền lương…
Trong đó, Chính phủ việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Nghị quyết 43 của Quốc hội khóa XV; Bổ sung cho 3 Dự án xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng …
Báo cáo thẩm tra phương án sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách T.Ư năm 2021 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày cho biết, về phương án phân bổ đối với số tăng thu, tiết kiệm chi, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, phương án Chính phủ trình chưa đảm bảo đúng quy định tại khoản hai Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước. Do vậy, đề nghị Chính phủ xây dựng phương án phân bổ số tăng thu, tiết kiệm, chi đúng quy định pháp luật đối với dự kiến một số nội dung cụ thể tại Tờ trình của Chính phủ.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với phương án của Chính phủ bố trí nguồn lực để thực hiện một số nhiệm vụ: Bố trí cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội; Bổ sung nguồn thực hiện cải cách tiền lương, bổ sung quỹ dự trữ tài chính, đề nghị Chính phủ trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước năm 2022 phấn đấu tăng thu góp phần tăng nguồn lực bố trí cho quỹ dự trữ tài chính; Hỗ trợ tỉnh Tiền Giang bù hụt thu cân đối ngân sách địa phương; Bổ sung nguồn thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Nghị quyết 43 của Quốc hội; Thưởng vượt thu và đầu tư trở lại cho các địa phương.
Riêng việc bố trí vốn cho cho 3 dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội có hai loại ý kiến. Đối với nguồn kinh phí còn lại của ngân sách T.Ư năm 2021 cho phòng, chống dịch và mua vắc xin, đa số ý kiến của Ủy ban nhất trí cho phép chuyển nguồn sang dự phòng ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện việc phòng, chống dịch Covid - 19 và mua vaccine theo đề nghị của Chính phủ.
Thảo luận về việc bố trí vốn tăng thu, tiết kiệm chi cho 3 dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đồng ý với phương án Chính phủ trình. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ bố trí, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí.
Đối với nguồn vốn cho 2 đường vành đai, Chính phủ đang dự kiến bố trí vốn cho vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và đường vành đai 4 Vùng Thủ đô từ dự kiến nguồn chưa phân bổ theo Nghị quyết 29, đến thời điểm này Chính phủ vẫn chưa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án phân bổ cho 2 dự án này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV.
Bổ sung nguồn để thực hiện cải cách tiền lương
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, đối với nguồn chi cho 3 dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng phải sử dụng từ các nguồn: Đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, ngân sách địa phương… Về tiến độ thực hiện 3 dự án, có thể giải ngân ngay trong năm 2023 bằng nguồn tăng thu và nguồn của chương trình phục hồi phát triển kinh tế.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về phương án sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách T.Ư năm 2021 do Chính phủ trình đã đúng quy định pháp luật, tuy nhiên chậm so với yêu cầu, cần phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan và rút kinh nghiệm.
Về phương án phân bổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với nội dung Chính phủ trình trong tổng số tăng thu tiết kiệm chi sẽ bổ sung vốn cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội; bổ sung nguồn để thực hiện cải cách tiền lương; bổ sung nguồn lực tiền thuê nhà hỗ trợ người lao động; bổ sung cho Bộ Quốc phòng, số thu từ tiền sử dụng đất quốc phòng đã nộp ngân sách, bổ sung cho Bộ Công an để thực hiện các dự án liên quan đến sản xuất thẻ căn cước công dân; cho phép chuyển nguồn mua vắc xin phòng chống dịch Covid-19…
Đối với số vốn chưa phân bổ, đề nghị Bộ Tài chính sớm thống nhất phương án với Ủy ban Tài chính - Ngân sách theo hướng tăng cường cho chương trình phục hồi kinh tế, giảm áp lực bội chi ngân sách và nợ công; hoặc xem xét thưởng vượt thu cho một số địa phương; bố trí vốn cho một số dự án đầu tư công cấp bách có thể hoàn thành trong năm 2022.… Trường hợp Chính phủ không xây dựng được phương án sử dụng khoản này, đề nghị giảm bội chi để tăng chi trả nợ theo quyết định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp với các cơ quan và các Bộ, ngành của Chính phủ tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sớm hoàn thành dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi Chủ tịch Quốc hội trình ký ban hành.