Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trò chuyện với thầy Hiệu trưởng Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội

Thảo Chi (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024) chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, cơ sở đào tạo nghề hàng đầu của giáo dục Thủ đô và cả nước.

Ngày 29/9/2010, lãnh đạo TP Hà Nội chính thức cắt băng khánh thành công trình Chào mừng Đại Lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) lúc ấy chỉ vẻn vẹn 34 cán bộ, giáo viên và 820 sinh viên, đào tạo 9 ngành nghề. 15 năm là chặng đường lịch sử khó quên đối với những người từng gắn bó với ngôi trường ngày để tạo dựng nên thương hiệu HHT như ngày hôm nay.

Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh TA
Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh TA

Vạn sự khởi đầu nan

Thưa thầy, từ những con số khiêm tốn ban đầu, chỉ có 34 cán bộ, giáo viên và 820 sinh viên đến nay nhà trường có 212 cán bộ, giảng viên, trong đó có 08 Tiến sỹ, 05 NCS, hơn 5.000 học sinh, sinh viên, đào tạo 45 chuyên ngành khách nhau, quy mô sẽ tăng lên 10.000-12.000 trong thời gian tới. Điều gì đã tạo nên sự đổi thay trong thời gian ngắn như vậy?

NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh: HHT là từ viết tắt của Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội- Hanoi High Tech (ban đầu là trường CĐ Nghề Công nghệ cao Hà Nội). Nhưng đồng thời nó cũng mang ý nghĩa, phản ánh 3 điều cơ bản để đưa đến sự thành công của nhà trường, H-Hướng chiến lược đúng đắn, H-Hợp lực để thành công và cuối cùng là T-Tầm nhìn.

Cách đây 15-20 năm, tại Thủ đô đã có hàng chục trường đại học, viện nghiên cứu thì Thành ủy, UBND TP đã hướng tới Dự án xây dựng trường Công nhân kỹ thuật cao, định hướng đào tạo nguồn nhân lực cao cho Hà Nội và các vùng lân cận. HHT vẫn trung thành với cái đích đào tạo kỹ sư thực hành, công nhân tay nghề cao, đảm bảo có thể xuất khẩu lao động.

Trong suốt quá trình 15 năm qua, từng giai đoạn, mục tiêu đào tạo của HHT có những sự thay đổi nhất định cho phù hợp với tình tình. Nhưng xuyên suốt vấn đề “hợp lực”, tranh thủ nguồn lực của Thành phố, tranh thủ sự chỉ đạo của Bộ Lao động-Thương Binh-Xã hội, Bộ KHCN, các Sở, ban, ngành, các hiệp hội, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp luôn luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt. HHT đã làm tốt công tác hợp lực trong đội ngũ giáo viên, nhà trường với gia đình, giáo viên với học sinh, sinh viên. Về tầm nhìn, Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu đã chủ động bám sát xu thế phát triển khoa học kỹ thuật của thế giới, các định hướng giáo dục nghề của Đảng, Chính phủ và lãnh đạo Thành phố để mở rộng quy mô, chọn ngành nghề phù hợp với thị trường lao động.

NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội người đã có góp nhiều công sức xây dựng thương hiệu HHT. Ảnh TA
NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội người đã có góp nhiều công sức xây dựng thương hiệu HHT. Ảnh TA

 Thầy có thể chia sẻ cảm xúc về chặng đường 15 năm vừa qua?

NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh: Đầu năm 2009, tôi từ trường Đại học Công nghiệp Hà Nội về HHT, lọ mọ 1 mình viết đề án thành lập trường, 1 mình lo toan, xoay xở để có thể tổ chức các hội đồng nghiệm thu Đề án vừa lo bố trí, lắp đặt máy móc trang thiết bị, chuẩn bị tiếp nhận Dự án xây dựng trường Công nhân kỹ thuật cao. Không cần nói thì mọi người cũng phần nào hình dung những khó khăn của một ngôi trường được thành lập mới, HHT lúc đó “3 không” đó là “không có nhân sự, không ngân sách, không cơ sở vật chất”.  Mãi đến cuối năm 2010, trường mới được Thành phố cấp ngân sách hoạt động, gần 2 năm xoay xở, vượt qua bao thử thách, may thay có vợ và bạn bè động viên. Không hiểu sao hồi đó, khó khăn như vậy nhưng tôi vẫn nung nấu một suy nghĩ, nếu quyết tâm cao, sẽ có ngày HHT vươn lên, trở thành Thánh Gióng của giáo dục Thủ đô.

Vươn tầm khu vực

Ngay từ bây giờ đội ngũ cán bộ, giáo viên HHT lại hướng tới đỉnh cao mới, tiếp tục chủ động đa dạng hoá các loại hình đào tạo, đáp ứng nhu cầu học suốt đời cho người học.

Khép lại hành trình 15 năm, HHT vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, vậy chặng đường tiếp theo của nhà trường?

NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh: Nhà trường sẽ bám sát Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về: “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng Giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và những nội dung của Luật Thủ đô vừa mới ban hành. Nhà trường sẽ tập trung đào tạo các ngành nghề mũi nhọn, trọng điểm như AI, công nghệ bán dẫn, công nghệ số, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, cơ khí chế tạo – tự động hóa, công nghệ môi trường, giảm phát thải các-bon… phát triển nhà trường trở thành trường học số, trong đó có trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước.

HHT sẽ phấn đầu trở thành trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao khu vực và châu lục. Ảnh TA
HHT sẽ phấn đầu trở thành trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao khu vực và châu lục. Ảnh TA

HHT sẽ vươn tầm trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực và châu lục, như sự kỳ vọng của lãnh đạo Thành phố.

Thế mạnh của nhà trường trong hành trình tiếp theo là gì, thưa NGUT.TS Phạm Xuân Khánh?

NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh: Nhà trường đã tạo dựng được thương hiệu mạnh trong giáo dục đào tạo nghề, 100% sinh viên, học sinh ra trường có việc làm, thậm chí 90% các em có việc làm khi đang theo học tại HHT. Các phụ huynh, học sinh khi nhắc đến HHT là nhớ đến slogan “Cơ hội học tập - Cơ hội việc làm”, nhiều ngành nghề các em còn được miễn, giảm học phí. Chính vì vậy, ngày càng nhiều học sinh, sinh viên và doanh nghiệp tìm đến nhà trường, đó là điều kiện mà không nhiều cơ sở đào tạo nghề tại Việt Nam có được.

 Sau 15 năm thành lập, bằng việc xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, sâu rộng với gần 500 doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước, HHT đã trở thành một trong những cơ sở GDNN bởi đội ngũ giáo viên có nhiều kinh nghiệm, hệ thống cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm hiện đại. Đây là điều kiện quan trọng để HHT phát triển trong tương lai.

Xin chào thầy và chúc cho thương hiệu HHT sẽ còn tiếp tục bay xa, bay cao!

 

15 năm xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã có nhiều sinh viên giành giải thưởng cao tại các kỳ thi tay nghề trong nước, khu vực và thế giới. Cụ thể, có 209 giải cấp Thành phố (trong đó có 50 giải Nhất), 94 giải Quốc gia (47 Huy chương Vàng), 21 giải khu vực Asean (trong đó có 05 Huy chương Vàng) và 04 Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc thế giới.