Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ

Ánh Ngọc - Phương Nga ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đưa ra thời gian vừa qua rất kịp thời, tạo cơ hội để cộng đồng DN Việt Nam phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, biến động của thị trường xăng, dầu, sự “leo thang” của giá cả nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận tải… đã khiến nhiều DN kiệt quệ. Do đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần triển khai quyết liệt, nhanh chóng hơn nữa các chính sách hỗ trợ DN.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu: Không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng

Cần thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư quốc tế và trong nước góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trước mắt, tập trung tiếp tục triển khai các chính sách hiện hành trong các gói hỗ trợ (nhất là gói 347.000 tỷ đồng) DN và người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch, với tinh thần là giảm bớt gánh nặng tài chính, giảm, gia hạn tiền nộp thuế và tiền thuê đất, hỗ trợ lãi suất và cơ cấu lại nợ; giảm phí và lệ phí dịch vụ công, tiếp tục giảm hơn nữa lãi suất cho vay, cả khoản vay hiện có và vay mới, không để DN thiếu vốn tín dụng, tạo thuận lợi để DN tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất.

Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Chủ động nguồn cung nguyên, vật liệu

Hiện, các DN vẫn phải đối mặt với việc khan hiếm nguồn nguyên liệu cung ứng để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, do ảnh hưởng nguồn cung từ xung đột Nga - Ukraine.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo chậm lại và lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới tăng mạnh, điều đó tạo sức ép tăng giá đối với các mặt hàng trong nước.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN và nền kinh tế, Chính phủ và các bộ, ngành, trong đó đặc biệt là Bộ Công Thương cần thông qua những hệ thống thương vụ, đại sứ quán ở nước ngoài hỗ trợ DN trong chủ động nguồn cung nguyên, vật liệu. Đồng thời, rà soát chính sách, xem xét giảm chi phí vận chuyển, chi phi logistics, chi phí liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu cho DN.

Để ứng phó với biến động giá xăng, dầu, Bộ Công Thương cần phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt Bộ Tài chính, tiếp tục rà soát, đề xuất các phương án trong phạm vi có thể để giảm các loại thuế có liên quan đến cơ cấu giá mặt hàng này. Theo đó, có thể đề xuất các chính sách an sinh để hỗ trợ người dân, DN sản xuất, kinh doanh đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi biến động giá xăng, dầu.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công: Hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh

Thực tế hiện nay vẫn tồn tại mâu thuẫn, chồng chéo giữa một số văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh, tạo ra điểm nghẽn cho hoạt động đầu tư. Để tiếp tục tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển của DN những tháng cuối năm 2022 và trong năm 2023, VCCI kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh.

Cụ thể, đối với một số dự thảo Luật quan trọng đang được soạn thảo như: Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, trong quá trình xây dựng cần tiếp tục tham vấn rộng rãi, công khai cộng đồng DN và hoạt động tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý cần được minh bạch để tạo niềm tin cho cộng đồng kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi sau đại dịch Covid-19 cho DN. Bởi, các gói hỗ trợ dù đã được triển khai, song tốc độ giải ngân vẫn còn chậm. Tình trạng DN kêu khó khi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi cho thấy các điều kiện để vay vốn dường như chưa phù hợp với DN, nhất là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy cần có biện pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong điều kiện tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi của DN để các chính sách hỗ trợ DN phục hồi thực sự phát huy hiệu quả.

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân
Phó Chủ tịch Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA)
Nguyễn Vân: Sớm quy hoạch một số vùng công nghiệp chuyên sâu

Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam theo định hướng của Chính phủ đã đề ra, cộng đồng DN cùng DN thành viên Hiệp hội HANSIBA đề xuất Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan cùng chính quyền Thủ đô Hà Nội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ giải quyết một số nội dung sau: Sớm xây dựng Luật CNHT và trình Quốc hội và ban hành trong thời gian nhanh nhất nhiệm kỳ này.

Thành lập Ban chỉ đạo cấp Nhà nước do Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, với sự tham gia của một số bộ, ban, ngành, một số tỉnh, TP, đại diện DN CNHT, Hiệp hội CNHT để thống nhất chỉ đạo thúc đẩy giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc cho DN CNHT. Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các DN thuộc ngành CNHT, quyết tâm đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đạt tỷ trọng 5 -10% trên tổng số DN Việt Nam.

Ngoài ra, việc kết nối các DN tập đoàn lớn quốc tế (FDI) đang có mặt tại Việt Nam là hết sức quan trọng, thúc đẩy và “kèm cặp” để các DN FDI này cũng đặt hàng. Hỗ trợ các DN Việt Nam sản xuất linh phụ kiện cấp cho họ để từ đó các DN Việt Nam trực tiếp len chân được vào chuỗi sản xuất CNHT.

Chủ tịch Hội đồng quản trị chuỗi thực phẩm sạch Organic Green Nguyễn Văn Chữ
Chủ tịch Hội đồng quản trị chuỗi thực phẩm sạch Organic Green Nguyễn Văn Chữ

Chủ tịch Hội đồng quản trị chuỗi thực phẩm sạch Organic Green Nguyễn Văn Chữ: Cấp thiết giải cơn khát vốn

Sau 2 năm chống chọi với dịch Covid-19 và những thách thức từ giá nguyên, nhiên liệu tăng, thời điểm này vốn vẫn là thách thức lớn với DN. Trong khi, với DN, vốn được xem là “huyết mạch”. Mặc dù 18 ngân hàng thương mại vừa được nới room tín dụng ở mức từ 0,7 - 4%, chiếm 80% tín dụng hệ thống, nhưng câu chuyện khát vốn vẫn là vấn đề nóng của DN.

Bởi nền kinh tế mới chớm phục hồi nhưng hiện cánh cửa vốn từ thị trường cổ phiếu và trái phiếu DN đang gặp khó, room tín dụng của các ngân hàng lại hạn chế, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc hỗ trợ vốn trong mùa cao điểm sản xuất kinh doanh cuối năm. Vì vậy, cần có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn (lãi suất và thời gian vay, hạn mức vay, tài sản thế cấp...).

Hiện nay, các quy định về điều kiện vay vốn (tài sản đảm bảo tiền vay, vốn đối ứng của chủ đầu tư, lãi suất vay, thời gian vay...) vẫn còn trở ngại đối với các DN. Cần đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất, nhanh chóng thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản cho DN tư nhân. Có thể xem xét đối với các ngành nghề đặc thù bị ảnh hưởng nặng sau dịch có thể tiếp cận các khoản vay với mức lãi suất ưu đãi.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong: Coi trọng phát triển thị trường trong nước

Cần coi trọng phát triển thị trường trong nước và các chuỗi cung ứng mới; phát triển thương mại điện tử; phát triển hạ tầng logistics đồng bộ và kết nối giữa các ngành và lĩnh vực vận tải; đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ.

Song song với đó, nhận diện sớm, đầy đủ và đẩy mạnh công tác thông tin, hỗ trợ DN vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong bối cảnh các nước khi mở cửa giao thương hậu Covid-19. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng hữu quan nghiên cứu, triển khai các giải pháp hỗ trợ gián tiếp cho người dân và DN thông qua quản lý chi phí và giá các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý như giá điện, giá xăng dầu…

Đặc biệt là định hình và xác lập vị thế mới của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu; tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam từ các nhà đầu tư FDI có tiềm năng về tài chính, công nghệ và tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam.

Tổng Giám đốc Công ty May 10 Thân Đức Việt
Tổng Giám đốc Công ty May 10 Thân Đức Việt

Tổng Giám đốc Công ty May 10 Thân Đức Việt: Cần giải bài toán nguyên phụ liệu cho ngành dệt may

Thách thức lớn hiện nay với các nhà sản xuất dệt may Việt Nam là tìm được nguồn vải đúng chất lượng với giá cả cạnh tranh.

Đơn cử như, không chỉ có May 10 mà nhiều DN dệt may Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc. Điều này khiến cơ hội tận dụng thuế suất ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA gần như bị thu hẹp. Mặt khác, vấn đề quy tắc xuất xứ vẫn là nút thắt lớn nhất của DN dệt may. Để tháo gỡ nút thắt này, cần có sự kết nối giữa DN “đầu vào” và DN “đầu ra”.

Về lâu dài, ngành dệt may Việt cần được các bộ, ngành hỗ trợ mở rộng, đẩy mạnh việc sản xuất vải, dệt nhuộm để có thể tận dụng được các Hiệp định thương mại tự do, nâng cao vị thế cạnh tranh với các nước khác.

Đặc biệt, là Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với ngành dệt may để xây dựng các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường... nhằm đáp ứng phần nào về nguồn nguyên liệu.