Kinhtedothi - V.League 2015 diễn ra trong sự e ngại dành cho những ông Vua sân cỏ. Họ đứng trước nhiều áp lực: Áp lực từ cách ứng xử với dàn cầu thủ được yêu quý nhất Việt Nam - U19 HAGL; áp lực từ việc VFF và dư luận không chấp nhận thứ bóng đá bạo lực… Và cuối cùng, sau 7 vòng đấu, người ta bắt đầu thấy cách điều hành của họ bắt đầu có sự trục trặc.
Gặp khó vì HAGL
Trước khi giải diễn ra, bầu Đức đã nhờ cậy VFF yêu cầu các trọng tài phải bảo vệ các cầu thủ của mình. Ông Đức cũng không ngần ngại yêu cầu các đội bóng chơi đẹp với dàn cầu thủ mới lần đầu tiên thi đấu ở V.League. Ông bầu này khẳng định, chơi đẹp với cầu thủ của mình nghĩa là góp phần đầu tư cho tương lai của nền bóng đá Việt Nam, bởi nói cho cùng, lứa U19 HAGL sẽ là những hạt nhân của Đội tuyển quốc gia tới đây.
Thực ra thì lời kêu gọi của bầu Đức cũng có cơ sở. Một thời gian dài, V.League quá quen thuộc với tình trạng “chém đinh chặt sắt”. Có những cầu thủ phải nghỉ thi đấu dài hạn vì đối phương vào bóng quá thô bạo. Thậm chí, VFF phải dùng đến án phạt cấm thi đấu một năm với cầu thủ Đình Đồng của SLNA để răn đe những “võ sĩ” khác. Chứng kiến màn trình diễn đậm mùi bạo lực, chính HLV Miura đã phải thảng thốt nói: "V.League là giải đấu kinh khủng. Các cầu thủ quá ham chơi bóng bạo lực mà quên mất việc phải cống hiến cho khán giả".
Trước thực tế đó, VFF đã yêu cầu trọng tài phải mạnh tay với bạo lực sân cỏ. Các ông Vua áo đen bị đặt giữa lằn ranh, hoặc làm nghiêm, hoặc mất cơ hội kiếm tiền từ Ban Tổ chức giải. Thế nhưng, VFF khẳng định rằng, làm nghiêm không chỉ để bảo vệ các cầu thủ HAGL mà là đảm bảo sự an toàn cho giải đấu.
Thực tế sân cỏ cho thấy, các trọng tài đã chịu rất nhiều áp lực từ dư luận cũng như chính các đội bóng. Bản thân bầu Đức phải thừa nhận thực tế, trọng tài không xử những pha phạm lỗi với cầu thủ HAGL thì bị áp lực từ dư luận, nhưng nếu mạnh tay thì bị coi là thiên vị.
Bẻ còi vì áp lực
Có thể thấy các trọng tài V.League đang đối diện với quá nhiều áp lực. Minh chứng rõ nhất là trường hợp bẻ còi ở sân Chi Lăng trong trận đấu giữa SHB Đà Nẵng và Quảng Nam. Ban đầu, trợ lý Trương Đức Chiến đã công nhận bàn thắng dành cho đội chủ nhà nhưng khi bị đội khách phản ứng, vị trợ lý này đã cùng với trọng tài Hoàng Ngọc Hà thay đổi quyết định. Đương nhiên, trợ lý trọng tài và có thể cả trọng tài sẽ nhận án phạt từ Ban Tổ chức giải vì sự bất nhất của mình.
Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, việc trọng tài bẻ còi trước áp lực từ người trong cuộc đang cho thấy một thực tế, bản thân các ông Vua sân cỏ cũng chưa dám tin vào nhận định của mình. Sự phối hợp của họ cũng không được tốt dẫn đến tình trạng, trọng tài bảo chưa vào, trợ lý đã căng cờ báo có bàn thắng. Với tình huống này, bất luận kết luận của Ban Tổ chức giải thế nào thì trọng tài vẫn cứ sai và đương nhiên nhận án phạt. Nhẹ thì bị treo vài ba trận, nếu không may, bị coi là "vụ việc điểm" thì coi như trợ lý Trương Đức Chiến sẽ ngồi chơi cả mùa giải.
Thế mới nói, nghề trọng tài ở Việt Nam như đi trên dây. Ai cũng có thể phản ứng, có thể bỏ ra ngoài sân gây áp lực. Một khi còn tình trạng những quyết định của trọng tài, thậm chí cả những sai lầm của họ không được coi là điều bình thường trong cuộc chơi thì các trọng tài vẫn sẽ bị đẩy vào tình trạng đi trên dây. Khi ấy, hiện tượng bẻ còi sẽ như chuyện thường ngày ở huyện.
Trọng tài chính Hoàng Ngọc Hà (thứ 2 từ trái sang) đã quyết định bẻ còi sau khi họp bàn với các trợ lý. Ảnh: Đông Nghi
|