Chúc mừng năm mới

Trò chơi đơn giản giúp APT., Squid Game khuynh đảo thế giới

Thùy Trang/laodong.vn
Chia sẻ Zalo

"APT." của Rosé và bộ phim "Squid Game" dùng chung một công thức để tạo nên cơn sốt trên toàn cầu.

Ca khúc "APT." và phim "Squid Game". Ảnh: YouTube
Ca khúc "APT." và phim "Squid Game". Ảnh: YouTube

Ca khúc "APT." của Rosé và Bruno Mars bắt nguồn từ trò chơi trên bàn tiệc của người Hàn Quốc.

Trò chơi trên bàn nhậu tên “Apartment game” đã trở thành ý tưởng cho thành viên Blackpink. Theo Korea Boo, văn hóa uống rượu của Hàn Quốc khá phổ biến, đặc biệt là với những người làm văn phòng. Do vậy, “Apartment game” trở thành trò chơi kết nối mọi người trên bàn tiệc.

Vì người tham gia sẽ đặt tay lên nhau thành chồng như một tòa nhà cao tầng, do đó trò chơi được đặt tên là “Apartment”, có nghĩa là căn hộ theo tiếng Anh.

Động tác xếp tay chồng lên nhau và hô "apateu" (phát âm tiếng Hàn) được lan truyền nhiều ngày qua và trở thành trào lưu được khán giả trẻ hưởng ứng.

Trên các mạng xã hội như TikTok, X, nhiều người đăng tải video hướng dẫn, chơi trò chơi này và thu hút hàng triệu lượt xem.

Cùng với phim ảnh, âm nhạc, chương trình tạp kĩ, những trò chơi truyền thống của người Hàn dần trở nên phổ biến với người xem toàn cầu.

Năm 2021, "Squid Game" trở thành hiện tượng trên nền tảng Netflix. Không chỉ trở thành tựa phim ăn khách, phim cùng lúc tạo nên nhiều cơn sốt, từ trang phục, âm nhạc đến những trò chơi của trẻ nhỏ nhưng lại mang tính "sống còn".

Một trong những chi tiết được quan tâm nhiều ở bộ phim là hộp kẹo dalgona với chiếc kẹo mỏng nấu từ đường, được khắc hình ngộ nghĩnh.

Người chơi cần tách được hình bên trong mà không làm vỡ kẹo. Ở Hàn Quốc, kẹo dalgona thường được bán bên ngoài cổng các trường học cho đến đầu những năm 2000, nhưng giảm dần từ sau đó.

“Squid Game” tạo nên cơn sốt toàn cầu khi khai thác trò chơi sinh tử với số tiền thưởng cao ngất ngưởng. Ảnh: Netflix
“Squid Game” tạo nên cơn sốt toàn cầu khi khai thác trò chơi sinh tử với số tiền thưởng cao ngất ngưởng. Ảnh: Netflix
Theo KBS, không chỉ trò chơi tách kẹo đường, "Squid Game" còn quảng bá cả "Đèn xanh đèn đỏ", Ttakji (đập giấy lật), bắn bi, kéo co - những trò chơi quen thuộc, đơn giản với trẻ em Hàn Quốc.

"Nhờ bộ phim truyền hình mà tất cả các trò chơi đều trở nên rất quen thuộc, khung cảnh sự kiện giống như một "bữa tiệc xóm làng", quảng bá về văn hóa Hàn Quốc", KBS bình luận.

Nancy Wang Yuen - một nhà xã hội học ở Hollywood (Mỹ) cho biết: "Kẹo đường dalgona đại diện cho sự hâm mộ âm nhạc và phim ảnh Hàn Quốc. Thông qua những bộ phim hay sản phẩm âm nhạc nổi tiếng ấy, văn hóa Hàn Quốc sẽ được quảng bá đến khắp nơi, để rồi mọi người trên thế giới đều có thể vui vẻ mà thốt lên: "Ồ, tôi đã có khám phá mới về văn hóa Hàn"".

Những trò chơi với luật đơn giản nay lại được treo phần thưởng 45,6 tỉ won, còn hình phạt là mất mạng đặt người xem vào không khí nghẹt thở, căng thẳng.

Đạo diễn kiêm biên kịch Hwang Dong Hyuk nói với Variety: "Một trò chơi sinh tồn vừa mang tính giải trí vừa thể hiện bi kịch con người. Việc trò chơi được miêu tả cực kỳ dễ hiểu giúp người xem tập trung vào các nhân vật, thay vì phân tâm khi phải hiểu rõ luật lệ".

Ông Hwang Dong Hyuk cho biết sân đấu được vẽ ba biểu tượng tròn, tam giác và vuông chứa đựng thông điệp về cuộc sống. Phim phản ánh nhiều hiện trạng xã hội như khát vọng làm giàu nhanh của một bộ phận dân Hàn Quốc, tỉ lệ nợ xấu tăng cao hay sự suy đồi đạo đức của giới chủ giàu có.

Nhiều năm qua, những trò chơi quen thuộc với người Hàn đã được đưa vào nhiều show truyền hình, phim ảnh, các nội dung sáng tạo trên mạng xã hội.

Một số trò chơi như Cham-cham-cham, tàu ngầm (cách pha rượu và bia theo kiểu Hàn), Nunchi game, Babo game, Bunny game... từng được chơi trong các chương trình tạp kĩ nổi tiếng như "Running Man", "Thử thách cực đại", "2 ngày 1 đêm".