Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trò chuyện cuối năm với đồng chí Bí thư Quận ủy Hoàng Mai

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-“20 năm qua, đời sống của người dân và bộ mặt đô thị Hoàng Mai đã thay đổi đáng kể, nhưng anh em chúng tôi biết, mình vẫn còn mắc nợ người dân nhiều lắm”, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai – đồng chí Nguyễn Quang Hiếu chia sẻ.

 Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Nguyễn Quang Hiếu thăm, tặng quà Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Anh hùng LLVT, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh HM.
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Nguyễn Quang Hiếu thăm, tặng quà Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Anh hùng LLVT, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh HM.

Chiều cuối năm Nhâm Dần, sau khi đã đi kiểm tra 1 vòng công tác chuẩn bị đón Tết tại các phường, chúc Tết và thăm hỏi, tặng quà một số gia đình chính sách, các hộ có hoàn cảnh khó khăn, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai – đồng chí Nguyễn Quang Hiếu đã có buổi trò chuyện với chúng tôi.

Theo dòng ký ức thời gian, chúng tôi- những người làm báo theo dõi địa bàn và người đứng đầu quận đông dân nhất Hà Nội (trên 512.000 dân) Bí thư Nguyễn Quang Hiếu đã cùng nhau điểm lại những dấu ấn xuyên suốt 4 nhiệm kỳ qua.

Vai trò của tổ chức Đảng, đảng viên

Trưởng thành từ phong trào Đoàn của quận Hai Bà Trưng và Thành đoàn Hà Nội rồi làm Trưởng ban Dân vận Quận ủy Hoàng Mai (2003 - thành lập Quận) cho đến nay, nên Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai  Nguyễn Quang Hiếu nắm rất rõ những cột mốc thời gian cũng như quá trình phát triển 20 năm qua của địa phương.

Theo đó, quận Hoàng Mai được thành lập ngày 25/11/2003, theo Nghị định 132/2003/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích tự nhiên 4.104 ha, 187.332 nhân khẩu được hình thành trên cơ sở 9 xã của huyện Thanh Trì và 5 phường của quận Hai Bà Trưng. Như vậy, quận Hoàng Mai có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm: các phường Hoàng Liệt, Yên Sở, Vĩnh Hưng, Định Công, Đại Kim, Thịnh Liệt, Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú, Mai Động, Tân Mai, Tương Mai, Giáp Bát, Hoàng Văn Thụ là quận có diện tích lớn thứ 4 Hà Nội  (sau các quận Long Biên, Hà Đông và Bắc Từ Liêm).

Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Hoàng Mai lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025  Ảnh HM
Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Hoàng Mai lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025  Ảnh HM

Mở đầu buổi trò chuyện, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiểu thông báo: “Điều đầu tiên phải nói đã là hệ thống cơ sở Đảng và số đảng viên đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng, trở thành đầu tàu trong tất cả hoạt động của quận Hoàng Mai trong suốt 20 năm qua. Từ ngày thành lập chỉ có 5.000 đảng viên, hiện nay, Đảng bộ Quận đã có khoảng gần 20.000 đảng viên sinh hoạt tại 55 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 33 Đảng bộ cơ sở và 22 chi bộ cơ sở (tổng số 470 chi bộ), trở thành Đảng bộ có số lượng đảng viên lớn nhất Thành phố”.

Đảng bộ quận Hoàng Mai 06 năm liên tục (2017, 2018, 20, 2020, 2021, 2022) đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu - Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng thời được Ban Thường vụ Thành ủy tặng Bằng khen Đảng bộ đạt thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ 2015-2020. Quận Hoàng Mai vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2008, Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 2018.

Điểm lại hành trình

Trong quá trình 20 năm xây dựng và phát triển Quận đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, về phát triển kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao tăng bình quân 15%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng định hướng đề ra, ưu tiên phát triển dịch vụ. Tổng thu ngân sách ước đạt hơn 53.000 tỷ đồng (cả giai đoạn 2004 - 2015 thu ngân sách đạt 14.429 tỷ đồng, riêng trong giai đoạn 2016 - 2022 thu ngân sách đã tăng vượt bậc và ước đạt 38.000 tỷ đồng), riêng năm 2022 đạt hơn 4.400 tỷ đồng, tăng trưởng 9,54%.

"20 năm qua, quận Hoàng Mai đã có bước phát triển mới vượt bậc, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của Thành phố" - Bí thư Quận ủy Nguyễn Quang Hiếu cho biết.
"20 năm qua, quận Hoàng Mai đã có bước phát triển mới vượt bậc, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của Thành phố" - Bí thư Quận ủy Nguyễn Quang Hiếu cho biết.

Bí thư Quận ủy Nguyễn Quang Hiếu chia sẻ: “Trước đây, kinh tế của quận Hoàng Mai chủ yếu là nông nghiệp, sau 20 năm phát triển, ngoài sự phát triển về con số, chúng tôi tự hào vì đã chuyển dịch kinh tế đúng theo định hướng. Đến nay, tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ chiếm 55,48%, công nghiệp, xây dựng chiếm 44,36% và ngành nông nghiệp chỉ còn chiếm tỷ trọng 0,16% trong tổng cơ cấu ngành kinh tế. An ninh, trật tự xã hội được đảm bảo, công tác quản lý đô thị, trật tự giao thông được người dân đánh giá cao”.

20 năm là một chặng đường chưa dài nhưng bộ mặt đô thị của Hoàng Mai đang có những bước chuyển biến đáng kể, sau 20 năm qua nhiều dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông trục chính, bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại hơn như: Dự án đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì, dự án thoát nước giai đoạn 1, giai đoạn 2, dự án Công viên Yên Sở, đường 2,5 đoạn Đền Lừ - Trương Định - Giáp Bát, dự án các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm Văn hóa thể thao Linh Đàm và các dự án nhà tái định cư...

Trên địa bàn quận đã có nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách hoàn thành đưa vào sử dụng, trong đó có một số dự án lớn như: Khu đô thị Linh Đàm, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Đại Kim - Định Công, Bắc Đại Kim mở rộng, Gamuda phường Trần Phú, Times City, Park Hill, 87 Lĩnh Nam…đã đưa Hoàng Mai trở thành một trong những quận có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất Hà Nội.

Một điểm sáng nữa của Hoàng Mai đó là công tác giáo dục, dù sức ép về việc thiếu nghiêm trọng các trường công lập đang đè nặng lên vai chính quyền các cấp. Hiện nay, quận Hoàng Mai có hơn 96 nghìn học sinh (trong đó khoảng 76 nghìn em học trường công lập) địa bàn quận có 90 trường học (58 trường công lập, 32 trường ngoài công lập) và 352 nhóm trẻ tư thục, trở thành quận có số học sinh đông thứ hai của Hà Nội.

Bộ mặt đô thị Hoàng Mai đang thay đổi từng ngày. Ảnh HM
Bộ mặt đô thị Hoàng Mai đang thay đổi từng ngày. Ảnh HM

 Công tác chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ mầm non ngày càng được nâng cao; cấp tiểu học hằng năm có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%; cấp THCS có tỷ lệ tốt nghiệp 99,89% và 5 năm qua, kết quả thi vào THPT công lập của quận Hoàng Mai luôn đứng tốp đầu các quận, huyện toàn Thành phố.

Nhìn tổng quát, 20 năm qua, quận Hoàng Mai đã có bước phát triển mới vượt bậc, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của Thành phố. Có thể khẳng định rằng, đây là những tiền đề cơ bản, hết sức quan trọng, bảo đảm cho quận Hoàng Mai phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn nữa trong những năm tới với tư cách là địa phương trọng điểm kinh tế cửa ngõ phía nam của Hà Nội.

Trăn trở cuối năm

Không phải ngẫu nhiên mà trong 34 kiến nghị của quận Hoàng Mai trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh (cuối tháng 9/2022), vấn đề hạ tầng giao thông, đầu tư công lại được xếp đầu trong 8 nhóm kiến nghị. Đến nay, sau 20 năm thành lập quận Hoàng Mai vẫn còn cách chuẩn giao thông đô thị cấp quận khá xa, mới đạt tỷ lệ 2km đường giao thông/km2 (tiêu chuẩn là 10km đường giao thông/km2). Nguyên nhân chính là vướng mắc giải phóng mặt bằng và công tác giải ngân cho các dự án đầu tư công.

Giáo dục đang là điểm sáng của quận Hoàng Mai. Ảnh AT
Giáo dục đang là điểm sáng của quận Hoàng Mai. Ảnh AT

Điều này vô hình trung đã khiến những tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế-xã hội như đất rộng, dân số đông, là cửa ngõ phía Nam thành phố, giao thông liên kết thuận lợi với các vùng, các tỉnh lân cận…bị bó hẹp lại. Nút thắt lớn phát triển kinh tế địa phương mà quận Hoàng Mai đang phải tìm mọi cách tháo gỡ.

Bí thư Nguyễn Quang Hiếu chậm rãi cho biết: “20 năm qua, đã có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đáng kể nhưng 50% nguồn thu hàng năm của quận Hoàng Mai vẫn phải dựa vào quỹ đất. Phải tính dần ngay từ bây giờ, bởi ít năm nữa, không còn đất nữa thì nguồn thu của Hoàng Mai sẽ lấy từ đâu?"

"Một vài dự án mang tính động lực như: các dự án giao thông, Khu đô thị Gamuda, Khu B công viên Yên Sở, Trung tâm thương mại AEON…cần phải tăng tốc để gắn phát triển đô thị với phát phát triển kinh tế đô thị; thương mại, dịch vụ và định hình sản phẩm công nghiệp của Hoàng Mai. Đây chính là những vấn đề mà Quận ủy Hoàng Mai phải có cuộc rà soát, đánh giá lại sau chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển”.

Hạ tầng giao thông quận Hoàng Mai được đánh giá chậm phát triển do với tốc độ đô thị hóa. Ảnh: AT.
Hạ tầng giao thông quận Hoàng Mai được đánh giá chậm phát triển do với tốc độ đô thị hóa. Ảnh: AT.

Được biết trong số này khu B công viên Yên Sở với diện tích 125ha (được phê duyệt quy hoạch 1/500 vào tháng 5/2020) là dự án có tính động lực cần được tập trung đầu tư, Quận ủy đang ráo riết chỉ đạo triển khai. Ngoài ra, có vài dự án giao thông đã được lãnh đạo Thành phố chấp thuận triển khai năm 2023 theo đề nghị của quận Hoàng Mai.

 

Nỗi trăn trở

“Đúng là việc chậm bàn giao bản vẽ chính thức quy hoạch phân khu sông Hồng tỷ lệ 1/5000 sẽ khiến Hoàng Mai và các quận huyện khác của Hà Nội không thể hoàn thiện quy hoạch 1/2000 các khu đất phát triển kinh tế và quy hoạch chi tiết 1/500 khu làng xóm dân cư để người dân chỉnh trang nhà cửa. Chúng tôi biết, mình vẫn còn nợ người dân nhiều lắm.” Bí thư Nguyễn Quang Hiếu đã kết thúc buổi trò chuyện cuối năm Nhâm Dần với những trăn trở như thế.

Hai thập kỷ qua, nhìn chung đời sống vật chất lẫn tinh thần hơn nửa triệu người dân Hoàng Mai đã được cải thiện đáng kể. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, Hoàng Mai là một trong ba địa phương của Hà Nội có số lượng người dương tính cao, nhưng những người đảng viên, các tổ chức Đảng đã đi đầu, xung phong vào "điểm nóng" dập dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân.

Nhưng vẫn còn hơn 1,4 vạn người dân 4 phường Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú và Yên Sở ngoài đê, theo đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng, khu vực làng xóm dân cư hiện hữu tại 4 phường ngoài đê thuộc quận Hoàng Mai được giữ lại để cải tạo, chỉnh trang với tổng diện tích 63,54ha.

Cụ thể, khu dân cư Thúy Lĩnh phường Lĩnh Nam, diện tích khoảng 52,84 ha với khoảng 2.400 hộ dân; khu dân cư Yên Lương phường Trần Phú với diện tích khoảng 1,5ha hơn 70 hộ dân và khu dân cư thôn Bãi phường Thanh Trì, diện tích 9,2ha với khoảng 956 hộ dân đang sinh sống. Đã bao năm nay người dân ngoài đê không được cấp phép xây dựng nhà, nhà cửa xuống cấp trầm trọng, bao cuộc họp người dân đã có kiến nghị.

20 năm qua Đảng bộ và Nhân dân Hoàng Mai đã làm được rất nhiều thành tích, chứng tỏ việc tách và thành lập quận là một quyết định đúng đắn. Năm 2023 là thời điểm để Đảng bộ Hoàng Mai nhìn lại chặng đường đã đi, để định ra chiến lược phát triển phù hợp với tình hình chung của Thành phố và đất nước.