Kinhtedothi - Vừa qua, sau khi điều các máy bay đến sân bay xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc lại tiếp tục có động thái ngang ngược, bất chấp luật pháp khi phát tín hiệu cảnh cáo máy bay dân sự của Philippines khi bay gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép.
Tuy nhiên, những yêu cầu trái khoáy, đi ngược lại luật pháp quốc tế này đã bị các nước đồng loạt phớt lờ.
Ông Eric Apolonio, phát ngôn viên Cơ quan Hàng không Dân dụng Philippines (CAAP), cho hay hôm 7/1, khi một máy bay của Philippines đang bay đến đảo Pagasa thì nhận được hai thông điệp cảnh báo qua sóng radio từ những người nói mình là hải quân Trung Quốc. Những người này thông báo rằng máy bay Philippines đang đe dọa an toàn các cơ sở của Trung Quốc. Tuy nhiên, chiếc máy bay Cessna vẫn tiếp tục hành trình, bỏ ngoài tai những lời cảnh báo.
Theo người phát ngôn CAAP, máy bay Philippines đang thực hiện nhiệm vụ khảo sát kỹ thuật trước khi tiến hành lắp đặt một hệ thống theo dõi chuyến bay dân sự vào cuối năm nay.
Sau sự việc trên, Đại sứ Anh ở Philippines cũng lên tiếng cho hay, các máy bay của Anh sẽ không tuân theo các cảnh cáo hạn chế bay ở các khu vực được xác định là không phận quốc tế. Ông Asif Ahmad - Đại sứ Anh tại Manila cũng khẳng định, Anh sẽ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế tự do hàng hải và hàng không tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Động thái này cho thấy, các cảnh báo vô lý của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông, cũng tương tự như các tuyên bố chủ quyền phi lý trước đó, hoàn toàn không có giá trị pháp lý và không được các nước coi trọng, chỉ như những trò diễn vô giá trị. Cư xử của Trung Quốc tại Biển Đông càng ngày càng làm mất vị thế của một nước lớn trên thế giới mà trái lại, biến Trung Quốc trở thành kẻ to tiếng, nói bừa và mất dần sự tôn trọng của các quốc gia khác trên chính trường quốc tế.
Các quốc gia cũng lên tiếng phản đối hành vi này của Bắc Kinh. Thủ tướng Australia, Malcom Turnbull, đã cảnh cáo Bắc Kinh không nên theo đuổi các tuyên bố chủ quyền phi lý có thể dẫn đến xung đột với Mỹ. Ông Malcom Turnbull cũng đã nhiều lần chỉ trích các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, bao gồm các hoạt động bồi đắp và xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo. Ông cũng từng khẳng định sự hiện diện của Mỹ tại châu Á là cần thiết.
Không những thế, tối 16/1, giàn khoan Hải Dương 981 đã di chuyển đến vị trí cách đường trung tuyến giả định (giữa hai đường cơ sở Việt Nam - Trung Quốc) khoảng 21,4 hải lý về phía Đông. Trước thông tin này, ngày 18/1, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội nêu rõ quan ngại của Việt Nam về việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 đến vị trí nêu trên.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao hôm 19/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh, đây là khu vực chồng lấn giữa thềm lục địa miền Trung Việt Nam và thềm lục địa đảo Hải Nam Trung Quốc, là khu vực chưa được hai bên phân định. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không tiến hành hoạt động khoan và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực này; đồng thời Việt Nam bảo lưu mọi quyền và lợi ích pháp lý của mình đối với khu vực này phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình.
|