Trong đó, Luật bổ sung vào Điều 8 Luật Cư trú một số hành vi bị nghiêm cấm: Giả tạo điều kiện để được đăng ký thường trú; cho người khác đăng ký cư trú nhưng thực tế người được cấp đăng ký không sinh sống tại chỗ ở đó; đồng ý cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để trục lợi.
Đồng thời, theo lý giải của Bộ Công an, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân đang cư trú tại các thành phố trực thuộc trung ương, làm chậm tốc độ tăng dân số cơ học tại các thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt là địa bàn quận của các thành phố này, giảm sức ép về các vấn đề xã hội liên quan của địa phương, dự thảo Luật bổ sung quy định tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm đối với trường hợp đăng ký thường trú vào địa bàn quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương; đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định giao HĐND TP quy định bảo đảm điều kiện về diện tích chỗ ở bình quân đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố trực thuộc trung ương.
Ảnh minh họa.
Theo thống kê, năm 2012 Công an thành phố Hà Nội đã đăng ký tạm trú vào mới cho 51.326 trường hợp; do đó, nếu giữ quy định thời gian tạm trú là 01 năm thì năm 2013 sẽ có 51.326 trường hợp đăng ký thường trú vào địa bàn các quận của Hà Nội (như vậy trung bình mỗi năm sẽ có khoảng trên 50 nghìn trường hợp đăng ký thường trú vào địa bàn quận thuộc TP Hà Nội), gây nên sức ép rất lớn về các vấn đề xã hội liên quan, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công không thể đáp ứng kịp dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân không được bảo đảm, việc quản lý trật tự, an toàn xã hội gặp nhiều khó khăn. Nhưng, nếu tăng thời gian tạm trú từ 01 năm lên 02 năm thì trung bình 02 năm mới có khoảng hơn 50 nghìn trường hợp đăng ký thường trú vào địa bàn quận thuộc thành phố Hà Nội.
Dự thảo Luật bổ sung một khoản quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành thành phố Hà Nội cho phù hợp với quy định của Luật Thủ đô về quản lý dân cư. Đồng thời, Luật này quy định người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp thì trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú. Bổ sung quy định hình thức tiếp nhận thông báo lưu trú qua mạng Internet, mạng máy tính vào khoản 2 Điều 31 Luật Cư trú.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đề nghị rà soát lại quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật để bảo đảm tính chính xác, khả thi, bao quát của các quy định này trong thực tiễn. Bởi nội dung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm này còn chưa rõ ràng, chưa làm rõ nội dung của việc giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú. Thế nào là cho người khác đăng ký vào chỗ ở của mình để trục lợi? Về quy định nghiêm cấm việc cho đăng ký thường trú nhưng thực tế người được cấp đăng ký không sinh sống tại chỗ ở đó còn chưa rõ ràng, dẫn đến cách hiểu khác nhau. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể các vấn đề nêu trên ngay trong Luật cư trú hoặc trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật.
Các thành viên Ủy ban pháp luật cũng cho rằng việc giữ quy định về thời gian tạm trú là 1 năm như Luật cư trú hiện hành để áp dụng đối với trường hợp công dân đăng ký thường trú vào các huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương là phù hợp. Bởi lẽ, sự quá tải về dân cư tập trung chủ yếu ở các quận nội thành. Do đó, việc hạn chế bớt số lượng người thường trú tại các quận nội thành thì có thể nâng điều kiện về thời hạn tạm trú từ 1 năm lên 2 năm và phải bảo đảm về diện tích ở tối thiểu như quy định của dự thảo Luật là hợp lý. Việc quy định của dự thảo Luật cũng thống nhất với nội dung của Điều 19 Luật Thủ đô mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 vừa qua cũng chỉ quy định các điều kiện chặt chẽ hơn khi đăng ký thường trú vào các quận của thành phố Hà Nội. ý kiến này đề nghị cần có giải pháp tổng thể về kinh tế - xã hội khắc phục vấn đề tập trung dân cư vào nội thành của các thành phố lớn trực thuộc trung ương.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp được đăng ký thường trú đối với người độc thân về sống với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; ông, bà nội, ngoại về ở với cháu ruột khi được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu. Ủy ban pháp luật tán thành với việc bổ sung các trường hợp này vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc, nghiên cứu bổ sung thêm trường hợp người chưa thành niên còn cha, mẹ mà cha mẹ đã ly hôn và đã kết hôn với người khác, nhưng có nguyện vọng về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột.