Theo đó, tờ trình của Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ đối tượng áp dụng nghỉ Tết Âm lịch và hoán đổi ngày nghỉ là công chức, viên chức của các đơn vị có lịch nghỉ hàng tuần là 2 ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Không áp dụng với doanh nghiệp và người dân nói chung.
Đối với công chức, viên chức có lịch làm việc bình thường là thứ Bảy thì không hoán đổi nên vẫn đi làm bình thường vào ngày thứ Bảy.
Điều này nhằm đảm bảo việc giải quyết thủ tục hành chính theo Quyết định số 127/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức làm việc vào ngày thứ Bảy hàng tuần để tiếp nhận thủ tục hành chính.
Trong tờ trình, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án nghỉ Tết Âm lịch 2015, như sau:
Phương án 1: Công chức, viên chức nghỉ Tết Âm lịch từ ngày thứ Ba, ngày17/2/2015 đến hết ngày thứ Bảy, ngày 21/2/2015 (tức là từ ngày 29 tháng Chạp năm Giáp Ngọ đến hết ngày mùng 3 tháng Giêng năm Ất Mùi) và nghỉ bù vào ngày thứ Hai ngày 23/2/2015 (do ngày nghỉ hằng tuần thứ Bảy trùng vào ngày mùng ba Tết).
Về hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần dịp nghỉ Tết Âm lịch, công chức, viên chức đi làm ngày thứ Bảy, ngày 14/2/2015 để nghỉ Thứ Hai, ngày 16/2/2015.
Như vậy, dịp nghỉ Tết Âm lịch, công chức, viên chức sẽ nghỉ liền từ ngày 15/2/2015 đến hết ngày 23/2/2015, tổng số là ngày nghỉ của dịp này là 9 ngày liên tục gồm 4 ngày cuối năm Giáp Ngọ và 5 ngày đầu năm Ất Mùi.
Phương án 2: Công chức, viên chức nghỉ Tết Âm lịch từ thứ Tư (18/2/2015) đến hết ngày Chủ nhật, ngày 22/2/2015, (tức là từ ngày 30 tháng Chạp năm Giáp Ngọ tới hết ngày mùng 4 tháng Giêng năm Ất Mùi) và nghỉ bù vào thứ hai (ngày 23/2/2015), thứ Ba (24/2/2015), do ngày nghỉ hằng tuần thứ Bảy (21/2/2015) và Chủ nhật (22/2/2015) trùng vào ngày mùng 3 và mùng 4 Tết.
Trường hợp này, ngày đi làm ngắt quãng là 2 ngày liên tục nên tác động tiêu cực của ngày đi làm không nhiều đồng thời việc thực hiện phương án hoán đổi 2 ngày hàng tuần vào dịp này sẽ phức tạp, gây nhiều xáo trộn, nên không hoán đổi ngày nghỉ hàng tuần vào dịp này.
Như vậy, dịp này sẽ nghỉ liền từ thứ Tư, 18/2 đến hết ngày thứ Ba, 24/2/2015 (tức là từ 30 tháng Chạp năm Giáp Ngọ đến hết mùng Sáu tháng Giêng năm Ất Mùi). Tổng số ngày nghỉ của phương án 2 là 7 ngày liên tục với 1 ngày cuối năm Giáp Ngọ và 6 ngày đầu năm Ất Mùi.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, phương án 1 là hài hòa, phù hợp hơn vì sẽ không tồn tại ngày đi làm ngắt quãng, đồng thời số ngày nghỉ trước Tết và sau Tết không quá chênh lệch. Phương án này cũng nhận được sự đồng thuận cao do phù hợp với phong tục, tập quán của người Việt Nam và nguyện vọng của người lao động.
Việc hoán đổi giúp có các đợt nghỉ dài hơn, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, giảm việc tăng mật độ người tham gia giao thông trong dịp nghỉ lễ, Tết có khoảng thời gian nghỉ ngắn; giảm áp lực đối với các đơn vị vận tải, góp phần giúp các đơn vị vận tải phục vụ người dân tốt hơn trong dịp lễ, Tết; tạo điều kiện cho người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội, góp phần kích cầu tiêu dùng.
Đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH cũng nêu rõ: Cơ quan tổ chức hành chính, sự nghiệp không thực hiện lịnh nghỉ cố định vào 2 ngày thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần thì căn cứ vào chương trình, kế hoạch của đơn vị để bố trí lịch nghỉ phù hợp.
Doanh nghiệp và tổ chức sử dụng lao động khác tùy vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị để bố trí lịch dịp lễ, Tết phù hợp với quy định của pháp luật.