Trở về món ăn dân dã trong bữa cơm gia đình

Nguyễn Hùng Vĩ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong dịch bệnh, niềm vui đem lại cho nhau nhiều khi không hẳn là giá trị vật chất, mà bằng những thứ giản dị như bát sung muối.

Bát sung muối dân dã (ảnh internet)

Ngõ nhà tôi vốn có hai cây sung thưở nào trồng bên bờ ao, nay ao đã thành nhà nhưng sung thì vẫn còn, thân sù sì, lá xum xuê. Tôi dừng lại cạnh gốc, nhìn thấy quả lúc lỉu bám từ gốc lên thân cành.

Tôi liền quay về lấy cái xô nhựa lớn, ra gốc cây lẩm bẩm khấn như người ta hái trầu đêm rồi bắt đầu vặt. Mới chưa đến tầm với mà xô đã đầy vun, khệ nệ xách về.

Nhớ ngày xưa mẹ bày cho làm nước gạo mà ngâm qua đêm, tôi vào thùng vốc một vốc gạo xát kỹ để lấy nước, bỏ ít muối vào ngâm một xô một chậu.

Trưa hôm sau, tôi đổ ra rửa sạch. Lấy một âu quả lớn, thái khoanh mỏng, dội chín tái, bóp cùng vừng, lạc rang, đường, muối, rau húng làm món nộm sung. Phần còn lại, cho vào hai cái vại muối như muối cà, cho muối hơi đặm một tý để ăn được lâu. Hai hôm là ăn được.

Thật không ngờ, cả nhà thấy lạ miệng, ăn nộm ngon lành. Hai hôm sau thì thằng cháu 5 tuổi thấy mọi người khen sung muối, cứ chìa bát đòi ăn ngon lành. Tôi sang hỏi hàng xóm có ăn sung muối không. Té ra ai cũng thích. Thế là về nhà đóng hộp nhựa tặng mỗi nhà một hộp. Ai cũng vui vẻ. Trong dịch bệnh, nhiều khi không hẳn là giá trị vật chất, mà đem niềm vui cho nhau.

Khi sung quá mặn, chúng tôi liền bổ đôi ra, kho với cá biển, với thịt ba chỉ. Thường là sung hết trước thịt cá.

Nghĩ ông bà ta xưa di dân khẩn hoang lập làng lập ấp, khí hậu khắc nghiệt, bão lụt thường xuyên, mùa Đông rét cắt da, mùa Hè nắng rát mặt. Có năm cả thảy mười cơn lụt lớn nhỏ, vào rồi lại ra, chợ búa không họp được, dịch vụ đâu sẵn sàng. Chính họ đã tồn tại bằng mắm muối, dưa cà, tương nhút. Khi còn nhỏ, tôi sang sông thăm dượng tôi ở làng Chế, trước là điền chủ lắm người cày thuê, thấy quanh sân mười mấy chiếc chum lớn để muối cà. Thầy giáo tôi thì kể: “Hồi trẻ thầy trọ học ở Huế, trong nhà Mệ, tức quan to, ấy vậy mà vẫn ăn bát đàn, xung quanh vườn vẫn vại cà vại mắm. Lấy đâu ra giàu sang. Cái để cho dân ta vượt nhiều cơn hoạn nạn nó nằm ở đó, chứ đâu phải bạc vàng đầy kho như các nước giàu khác. Không so sánh với họ được đâu”.

Trong tình thế “chống dịch như chống giặc”, giãn cách phong tỏa, ba hôm mới ra đường, một tuần mới  được đi chợ, “tủ lạnh nhiều khi không bằng tủ mặn đồ khô”.

Cải bắp, cải xanh, xu hào, rau muống, mít xanh…đều muối chua được cả. Mới chín một ngày thì ăn xổi, sang mấy ngày thì nấu canh chua đều rất vừa miệng.

Muối lạc muối vừng đừng rang lẫn vào nhau mà dễ hôi dầu vì hai thứ khi rang khó mà chín đồng đều. Kinh nghiệm là cứ làm riêng ra hai lọ, khi ăn trộn vào cũng được, ăn rất dễ trôi cơm. Người già thích mà trẻ em cũng khoái.

Cá biển cá đồng nên kho đặm đà, chưa chắc vì tiết kiệm, mà vì có đặm mới ngọt mới bùi. Xào nhạt kho nhỡ là để cỗ bàn ăn chơi thôi, không trường kỳ được.

Có xương thì hầm kỹ, thật kỹ, vớt mỡ nổi, gạn nước trong để dành nấu canh cũng được vài hôm. Có thịt nạc thì chịu khó làm ruốc thịt, trộn mướp đắng ăn cũng giòn qua dăm bữa.

Ở nhà rỗi rảnh, lúc cúc lùm cùm, chồng làm vợ thấy lạ, mẹ hát con khen hay, các cháu thò ra thụt vào mắt tròn mắt dẹt thì kể cũng vui cửa vui nhà. Cái ăn nhiều khi phải đi cùng cái vui, tự làm được cái gì dù nhỏ cũng thấy sung sướng trong con người. Đọc facebook suốt ngày mang bực bội vào thân chưa chắc đã giải quyết vấn đề gì, không may còn trầm cảm.

Khoa học thì đã mười phần cố gắng, quản trị thì đã cố gắng chăm lo, nhưng ta là người trần mắt thịt, đi đánh với dịch quả là “đú với ma”,bùng lên lặn đi, thấp thoáng vô hình vô ảnh.

Không gì bằng kinh nghiệm dân dã ông bà ta đã truyền ngàn năm, nay nên học theo để bền bỉ dẻo dai chống chỏi, mình giữ lấy mình mà cũng góp phần vào công cuộc chống dịch còn khó khăn gian nan này của cả nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần