Có mặt tại vườn thanh long ruột đỏ của gia đình anh Giang Văn Nhuần cuối tháng 5/2022, vườn thanh long ruột đỏ đang đơm hoa kết trái và được anh cùng gia đình chăm sóc kỹ lưỡng. Chia sẻ với phóng viên, anh Nhuần cho biết, ban đầu gia đình lựa chọn trồng vải để hướng đến mục tiêu làm thu nhập chính, nhưng năm 2010 Trung tâm khuyến nông TP Hà Nội triển khai trồng cây thanh long ruột đỏ từ Bình Thuận tại Trại giam Suối Hai, sau khi được tham gia tìm hiểu và học hỏi nên quyết định thay đổi mô hình.
“Thời điểm năm 2010, tôi được cán bộ Trung tâm nhận vào để chăm sóc cây thanh long. Trong quá trình làm việc vài năm tại Trung tâm tôi thấy thanh long dễ trồng, dễ chăm sóc, chịu nắng, chịu hạn… mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Năm 2018 tôi về bàn với gia đình quyết định chuyển đổi 4 sào vải sang trồng thanh long ruột đỏ leo giàn và trụ cột. Ban đầu tôi bỏ vốn gần 1 tỷ đồng để đầu tư đổ cột bê tông cao 1,8 mét làm trụ, mua ống sắt làm giàn, mua hệ thống tưới phun cho cả vườn thanh long, tìm mua giống thanh long ruột đỏ về trồng” – anh Giang Văn Nhuần nhớ lại.
Tận tay tỉ mỉ chăm sóc từng gốc thanh long đỏ đang cho hiệu quả cao, nhưng anh Nhuần vẫn khá niềm nở với phóng viên về những khó khăn khi chuyển đổi mô hình cây trồng. Cũng như bao người nông dân khác, việc chuyển đổi loại cây trồng thời điểm đầu luôn mang đến những khó khăn, nhưng việc học hỏi trong thời gian làm việc tại Trại giam Suối Hai khi Trung tâm khuyến nông TP Hà Nội triển khai trồng thanh long ruột đỏ đã giúp bản thân anh Nhuần có thêm kinh nghiệm với loại câu trồng mới.
“Trong quá trình trồng và chăm sóc cần chủ động cắt, tỉa cành phòng trừ sâu bệnh, làm sạch cỏ dại, không sử dụng thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, nhằm tạo ra những quả thanh long ruột đỏ sạch, chất lượng… Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho môi trường cũng như sản phẩm của cây trông, tôi chủđộng lấy phân gà, các sản phẩm trong sơ chế xác bã động vật ủ hoại mục thành phân hữu cơ, vi sinh và nấm đối kháng Trichoderma để bón cho cây thanh long” – anh Nhuần cho biết.
Điểm chú ý của vườn thanh long đỏ tại thôn Tân An, xã Cẩm Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) là được gia đình anh Nhuần trồng theo phương pháp leo giàn và trụ cột công nghệ cao, theo hướng hữu cơ giúp sản lượng thanh long tăng từ 2-3 lần so với trồng vải trước kia. Mô hình giúp gia đình anh Nhuần thu hoạch 200 – 300 tạ quả/năm với giá bán giao động từ 20 -25 nghìn đồng/1kg.
“Trong quá trình chăm sóc cây, tôi chủ động bón ủ xung quanh gốc cây mỗi trụ 30kg phân hữu cơ, lấy rơm, rạ ủ lên gốc cây thanh long để giữ độ ẩm không cho cỏ mọc và trống xói mòn. Bước sang mùa Xuân từ tháng 1 đến tháng 2 bắt đầu xuất hiện mầm mới, non, khỏe đẹp thì giữ lại, khoảng trung tuần tháng 4 thanh long ra nụ, bà con lựa chọn những nụ to, đẹp, khỏe và mỗi bẹ chọn 1 – 2 nụ. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ mở rộng mô hình, nhân rộng các loại giống thanh long có năng suất, chất lượng cao để thay thế dần các giống thanh long truyền thống đã lão hóa, nhiễm bệnh, giảm năng suất” - anh Nhuần chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì Chu Xuân Cừ, trồng thanh long là mô hình mới, rất phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của Cẩm Lĩnh nói riêng, Ba Vì nói chung và cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với một số loại cây ăn quả thông thường khác.
“Hội nông dân huyện Ba Vì sẽ tích cực tuyên truyền vận động bà con đến tham quan, học tập kinh nghiệm về cách trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ của gia đình ông Nhuần. Cùng với đó, sẽ mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các mô hình trồng cây ăn quả cho người dân trong quá trình chuyển đổi” – ông Chu Xuân Cừ chia sẻ.