Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trời mưa nên hạn chế lái ô tô đi đèo núi

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia khuyến cáo, trong điều kiện thời tiết mưa lớn, hoặc mưa kéo dài cần hạn chế di chuyển trên các cung đường đèo núi, đặc biệt là với người không thông thạo địa hình, hoặc mới lái xe chưa nhiều kinh nghiệm.

Nên hạn chế lái ô tô qua các cung đường đèo núi khi trời mưa  
Nên hạn chế lái ô tô qua các cung đường đèo núi khi trời mưa  

Ông Phạm Thanh Đồng - giáo viên dạy lái xe ô tô lâu năm chia sẻ: “Đi đèo núi trong điều kiện mưa lớn, mưa kéo dài là thách thức cực lớn với mỗi tài xế, đặc biệt những người chưa dày dạn kinh nghiệm. Nếu không bắt buộc thì không nên mạo hiểm lái ô tô trong điều kiện như vậy”.

Theo ông Phạm Thanh Đồng, nước mưa sẽ khiến mặt đường trơn trượt, ngay cả với các tuyến đường có chất lượng tốt ở vùng đồng bằng cũng tiềm ẩn rủi ro cao hơn với người lái xe.

Với những cung đường đèo núi nguy cơ còn lớn hơn nữa. “Có 4 nguy cơ chính với người lái xe trên đường đèo núi khi mưa gồm: trơn trượt; sạt lở đất đá; hạn chế hoặc mất tầm nhìn; trục trặc máy móc do nước mưa hoặc do kỹ năng kém. Nếu bắt buộc phải đi thì tài xế cần có sự chuẩn bị lỹ lưỡng”.

Vì vậy bắt buộc tài xế trước khi đi đèo núi trong thời tiết mưa gió là phải kiểm tra xe kỹ càng, đặc biệt hệ thống phanh, đèn và lốp xe, đảm bảo hoạt động tốt, có lốp dự phòng, bộ dụng cụ cứu nạn (búa, hộp sơ cứu…), dụng cụ sửa chữa tối thiểu mang theo.

Lái xe qua đường đèo núi khi mưa cần tập trung cao độ, giữ tốc độ trung bình, không tăng tốc đột ngột, không vượt ẩu, vượt ở nơi khuất tầm nhìn, chú ý thật kỹ biển báo, gương cầu; nếu tầm nhìn bị hạn chế lớn cần bật đèn cảnh báo trong khi di chuyển để tránh va chạm đáng tiếc.

Không nên bật đèn pha, mà bật đèn sương mù, đèn gầm. Khi lên xuống đèo cần bấm còi để báo hiệu cho xe đi ngược chiều. Lúc rẽ cũng không nên bám quá gần vạch tâm đường. Khi xuống đèo, cần ưu tiên cho các phương tiện đang lên dốc vì những xe đang lên đèo thiếu thuận lợi hơn do phải gánh sức kéo.