Trình Quốc hội sửa đổi một số điều của Luật Kế toán

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 22/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, sau 10 năm thực hiện Luật Kế toán đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, có quy định hạch toán theo giá gốc, hiện không phản ánh được tình hình biến động tài sản và nợ phải trả tại thời điểm lập báo cáo tài chính.

Ngoài ra, các hành vi bị cấm, quy định hóa đơn bán hàng để bảo đảm hạch toán tại đơn vị kế toán, cũng như sử dụng để kê khai, thanh quyết toán thuế với ngân sách Nhà nước.... chưa được quy định rõ trong luật hiện hành. Chất lượng công tác kế toán đã được coi trọng, song còn có biểu hiện hạch toán kế toán không trung thực, gian lận, báo cáo tài chính chưa kịp thời và độ tin cậy chưa cao.

 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Chính phủ cần tổng kết, đánh giá về quá trình thực thi luật, đề xuất các nội dung sửa đổi căn bản, toàn diện hơn, xác định đầy đủ các nội dung chưa được quy định ở Luật Kế toán hiện hành để bảo đảm tính ổn định và đời sống lâu dài của luật. Luật Kế toán là đạo luật mang tính chuyên ngành cao, bao quát nhiều loại hình, lĩnh vực hạch toán. Do đó, không thể chi tiết, cụ thể hóa tất cả các quy định liên quan đến công tác kế toán vào nội dung dự thảo luật. Đối với những vấn đề liên quan đến kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên ngành, có thể giao Chính phủ quy định bằng văn bản dưới luật, nhưng cần bổ sung vào Dự Luật những quy định mang tính nguyên tắc về chính sách, chế độ kế toán, nhất là các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo đảm tính định hướng trong quá trình ban hành văn bản dưới Luật,

Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhất trí với thời điểm áp dụng Luật là từ ngày 01/7/2016. Riêng việc lập báo cáo tài chính nhà nước, việc đảm bảo các điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán đối với doanh nghiệp dịch vụ kế toán thành lập trước ngày Luật này có hiệu lực, sẽ được áp dụng từ ngày 01/7/2018 để có thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết.

Tuy nhiên, do Luật được ban hành và có hiệu lực thi hành từ trước khi sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều luật quan trọng như: Luật Doanh nghiệp, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kiểm toán độc lập,... Do đó, Chính phủ cần rà soát, đối chiếu tổng thể các quy định của Luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung đầy đủ, kịp thời các nội dung cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần