Lúc 7 giờ sáng (3/12), AirVisual ghi nhận chất lượng không khí tại TP Hồ Chí Minh ở ngưỡng trung bình.
Chỉ số AQI quan trắc được tại khu vực Thảo Điền (quận 2) cao nhất là 149 đơn vị, ngưỡng không trong lành. Một số quận trung tâm có mức AQI vừa phải từ 65 - 90 đơn vị.
Theo ứng dụng PamAir, AQI tại hầu hết quận trung tâm ở ngưỡng trong lành. Trong đó, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) là 48 đơn vị, Nguyễn Khoái (quận 4) là 37đơn vị. Riêng xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) có AQI cao nhất là 168 đơn vị - ngưỡng xấu.
Đến giữa trưa (3/12), cường độ UV (tia cực tím) cao ở mức 7, mức có khả năng gây bỏng da nếu tiếp xúc dưới nắng quá 30 phút. Chỉ số UV tại TP được dự báo tiếp tục đạt ngưỡng cực đại từ 7-8 trong 2 ngày tới.
Các chuyên gia khuyến cáo, biết bức xạ cực tím (ultraviolet radiation) là thành phần trong ánh sáng mặt trời, quan trọng nhất là tia cực tím A và B (UVA và UVB) do có thể gây tổn thương DNA của tế bào da.
Do đó, khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, da sẽ bị bỏng, khô, sạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da.
Ngoài ra, tia cực tím cũng gây tổn hại thị giác như đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm... Các nguy cơ do ảnh hưởng của tia UV đến da và mắt sẽ được cộng dồn, tích lũy dần trong suốt cuộc đời nên cần bảo vệ tối đa từ khi còn nhỏ, tránh các bệnh khởi phát sau này.
Vì vậy, người dân nên đeo kính mát để chặn tia cực tím, chọn kính theo chỉ số ANSI trên bao bì. Tắm biển, hồ bơi vào giờ nắng gắt nên dùng kem chống nắng và kính mát do tia cực tím có thể xuyên thấu qua nước. Ngoài ra bề mặt nước, cát biển đều gây phản xạ tia cực tím.
Trẻ em thường xuyên vui chơi, chạy nhảy ngoài trời dễ mắc các bệnh về da do tác hại từ tia cực tím cao hơn nhiều lần so với người trưởng thành, cần chú ý bảo vệ.