Mặc dù Luật Nhà ở đã quy định chính sách về NƠXH, nhưng lại bị “tắc” trong khâu thực thi, làm cho chính sách này chưa được triển khai thực hiện đầy đủ và hiệu quả trên thực tế.
Cần thêm “vốn mồi”
TS Đoàn Văn Cương - chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) cho biết, sau khi gói tài chính 30.000 tỷ đồng kết thúc vào giai đoạn 2014 – 2016, Chính phủ vẫn chưa bố trí được gói tài chính nào tương đương để hỗ trợ các dự án NƠXH.
Tháng 4/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Văn bản 102/UBTVQH14-TCNS gửi Chính phủ về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đối với phần vốn còn lại, đồng ý bổ sung 2.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), trong đó dành khoảng 1.260 tỷ đồng để thực hiện chính sách NƠXH.
“Nhưng do nguồn vốn nhỏ, nhu cầu lớn nên đa số các đối tượng thụ hưởng NƠXH chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Tính đến cuối năm 2019, dư nợ NƠXH từ Ngân hàng CSXH đạt 1.174 tỷ đồng trên 61 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Nguồn vốn ngân sách để làm “vốn mồi”, cho DN và người mua NƠXH vẫn còn thiếu rất nhiều” – ông Cương cho hay.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành, tại phiên họp thường kỳ tháng 3 và quý I/2020, Chính phủ đã đồng ý cho Bộ KH&ĐT cân đối thêm ngân sách 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng CSXH theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay NƠXH.
“Trên thực tế, nguồn ngân sách này chủ yếu để hỗ trợ lãi vay cho người mua nhà, còn đối với DN vẫn cần một gói hỗ trợ giống như gói 30.000 tỷ đồng giai đoạn 2014 - 2016 để phát triển dự án” – ông Thành nhìn nhận.
Hỗ trợ giảm lãi suất
Để hỗ trợ thêm DN có thêm nguồn vốn thực hiện các dự án phát triển NƠXH và người có thu nhập thấp an cư lạc nghiệp, mới đây, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đã có Văn bản số 24/2020/VNREA gửi Chủ tịch Quốc hội kiến nghị tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho người dân thu nhập thấp mua NƠXH.
Theo quy định của pháp luật (Luật Nhà ở), hàng năm, Nhà nước cấp 50% vốn cho Ngân hàng CSXH, 50% huy động thêm từ các kênh khác để hỗ trợ cho người mua, thuê mua NƠXH. Bên cạnh đó 4 ngân hàng thương mại như Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank do Nhà nước chi phối được cấp bù lãi suất vay 3 - 4%, còn lại tự huy động 100% để cho vay. Do đó, VNREA đã kiến nghị Chủ tịch Quốc hội có ý kiến để tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho người thu nhập thấp mua NƠXH theo 2 kênh: Ngân hàng CSXH và Ngân hàng thương mại do Nhà nước chi phối, như vậy sẽ giảm bớt áp lực về huy động vốn vay.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành cho biết thêm, năm 2020, Ngân hàng Nhà nước áp dụng mức lãi suất của các ngân hàng thương mại cho người vay mua NƠXH là 5%/năm (cao hơn mức 4,8%/năm vào năm 2019). Mặc dù mức lãi suất này không vượt quá khung quy định tại Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng đây vẫn là mức tương đối cao so với người thu nhập thấp.
“Về dài hạn, Nhà nước nên thực hiện mức lãi suất ưu đãi đối với người mua NƠXH từ 3 – 3,5% hoặc từ 4% trở xuống sẽ tạo điều kiện tốt hơn đối với những người có thu nhập thấp tại các đô thị có nhu cầu về nhà ở. Đồng thời cũng góp phần kích cầu thị trường” – ông Thành nhận định.
"Đối tượng mua NƠXH là người thu nhập thấp nhưng hiện nay cơ cấu tỷ lệ căn hộ và đặc biệt phương thức kinh doanh chủ yếu lại là nhà ở thương mại, thiếu hẳn phương thức cho thuê hoặc thuê mua. Đây là một tồn tại từ các chủ đầu tư vì họ chỉ muốn “mua đứt bán đoạn” để thu hồi vốn nhanh. Có những khu vực dù có NƠXH nhưng người dân, đặc biệt công nhân lao động không mặn mà vì có những quy chế quản lý không thích hợp và cấu trúc không gian xung quanh thiếu những công trình hạ tầng cần thiết." - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm |