Tuy nhiên trong bối cảnh cụ thể hiện nay, quy định đó còn có những bất cập, dẫn đến nhiều hệ luỵ về kinh tế, giao thông, văn minh đô thị… nên chăng cần được xem xét, thay đổi.
Nhu cầu bức thiết
Trong khoảng hơn 10 năm qua, Hà Nội đã có sự gia tăng mạnh mẽ về dân cư và phương tiện cá nhân. Hiện TP đã có hơn 8 triệu dân, trên 7,6 triệu xe cá nhân, trong khi đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh mới chỉ đạt dưới 1% đất xây dựng đô thị, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đỗ xe.
Có 90% lượng xe còn lại dừng đỗ trên vỉa hè, lòng đường, trong các bãi trông giữ “lậu”, làm giàu cho một số cá nhân, trong khi hư hỏng về hạ tầng, mất trật tự, ATGT, văn minh đô thị thì TP phải gánh, phải chi ngân sách để khắc phục. Đặc biệt, vỉa hè các tuyến phố trong khu vực đô thị trung tâm vốn được thiết kế cho người đi bộ, xây dựng bằng đá có độ bền cao, nhưng chỉ ít lâu lại xập xệ, gãy vỡ do ô tô, xe máy leo lên đậu đỗ hoặc đi lại tránh tắc đường.
Sau chỉ đạo giải tỏa các bãi trông giữ xe trên vỉa hè của Chủ tịch UBND TP Hà Nội vẫn còn những bãi xe trên vỉa hè mặc nhiên tồn tại. Đơn cử như bãi đỗ ô tô dọc tuyến vỉa hè đường Lê Văn Lương, đoạn từ Hoàng Đạo Thúy - Hoàng Minh Giám, hướng đi Vành đai 3. Hàng trăm chiếc xe xếp hàng san sát trên tuyến vỉa hè đã lồi lõm, xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí còn tràn cả xuống lòng đường.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận vấn đề từ một khía cạnh khác, đó là nhu cầu đỗ xe của người dân vô cùng bức thiết. Với nhiều khu vực trong đô thị trung tâm, không dừng đỗ trên vỉa hè, lòng đường thì người dân không biết để xe ở đâu.
Bãi xe vừa nêu trên là một ví dụ, người dân buộc phải gửi xe vào điểm trông giữ trên vỉa hè bởi nhiều tòa nhà trong khu vực không có hầm để xe, tuyến Lê Văn Lương cấm dừng đỗ trên lề đường. Có cầu ắt có cung, những bãi xe tự phát trên hè phố như vậy sẽ vẫn tồn tại dai dẳng, xóa xong lại tái diễn.
Nguyên nhân chính của tồn tại này do hạ tầng không theo kịp tốc độ gia tăng dân số và phương tiện. Trong khi TP chưa có giải pháp nào hữu hiệu để kiềm chế gia tăng lượng xe cá nhân, nếu tiếp tục duy trì các quy định về cấm sử dụng vỉa hè để trông xe như hiện nay, Hà Nội sẽ còn thiệt hại rất nhiều về kinh tế, mà hiệu quả bảo vệ hạ tầng chưa chắc đã được duy trì, cải thiện. Người dân thiếu chỗ đỗ xe sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, gây bức xúc trong dư luận.
Đã đến lúc Hà Nội cần xem xét các giải pháp tức thời để siết chặt quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có vỉa hè, theo hướng hiệu quả nhất, tranh thủ nguồn lực xã hội để có vốn tái đầu tư cho hạ tầng, đồng thời đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân.
Thay đổi mệnh đề quản lý
Trong bối cảnh hiện nay, Hà Nội cần thay đổi quy định về sử dụng, bảo vệ vỉa hè cho đến khi hạ tầng tương xứng với quy mô dân số, phương tiện, áp lực giao thông được phân bổ đồng đều, không quá tập trung vào lõi đô thị, TP cần tận dụng mọi nguồn lực hiện có, còn hơn để nguồn lợi chảy vào túi tư nhân, còn thiệt hại do ngân sách gánh.
Việc trông giữ xe trên các tuyến phố đông đúc cần được xem xét nghiêm túc. Những nơi có đủ điều kiện, vừa đảm bảo không gian cho người đi bộ, vừa có thể cho dừng đỗ xe nên cho kết hợp sử dụng cả hai mục đích. Tuy nhiên, việc thiết kế, xây dựng cần phù hợp với từng mục đích. Phần dành cho người đi bộ có thể lát đá tự nhiên, dựng cọc, rào để phân tách riêng. Phần dành cho đỗ xe nên xây dựng bằng kết cấu bền chắc, hơn, có lối lên xuống.
Quan trọng nhất, nếu sử dụng vỉa hè cho mục đích trông xe, nguồn lợi phải được phân bổ một phần cho ngân sách TP để sử dụng tái đầu tư cho hạ tầng giao thông. Thay vì “thả gà ra đuổi” như hiện nay, Hà Nội hoàn toàn có thể quản lý chặt chẽ, thu lợi từ loại hình kinh tế giao thông thiết thực này.
Mặt khác, với những vị trí không đủ điều kiện để trông giữ xe, TP cần kiên quyết xử lý dứt điểm, không để tồn tại dai dẳng, dẫn đến “nhờn luật”. Các bãi xe tự phát phải bị dẹp bỏ thì lượng phương tiện cá nhân mới được tập trung về những điểm trông giữ hợp pháp, dần hình thành nền nếp, trật tự trong tập quán giao thông.
Bên cạnh đó, TP cần đẩy nhanh tiến trình đưa các cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh ra khu vực ngoại vi để giảm tải nhu cầu lưu thông vào trong lõi đô thị. Khi đó nhu cầu dừng đỗ xe cũng sẽ giảm đi rõ rệt, các tuyến hè phố sẽ không phải chịu áp lực lớn như hiện nay.
Điều đáng nói nhất, nếu muốn cấm đỗ xe trên vỉa hè, Hà Nội cũng như mọi đô thị khác phải làm nghiêm túc bắt đầu từ các cơ sở công. Vỉa hè trước trụ sở, cơ quan, ban ngành phải ngăn nắp, xe biển xanh - biển đỏ phải chấp hành đúng quy định để nêu gương cho người dân. Chừng nào còn có xe công đỗ trên vỉa hè, không gian đi bộ quanh các trụ sở còn xuất hiện bãi xe tự phát, người dân sẽ khó mà vui vẻ chấp hành quy định của pháp luật.
Nếu không thể sử dụng vỉa hè để trông giữ xe, Hà Nội cần kiên quyết hơn với các giải pháp hạn chế xe cá nhân. Cùng với đó, nhanh chóng phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng hiện đại, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của người dân, để họ tự giác chuyển đổi phương thức đi lại từ xe cá nhân sang xe buýt, tàu điện…