Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật: Bảo đảm công bằng trước pháp luật

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định người khuyết tật khó khăn về tài chính là một trong những đối tượng được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí. Đây là cơ sở pháp lý bảo đảm sự cam kết của Nhà nước với quyền của người khuyết tật.

Những người khuyết tật luôn mong được trợ giúp pháp lý. Ảnh: Thái San
Theo Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp), cả nước hiện có khoảng 8 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số từ 5 tuổi trở lên. Các địa phương hiện đã quan tâm hơn đến hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, tăng cường truyền thông để người dân và cơ quan, tổ chức hiểu được quyền của người khuyết tật trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý. Đặc biệt, những năm gần đây, các Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước đã tập trung thực hiện vụ việc tham gia tố tụng cho người khuyết tật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. Công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật ngày càng được quan tâm với nhiều hoạt động đặc thù. Qua đó giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, hiểu biết và làm theo quy định của pháp luật.
Trong giai đoạn 2012 - 2019, các Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước trong toàn quốc thực hiện trợ giúp pháp lý được khoảng 27.106 lượt người khuyết tật. Các vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật được thực hiện bằng hình thức tư vấn pháp luật, hầu hết đều đạt chất lượng, không có khiếu nại, tố cáo xảy ra. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Thanh Hà (Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp), do thiếu hiểu biết quy định của pháp luật, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi và do tâm lý tự ti, mặc cảm nên người khuyết tật thường có tâm lý giấu kín sự việc, e ngại, không tiếp xúc chia sẻ với người khác hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nhiều người khuyết tật có khó khăn về tài chính không biết về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí nên không chia sẻ, không yêu cầu trợ giúp pháp lý…
Tại Hà Nội, UBND TP đã ban hành Kế hoạch về trợ giúp pháp lý người khuyết tật gặp khó khăn về tài chính, trong đó, đảm bảo 100% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu. Ngày 8/11, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành Công văn số 5050/UBND-KGVX, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể TP, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường thực hiện Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 10/10/2013 về thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật TP Hà Nội giai đoạn 2013 - 2020. Trong đó, TP yêu cầu Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Đồng thời, tham mưu cho UBND TP giải pháp hỗ trợ người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu. Tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn TP, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân Nguyễn Tiến Thành chia sẻ, phần lớn người khuyết tật gặp khó khăn về tài chính, chịu nhiều thiệt thòi nên rất cần được hỗ trợ, trong đó có trợ giúp pháp lý. Việc trợ giúp pháp lý sẽ giúp người khuyết tật hiểu biết, thoát khỏi tự ti, mặc cảm, đồng thời có thể kịp thời giúp họ bảo đảm công bằng trước pháp luật.