70 năm giải phóng Thủ đô

Trong công tác cán bộ cần chú trọng cả đức và tài

Chia sẻ Zalo

KTĐT - GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, nguyên đại biểu Quốc hội, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đồng tình cao với những nhận định chung đã nêu trong các văn bản Dự thảo văn kiện, cũng như những mục tiêu phải đạt được thuộc lĩnh vực này.

KTĐT - GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, nguyên đại biểu Quốc hội, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đồng tình cao với những nhận định chung đã nêu trong các văn bản Dự thảo văn kiện, cũng như những mục tiêu phải đạt được thuộc lĩnh vực này. Đồng thời, bà cũng chỉ rõ một số vấn đề cần sửa đổi.

Theo GS Châu, trong phần về GD-ĐT, Dự thảo đã nhận định rất đúng về các yếu kém cần khắc phục như: sự không tương xứng giữa số lượng, chất lượng, dạy chữ, dạy người; chưa có biện pháp khắc phục xu hướng thương mại hóa và sa sút về đạo đức trong giáo dục...; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng nhanh và sử dụng có hiệu quả tiềm lực KH-CN của đất nước; KH-CN chưa trở thành động lực, sử dụng chưa hiệu quả đầu tư cho KH-CN.... Vấn đề hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho GD-ĐT, KH-CN quả thực đang là vấn đề cần quan tâm kịp thời, nếu không muốn nói là cấp thiết và bức xúc. Từ việc xác định đúng yếu kém, chúng ta có thể hi vọng sau này sẽ có được các cơ chế, chính sách, biện pháp đúng để lành mạnh hóa nền giáo dục, khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thời kì công nghiệp hóa - hiện đại hóa của nước ta. Để góp phần thoát khỏi những yếu kém nêu trên, GS Châu thấy cần làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của những người trong cuộc: thầy và trò, cán bộ khoa học và cán bộ quản lý các cấp trong ngành

Về bản “Dự thảo cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, về con người, Dự thảo có nêu: gắn quyền con người với quyền và lợi ích dân tộc, đất nước… giàu lòng yêu nước có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức…và nêu rõ: để xây dựng được con người như vậy cần có sự kết hợp gia đình, nhà trường, xã hội, trong đó gia đình là môi trường trực tiếp. Về vấn đề này, GS Trân Châu hoàn toàn nhất trí về mục tiêu xây dựng con người và trách nhiệm của gia đình là môi trường trực tiếp, nhưng thực tế hiện nay khi mà những tiêu cực, tính thực dụng ngày càng tăng và trở thành phổ biến trong xã hội đã lấn át sự giáo dục tốt của từng gia đình riêng rẽ. Vì vậy, để có được con người theo các tiêu chí đã nêu trong Dự thảo, theo GS Châu gốc rễ là phải làm lành mạnh toàn xã hội, có như vậy thì việc giáo dục ở từng gia đình mới có cơ hội phát huy tác dụng và nhân rộng.

GS Châu cho rằng, cho đến khi nào mà số đông học sinh, sinh viên đi học chỉ để qua được các kì thi, có bằng cấp chứng chỉ, xem đó là mục tiêu cuối cùng, còn việc học làm người, học cách tư duy, phương pháp làm việc chưa là nung nấu suy nghĩ hàng ngày, ở mọi lúc mọi nơi, thì chưa thể nói nhiều đến ý nghĩa đích thực của chất lượng GD-ĐT. Hơn nữa, khi nào mà chúng ta chưa có được một đội ngũ đông đảo người thầy, cán bộ nghiên cứu khoa học là tấm gương sáng về đạo đức và nghề nghiệp, sống với cái tâm trong sáng, đủ sức thu hút đông đảo học sinh, sinh viên cùng lao động trong lĩnh GD-ĐT, KH-CN, người đi học chưa có được động cơ học tập đúng, thì chưa thể nói đã thành công trong đổi mới GD-ĐT, KH-CN.

Để khắc phục được những yếu kém, đạt được các mục tiêu như mong muốn, theo GS Trân Châu phải có sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn xã hội, từ các lĩnh vực, truyền thông đến mọi gia đình, toàn thể xã hội, cán bộ quản lý trong mọi lĩnh vực, chỉ riêng ngành giáo dục và KH-CN không thể tạo được chuyển biến quan trọng.

Góp ý về chất lượng trong GD-ĐT, GS Châu nhấn mạnh, các chỉ tiêu về số lượng cử nhân, kĩ sư, thạc sĩ, tiến sĩ sẽ có trong thời gian tới là những chỉ tiêu đáng phấn khởi vì chúng ta sẽ có được đội ngũ nhiều người lao động qua đào tạo ở trình độ cao. Những người này sẽ đóng góp tốt hơn cho xã hội so với chính họ khi chưa qua đào tạo. Vì vậy, xét về khía cạnh này là có ích cho xã hội, nhưng vấn đề mà xã hội đang quan tâm là chất lượng thực, trình độ thực của những người sở hữu các văn bằng và đặc biệt là khi sử dụng các văn bằng như là một tiêu chí để tuyển chọn và đề bạt cán bộ. Việc lẫn lộn “thật, giả” không chỉ có ảnh hưởng lớn đến kết quả và hiệu quả công việc mà có khi còn gây trở ngại, hạn chế sự phát huy tài năng của những người khác.

Theo GS Châu, kiểm định chất lượng là điều đã được quan tâm và nhắc đến trong nhiều văn kiện. Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở một số chỉ tiêu theo kết quả thi cử, đánh giá cấp bậc những trường đại học theo những con số: số sinh viên/giáo viên, suất đầu tư, quy mô thư viện, mạng internet…thì hoàn toàn chưa đủ, mà còn cần quan tâm đến chất lượng một cách toàn diện hơn, sâu sắc hơn. Đó là: trình độ tri thức, chất lượng thực của từng bài giảng, kinh nghiệm và trình độ tư duy của từng thầy giáo, mà không chỉ là bằng cấp, chứng chỉ mà họ sở hữu; chất lượng của từng học sinh, sinh viên phải là sau từng năm học họ có những tiến bộ gì về tri thức, kinh nghiệm, khả năng tự học, khả năng tư duy mà không chỉ là điểm số đạt được qua các kỳ thi.

Góp ý về ngân sách nhà nước dành cho GD-ĐT, KH-CN, GS Châu cho rằng, tuy còn khiêm tốn so với các nước phát triển, nhưng cũng phải thực sự khách quan mà thừa nhận rằng: đó là một khoản đầu tư mà nhà nước và nhân dân đã phải hết sức cố gắng dành cho giáo dục và khoa học. Điều đáng suy nghĩ là một phần không nhỏ những khoản đầu tư ấy đã chưa được sử dụng một cách thật hiệu quả cho việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, cho việc cải thiện đời sống của thầy và trò, cho người nghiên cứu khoa học, nhằm góp phần nâng cao chất lượng công việc của họ. Then chốt vẫn là ở trách nhiệm của những người quản lý, tấm lòng và trách nhiệm của những người thực hiện.

Vấn đề bồi dưỡng nhân tài (tr.11), Dự thảo văn kiện có nêu “…phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài…”, GS Châu băn khoăn, có bồi dưỡng được nhân tài không? Nên hiểu như thế nào? Nội hàm chính là ươm mầm tài năng và tạo điều kiện môi trường thuận lợi để các “hạt giống” tốt này phát triển. Vì vậy, để làm rõ nội hàm trên, GS Châu gợi ý có thể bổ sung và sửa đoạn này thành “phát hiện, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để tài năng phát triển”. Quả thực điều kiện và môi trường thuận lợi cả về vật chất và tinh thần, môi trường thuận lợi của gia đình và xã hội thực tế đã đem lại thành công cho nhiều tài năng tiềm ẩn trong toàn xã hội. Đối với phụ nữ, điều này càng quan trọng, cần được tạo điều kiện sớm để nhiều tài năng nữ (hơn 50% dân số) có thể thành công.

GS Châu lưu ý, “Nhân tài” là người tài, chắc không nhiều lắm, nhưng điều chúng ta cần là phát hiện và tạo điều kiện để huy động “tài năng” của mỗi người về từng mặt, từng lĩnh vực. Nếu tạo được điều kiện và môi trường thuận lợi, phát triển được tài năng riêng của mỗi người, thì tài năng nở rộ, trong đó sẽ bật lên các nhân tài, hiệu quả đóng góp cho sự phát triển đất nước sẽ là rất to lớn.

Góp ý về vấn đề đào tạo, đánh giá, quản lý và đãi ngộ người làm giáo dục và khoa học, GS Châu khẳng định: Từ chỗ xem con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực GD-ĐT và KH-CN, từ chỗ phải xem chất lượng là chỉ tiêu chủ yếu của công việc GD-ĐT và KH-CN, hãy nhìn lại việc đào tạo, đánh giá và đãi ngộ những người hoạt động trong lĩnh vực này. GS Châu đề nghị trong công tác cán bộ, không chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, cần chú ý đến ba chữ T là “ tâm, tài, tầm ”.../.