Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trọng tài và căn bệnh thiếu niềm tin

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nào cũng vậy, cứ đến giai đoạn cuối giải là VFF phải mời các trọng tài ngoại sang bắt các trận cầu đinh. Mùa giải này, từ giữa giai đoạn hai, các trọng tài ngoại đã xuất hiện.

Điều đó phản ánh sự thiếu niềm tin của các đội bóng trong cuộc chơi được cho là có quá nhiều phức tạp.

Bụt chùa nhà không thiêng

Thường thì công tác phân công trọng tài phải được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt. Nó đảm bảo loại trừ những yếu tố có thể tác động đến kết quả trận đấu. Ví dụ, hai đội bóng thuộc miền Nam và miền Bắc đá với nhau thì trọng tài phải là một người đến từ miền Trung. Tuy nhiên, trọng tài đó không được sinh ra, hoặc có người thân đang sinh sống tại một trong hai đội bóng mà mình điều khiển. Người ta thậm chí còn đưa ra bộ quy tắc phân công trọng tài gồm 9 bước nhằm đảm bảo sự trung lập một cách tuyệt đối trong quá trình điều khiển trận đấu.

Trọng tài người Nhật điều khiển trận đấu trong trận FLC Thanh Hóa và Hà Nội FC. Ảnh:  Vũ Lê

Từ nguyên tắc thành văn đến bất thành văn chung quy cũng chỉ nhằm giúp đảm bảo sự an toàn trong quá trình điều hành trận đấu. Thậm chí, ở những giai đoạn quyết định, Ban tổ chức (BTC) giải còn dùng chiêu giữ bí mật tuyệt đối danh sách trọng tài điều khiển các trận đấu. Theo đó, các trọng tài sẽ được tập trung ở một địa điểm trung gian và đến giờ G mới được thông báo di chuyển đến địa điểm làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, danh tính trọng tài chính được giữ đến phút chót. Điều này đảm bảo rằng không có tình trạng tác động nơi hậu trường nhằm làm sai lệch kết quả trận đấu.

Quy trình ngặt nghèo đến vậy, nhưng công tác trọng tài giai đoạn cuối mùa bao giờ cũng khiến BTC giải và người trong cuộc cảm thấy bất an. Các đội bóng không tin trọng tài. Nói đúng hơn, họ không tin đối thủ sẽ đứng yên để trọng tài điều khiển trận đấu một cách công tâm. Cũng chính vì điều này mà các đội bóng có thói quen phản ứng bất cứ quyết định nào của trọng tài. Họ sợ trọng tài bị giật dây và phải làm điều gì đó để bảo vệ quyền lợi của mình.

Hàng ngoại chưa hẳn đã chất

Một loạt trọng tài Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia đã được mời đến Việt Nam điều khiển những trận đấu quyết định giai đoạn cuối mùa. Tới đây, trong 3 vòng đấu cuối cùng mùa giải, tần suất trọng tài ngoại xuất hiện ở V.League sẽ dày đặc hơn. Thậm chí, BTC giải coi sự xuất hiện của trọng tài là yếu tố quyết định nhằm giúp giải đấu về đích an toàn. Kỳ vọng là vậy nhưng không hẳn trọng tài ngoại đã bắt tốt hơn các đồng nghiệp người Việt Nam. Theo đánh giá của giới chuyên môn, sai số trong các pha xử lý của trọng tài ngoại khá cao.

Không có nhiều sự khác biệt về chuyên môn trong điều khiển trận đấu giữa trọng tài nội và ngoại. Tuy nhiên, trọng tài ngoại không bị nâng quan điểm thành tư tưởng có vấn đề giống như các trọng tài nội khi mắc lỗi nhận định. Nói đâu xa, trong trận đấu giữa FLC Thanh Hóa và Hà Nội FC mới đây, trọng tài người Nhật đã cho đội khách được hưởng quả phạt đền ở phút bù giờ, qua đó giúp cân bằng tỷ số 3 - 3. Sau trận đấu, chính HLV Hà Nội FC là Chu Đình Nghiêm đã tâm sự: “Nếu là trọng tài nội, chưa chắc họ đã dám cho chúng tôi được hưởng phạt đền. Nếu họ có cho thì bão tố sẽ nổi lên”.

Có một căn bệnh trầm kha của bóng đá Việt Nam là “thiếu lòng tin” vào sự trung thực của cuộc chơi. Các đội bóng không tin trọng tài và bản thân những “ông vua sân cỏ” đôi khi cũng không dám tin vào quyết định của mình, nên đôi khi xử lý tình huống theo hướng làm đẹp lòng tất cả. Chính họ đã phải trả giá đắt vì cách điều khiển trận đấu kiểu “đu dây”. Nhưng, điều quan trọng nhất chính là việc, các đội bóng phải cam kết tôn trọng cuộc chơi, không có những tác động nơi hậu trường nhằm tìm kết quả có lợi cho mình. Và thêm nữa, V.League phải định hình được văn hóa ứng xử trước mỗi quyết định của trọng tài thì mới mong thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn hiện tại là cuối mùa thì phải nhờ “ngoại lực”.