Đề xuất gia hạn hơn 125.000 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất

Trợ lực giúp doanh nghiệp phục hồi

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nộp nhiều loại thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 với số tiền hơn 125.000 tỷ đồng.

Dù mới được hoàn thiện và đưa ra lấy ý kiến nhưng dự thảo được đánh giá sẽ tạo thêm trợ lực cho DN phục hồi, thể hiện sự chia sẻ, đồng hành của Chính phủ với cộng đồng DN.

Gia hạn thời gian nộp thuế, giãn thuế hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Duy Anh  
Gia hạn thời gian nộp thuế, giãn thuế hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Duy Anh  

Doanh nghiệp mong mỏi

Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều chính sách về miễn, giảm, giãn hoãn các khoản thuế, phí. Các chính sách này đã thực sự đi vào cuộc sống, là động lực giúp DN phục hồi và phát triển trước tác động của dịch Covid-19.

Để hoàn thiện trên sự kế thừa, phát huy của các chính sách hỗ trợ về thuế, phí trong các năm 2020 – 2021, mới đây Bộ Tài chính tiếp tục xây dựng Dự thảo trình Chính phủ tiếp tục triển khai chính sách giãn, hoãn một số loại thuế và tiền thuê đất năm 2022. Chính sách này cũng là niềm mong mỏi của người dân, DN trong lúc khó khăn hiện nay.

Bà Trần Thu Hà – Kế toán trưởng Công ty CP Đồng Xuân cho biết, trong năm 2021, nhờ được thụ hưởng chính sách giảm 30% tiền thuê đất, công ty đã tiết kiệm được hơn 7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty còn được gia hạn nộp thuế nhiều tỷ đồng. Vì vậy, dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng tình hình kinh doanh của công ty vẫn luôn ổn định. “Năm nay công ty rất mong chờ sớm được thụ hưởng chính sách ý nghĩa này, do tiền thuê đất của công ty rất lớn” – bà Trần Thu Hà bày tỏ.

Cũng chung niềm mong mỏi này, Giám đốc Công ty TNHH Giầy Hồng Phúc (Hà Đông) Phùng Mạnh Tuyên chia sẻ, với việc được thụ hưởng chính sách gia hạn nộp thuế theo Nghị định số 52 của Chính phủ, công ty đã có thêm nguồn tiền chưa phải nộp thuế theo thời hạn hàng tỷ đồng hàng tháng. Từ nguồn tiền đó, công ty tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh như mua sắm vật tư, thanh toán cho đối tác kịp thời.

“Thời điểm này, hoạt động sản xuất, kinh doanh của chúng tôi mới dần đi vào ổn định, tuy nhiên nguồn vốn đã cạn kiệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đúng thời hạn là rất khó. Nếu được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong lúc khó khăn, sẽ giúp DN có thêm dòng tiền nhập nguyên liệu, duy trì sản xuất” – ông Phùng Mạnh Tuyên kiến nghị.

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm, DN đã trải qua hai năm kinh doanh vô cùng khó khăn. Bước sang năm 2022, nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, vì vậy đề xuất gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho DN là rất cần thiết. Việc gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất có ý nghĩa rất lớn đối với DN, bởi trong một thời gian, DN có thêm nguồn vốn lớn, thay vì nộp thuế cho Nhà nước, thì dành nguồn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, từ đó sẽ quay trở lại có đóng góp cho ngân sách.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế) Lưu Đức Huy cho hay, sở dĩ Bộ Tài chính đề xuất chính sách này bởi sản xuất, kinh doanh thời gian qua gặp nhiều khó khăn, doanh số và giao dịch thương mại bị gián đoạn, DN gặp khó khăn trong cân đối nguồn tài chính. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua cơ chế giãn, hoãn nộp các khoản thuế phát sinh sẽ giúp các DN, cá nhân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Thực chất, đây là việc Nhà nước cho DN vay tiền không tính lãi. Việc này cũng không ảnh hưởng đến thu ngân sách, nằm trong thẩm quyền của Chính phủ và không phải trình Quốc hội điều chỉnh dự toán thu ngân sách đã được thông qua.

Chính sách phải đơn giản, kịp thời

Việc gia hạn nộp thuế cho các DN được đánh giá là giải pháp hỗ trợ tài chính đúng thời điểm, giúp người nộp thuế giảm bớt áp lực trong lúc khó khăn. Từ đó tính toán, linh động điều chuyển nguồn lực phù hợp để duy trì, tái sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để chính sách phát huy hết hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống, cần phải gấp rút hoàn thiện, ban hành và việc triển khai cần đơn giản.

Trưởng ban Pháp chế (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, có nhiều cách để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn nhưng cách nhanh nhất là tác động từ chính sách thuế, bởi DN không phải làm thủ tục qua nhiều bộ máy thực hiện. “Do đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho DN và các đối tượng chịu tác động nên Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký” – ông Đậu Tuấn Anh nêu quan điểm.

Đưa ra góp ý về đối tượng thụ hưởng chính sách trong dự thảo, bà Trần Thị Thanh Thư - Công ty Luật TNHH BLawyers Vietnam cho rằng, cần điều chỉnh mở rộng đối tượng thụ hưởng, bởi đối tượng điều chỉnh của dự thảo là DN nhỏ và siêu nhỏ. Loại hình DN này được xác định qua quy mô lao động, doanh thu hoặc quy mô vốn.

Tuy nhiên, trên thực tế có những DN chỉ có số lao động nhỉnh hơn một vài người theo quy định nhưng lại đang chịu ảnh hưởng nặng nề, kinh doanh đình trệ, giảm sút, doanh thu ở mức báo động, thì lại không được áp dụng nghị định để xin gia hạn thuế. Vì vậy, nên điều chỉnh lại theo hướng chỉ tập trung vào những chỉ tiêu thể hiện DN đang gặp khó khăn như: Đưa ra mức doanh thu hoặc lợi nhuận cụ thể, hoặc mức giảm hay tỷ lệ giảm doanh thu so với trung bình doanh thu trong 3 năm trước khi diễn ra dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế không nên quy định việc cộng dồn số thuế phải nộp sau khi gia hạn, vì số tiền lớn sẽ tạo áp lực cho DN. Đồng thời nên nộp linh hoạt hơn, khuyến khích DN nào nộp được thuế thì nộp đúng kỳ hạn. Đặc biệt, Bộ Tài chính nên đơn giản thủ tục hành chính. Bởi việc yêu cầu phải có đơn xin gia hạn sẽ tạo thủ tục con; việc dồn các khoản thuế đến cuối năm 2022 vẫn tạo áp lực cho DN và còn gây khó khi diễn biến dịch Covid-19 vẫn phức tạp.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế) Phạm Thị Minh Hiền cho biết, so với Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ, Dự thảo “Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt bằng nước” đã bổ sung gia hạn thời hạn nộp tiền thuê mặt bằng nước, quy định gia hạn tiền thuê mặt bằng nước như tiền thuê đất. Đồng thời bỏ quy định, người nộp thuế phải nộp đủ các khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã được gia hạn nộp thuế của năm trước. Việc bỏ quy định này để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng được hưởng chính sách.

 

Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số tiền thuế dự kiến phát sinh được gia hạn của các sắc thuế trên trong năm 2022 có thể lên tới hơn 125.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc gia hạn này không ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2022 do thời điểm kết thúc gia hạn chậm nhất là ngày 31/12/2022.

 

Năm 2021 đã có khoảng trên 140.000 DN và hàng triệu hộ kinh doanh đủ điều kiện để gia hạn các loại thuế với số tiền khoảng trên 96.000 tỷ đồng. Qua đó cho thấy, Chính phủ đã giành phần khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho DN.

Nếu chính sách được thông qua, DN sẽ được hưởng lợi và trong khoảng thời gian đó sẽ không phải vay ngân hàng hoặc có thể sử dụng số tiền thuế đó để kinh doanh. Đây là một giải pháp tốt, thời điểm này cần triển khai ngay.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh