Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ dự Lễ kỷ niệm |
Tham dự Lễ kỷ niệm về phía T.Ư có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; nguyên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh; Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ Trưởng Bộ Công an; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu...
Ban tổ chức đã đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Về phía TP Hà Nội có, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương.
Thăng Long - Hà Nội đang vươn mình với vị thế mới, diện mạo mới
Trong diễn văn nêu tại buổi lễ, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ cho biết, cách đây 1010 năm, vào mùa Thu năm Canh Tuất 1010, Đức vua Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thành Đại La (tức Thăng Long), vùng đất có “thế rồng cuộn hổ ngồi”, “núi sông sau trước”, “chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, nơi đóng đô bậc nhất của kinh sư muôn đời”. Quyết định dời đô của Đức vua Lý Thái Tổ đã mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của Kinh đô Thăng Long và quốc gia Đại Việt.
Từ mốc son lịch sử đó tới Thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, trải qua 1010 năm với bao thăng trầm của Thủ đô và đất nước, Thăng Long - Hà Nội - hình tượng tiêu biểu nhất cho “khí phách cha ông, hồn thiêng sông núi” vẫn luôn vững vàng, hiên ngang, xứng đáng là kinh đô của các vương triều; là Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng của cả nước.
Theo Bí thư Thành uỷ, kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định những phẩm chất cao quý và truyền thống tốt đẹp của Thủ đô: Văn hiến - Anh hùng - Hòa bình - Hữu nghị - Sáng tạo. Chúng ta - thế hệ người Hà Nội hôm nay có trách nhiệm phải trân trọng, giữ gìn và kế thừa thật xứng đáng những giá trị tinh thần thiêng liêng ấy và phát huy lên một tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh và truyền lại cho con cháu mai sau. Những năm gần đây, Hà Nội từng bước trở thành trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, có quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 thủ đô, thành phố của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, tham gia tích cực, có trách nhiệm tại nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng. Vào dịp kỷ niệm 20 năm đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, Hà Nội lại được UNESCO vinh danh và vinh dự tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo trên thế giới.
Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 20 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, phát triển Thủ đô; 12 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính, với sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ và Nhân dân Thành phố, sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ to lớn của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước và bạn bè quốc tế, Hà Nội đã đạt được những thành tựu rất to lớn.
Quang cảnh Lễ kỷ niệm |
Theo đó, quy mô, tầm vóc, vị thế của Thành phố đã mạnh lên nhiều; hình ảnh, uy tín của Thủ đô không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng ở mức độ cao theo hướng nhanh và bền vững, quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt 45 tỷ USD, thu nhập bình quân 5.420 USD/người. Diện mạo Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp hơn, khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Sự nghiệp văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều chỉ tiêu dẫn đầu cả nước. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả toàn diện, nổi bật. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội được chăm lo, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trong dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, sẽ tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội, đây là sự kiện chính trị đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội. Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, thể hiện quyết tâm chính trị và trách nhiệm cao của Thủ đô với cả nước, Đại hội định hướng và đề ra mục tiêu xuyên suốt trong những năm tới của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, đó là “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, nhằm hiện thực hóa khát vọng vươn cao của Thăng Long - Hà Nội trong xu thế phát triển và hội nhập quốc tế.
“Để xứng đáng với Tổ tiên, với lịch sử hào hùng, truyền thống văn hóa đặc sắc, truyền thống cách mạng vẻ vang, xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, đồng bào ở trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và những tình cảm tốt đẹp của bạn bè quốc tế đã dành cho Hà Nội, với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước", Đảng bộ và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô nguyện đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, đem tất cả tinh thần và sức lực, trí tuệ và tài năng, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, sánh vai cùng thủ đô các nước trên thế giới; góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hòa bình, thống nhất, độc lập, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”” – Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh.
Hoành tráng chương trình nghệ thuật mừng Đại lễ: Toả sáng đất rồng thiêng
Tại buổi lễ cũng đã diễn ra chương trình nghệ thuật với chủ đề “Tỏa sáng đất rồng thiêng”. Với thời lượng 60 phút gồm các ca khúc là những tác phẩm ca ngợi truyền thống Thăng Long - Hà Nội hơn 1000 năm văn hiến anh hùng hào hoa và thanh lịch, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người. Chương trình gồm 3 phần: Huyền thoại Thăng Long; Nơi lắng hồn núi sông; Thăng Long - Hà Nội hội tụ và phát triển, với những bài hát nổi tiếng về Hà Nội như: Truyền thuyết Hồ Gươm, Hà Nội linh thiêng hào hoa, Thăng Long - Hà Nội bay lên, Người Hà Nội, Tiến về Hà Nội…
Chương trình là sự phối hợp của các màn nghệ thuật âm thanh, ánh sáng hiện đại; các ca khúc lựa chọn trong chương trình là những tác phẩm xuất sắc về Thăng Long – Hà Nội phù hợp với chủ đề xuyên suốt chương trình. Các ca khúc trong chương trình được trình diễn bởi các nghệ sỹ nổi tiếng, thể hiện thành công nhất các ca khúc cùng dàn hợp sướng của Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. Các màn múa được dàn dựng theo phong cách bán sử thi hoành tráng, bằng âm nhạc và ngôn ngữ nghệ thuật múa kinh điển của nghệ thuật ballet thế giới và những đặc điểm nghệ thuật của dân tộc Việt Nam.
Nội dung chủ đề tư tưởng: Ca ngợi truyền thống Thăng Long – Hà Nội hơn một ngàn năm văn hiến, anh hùng; hào hoa, thanh lịch; Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người. Khích lệ tinh thần Thi đua yêu nước của cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, lực lượng vũ trang và Nhân dân Thủ đô; lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, thông qua chương trình nghệ thuật nhằm quảng bá hình ảnh, văn hoá Thủ đô tới bạn bè quốc tế để góp phần phát triển du lịch và tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại cho TP Hà Nội – nơi lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử, những nét văn hoá đặc sắc, trái tim của cả nước, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.