Trong năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai thực hiện mô hình thực nghiệm sản xuất dưa chuột ứng dụng công nghệ cao tại huyện Chương Mỹ.Theo đó, mô hình thực nghiệm có quy mô 2 nhà màng với tổng diện tích là 700m2, trồng 1.400 bầu, sử dụng giống dưa chuột Maya, nhập khẩu từ Israel. Với hệ thống tưới nước nhỏ giọt đến từng bầu cây, chỉ cần mở đầu van thì dinh dưỡng theo các đường ống dẫn trực tiếp đi vào từng gốc cây. Thạc sĩ Đỗ Đức Huyên – Trạm trưởng Trạm thực nghiệm và chuyển giao kỹ thuật Chương Mỹ (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) cho biết, ưu điểm vượt trội của sản xuất trong nhà màng, nhà lưới là chủ động thời vụ, tiết kiệm chi phí sản xuất, đặc biệt tăng chất lượng và năng suất cây trồng. Thạc sĩ Đỗ Đức Huyên phân tích thêm, hệ thống nhà màng giúp hạn chế tối đa côn trùng, sâu bệnh hại xâm nhập cũng như khắc phục các yếu tố bất thuận của thời tiết. Bên cạnh đó, hệ thống nước tưới tự động bằng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel là phương pháp hiệu quả giúp cây trồng hấp thu tối đa dưỡng chất đồng thời hạn chế thất thoát nước cho cây trồng. Đất, nước, dinh dưỡng được quản lý theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm đảm bảo mang đến nguồn dưỡng chất dồi dào và đồng đều nhất cho toàn bộ cây trồng. Môi trường sạch, đất, nước sạch, nhờ vậy mà cây trồng được tạo điều kiện tốt nhất để sinh trưởng, phát triển, tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng. Tuy nhiên, để thực hiện mô hình, người nông dân cần đầu tư về công nghệ sản xuất và xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới với quy mô tối thiểu từ 300m2 trở lên cho một nhà màng. Qua đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, trung bình mỗi cây dưa trồng trong nhà màng đạt năng suất từ 2 – 2,5kg quả. Với giá bán hiện nay là 25.000 đồng/kg, mô hình cho lợi nhuận từ 70 - 80 triệu đồng/1.000m2/năm (3 vụ). Mô hình đã cho thấy nhiều ưu điểm và hiệu quả của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, phù hợp với phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị tại Hà Nội.