“Dậy sóng” dư luận vì thiện nguyện
Tâm điểm của dư luận trong những ngày qua là vấn đề minh bạch tiền từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên. Thủy Tiên được biết đến là một trong những nữ nghệ sỹ rất tích cực làm từ thiện, đặc biệt là trong đợt cứu trợ lũ lụt miền Trung cuối năm 2020. Hàng triệu người đã cùng chung tay, gửi tiền từ thiện vào tài khoản của Thủy Tiên khi cô lên tiếng kêu gọi. Nữ ca sĩ từng lặn lội đến từng địa phương, thậm chí chấp nhận nguy hiểm đi bè vào giữa tâm lũ để cứu trợ. Và cũng chính hình ảnh đó khiến rất nhiều người cảm động.
Cai sỹ Thủy Tiên, nghệ sỹ Hoài Linh, Trấn Thành... vướng thị phi khi kêu gọi từ thiện trong thời gian qua. |
Tuy nhiên, mới đây có thông tin cho rằng số tiền từ thiện thực chất gửi vào tài khoản của Thủy Tiên lên tới 320 tỷ đồng, chênh lệch rất nhiều so với con số 178 tỷ đồng mà cô công khai trước đó. Một số cư dân mạng phát hiện, Thủy Tiên có tới 3 tài khoản trong cùng một ngân hàng. Truy vết bài đăng kêu gọi từ thiện của Thủy Tiên cho thấy, cô từng đăng 2 số tài khoản khác nhau cùng tên mình để quyên góp… Trước cơn thịnh nộ của dư luận, Thủy Tiên đã bật khóc khi livestream để giải thích. Và chính chồng nữ ca sỹ (cựu cầu thủ Công Vinh) đã phải ra mặt để tiếp lời vợ và khẳng định khi dịch bệnh được kiểm soát, vợ chồng anh sẽ đến ngân hàng sao kê tài khoản và livestream cho công chúng.
Trước đó, nghệ sĩ Hoài Linh hồi tháng 5/2021 cũng thừa nhận chậm giải ngân số tiền hơn 14 tỷ đồng mà anh đã kêu gọi để hỗ trợ người dân miền Trung. Hoài Linh đứng ra kêu gọi, tiếp
nhận tiền từ thiện từ thời điểm năm 2020, nhưng đến tháng tháng 5/2021, sau một số "lùm xùm" trên mạng, nghệ sĩ Hoài Linh đã thừa nhận chưa giải ngân số tiền này. Sau đó không lâu, nghệ sĩ Hoài Linh cùng ê-kíp của mình đã giải ngân "cấp tốc" số tiền này.
Cơ quan công an sẽ vào cuộc nếu có tố giác lừa đảo từ thiện. Theo Nghị định 64/2008 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, việc vận động, tiếp nhận, phân bổ sử dụng tiền, hàng phải được thực hiện kịp thời, đúng mục đích, đối tượng, minh bạch, công khai. Pháp luật nghiêm cấm sử dụng hoạt động cứu trợ, thiện nguyện để vụ lợi, nghiêm cấm gian lận, báo cáo sai sự thật để chiếm đoạt tiền, hàng do các cá nhân, tổ chức quyên góp. Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an |
Mới đây, về vấn đề “sao kê chiếu mệnh”, nghệ sỹ Trấn Thành tạo hiệu ứng sao kê khi tung ra nghìn trang sao kê tài khoản từ thiện quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung năm 2020. Còn Đại Nghĩa, bà Ngọc Hương (mẹ ca sĩ Hồ Ngọc Hà) cũng phân bua, trình sao kê. Cựu người mẫu Trang Trần cũng đã chủ động tung ra sao kê cho hơn 100 ngày kêu gọi làm bếp ăn miễn phí, dù trước đó lớn tiếng thách thức dư luận và tuyên bố không sao kê… Ngoài ra, còn không ít những lùm xùm liên quan đến hoạt động thiện nguyện của một số các nghệ sỹ nổi tiếng khác.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Liên quan vấn đề hoạt động thiện nguyện của nghệ sĩ nổi tiếng, trao đổi với Luật sư Vũ Văn Biên (Công ty Luật An Phước) cho biết: Nghệ sỹ là những người được biết đến rộng rãi trong công chúng, được nhiều người mến mộ, có tiếng nói, uy tín trong xã hội. Bằng uy tín, hình ảnh cá nhân các nghệ sĩ đứng ra quyên góp từ thiện từ cộng đồng. Việc người dân chuyển tiền cho các nghệ sỹ kêu gọi từ thiện để đại diện mình chuyển đến các bà con vùng thiên tai, lũ lụt theo nội dung được kêu gọi là một giao dịch dân sự. Các nghệ sỹ được coi là người đại diện theo ủy quyền của các mạnh thường quân thực hiện việc chuyển tiền đóng góp đến đối tượng được thụ hưởng (theo điều 138 Bộ Luật dân sự 2015). Các nghệ sỹ có trách nhiệm giao tài sản, tiền do người dân ủng hộ đến đúng đối tượng được thụ hưởng, đúng mục đích kêu gọi ban đầu.
Theo Luật sư Vũ Văn Biên, những người chuyển tiền từ thiện có quyền yêu cầu các nghệ sĩ đứng ra kêu gọi công khai, minh bạch số tiền nhận được, công tác từ thiện đã thực hiện đến đâu, đúng mục đích hay không? Trường hợp người ủng hộ nghi ngờ, phát hiện sự không minh bạch của người kêu gọi từ thiện có quyền thu thập chứng cứ, gửi đơn tố giác tội phạm đến cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền để điều tra xác minh làm rõ (Theo Điều 144 Bộ luật hình sự 2015)…
“Trường hợp các nghệ sỹ lợi dụng tình trạng khẩn cấp như thiên tai, lũ lụt lừa đảo nhằm chiếm đoạt số tiền từ 500 triệu đồng trở lên khi kêu gọi từ mọi người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017… Còn trường hợp các nghệ sĩ sử dụng uy tín cá nhân, bằng sự tin tưởng, yêu mến của khán giả kêu gọi tiền từ các mạnh thường quân sau đó chỉ sử dụng một phần hoặc không sử dụng tiền đúng mục đích, đúng đối tượng được thụ hưởng, nhằm chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ 12 năm đến 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017”, Luật sư Biên phân tích.
Đánh giá về hoạt động thiện nguyện của nghệ sỹ, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) cho hay: “Việc huy động nguồn lực đóng góp từ xã hội là “điểm sáng” khi có những cá nhân nghệ sỹ quyên góp được cả chục, cả trăm tỷ đồng; Nhưng việc tổ chức và điều phối các nguồn lực cứu trợ lại thiếu hẳn độ sâu, độ bền... Thậm chí, có những cá nhân đã làm xói mòn lòng tin của công chúng và tạo ra những rối loạn không đáng có”.
Luật sư Bình phân tích, tại Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định về các tổ chức, đơn vị được vận động, tiếp nhận: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của trung ương, địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định 148/2007/NĐ-CP. Các tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho phép. Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Các tổ chức, cá nhân khi hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, cá nhân bị nạn cần phối hợp với chính quyền địa phương hoặc thông báo cho chính quyền địa phương biết các khoản đã hỗ trợ cho từng hộ gia đình, cá nhân để địa phương có chính sách, phương án cân đối mức hỗ trợ hợp lý cho các hộ gia đình, cá nhân bị nạn trên địa bàn từ nguồn tiền, hàng cứu trợ của địa phương cho phù hợp.
“Như vậy, pháp luật đã quy định những đơn vị nào được vận động, tiếp nhận và tổ chức cá nhân hỗ trợ trực tiếp. Cũng có thể bạn ủy quyền cho ai đó mà bạn tin tưởng tuy nhiên vế còn lại là người kia không được kêu gọi, vận động”, Luật sư Bình chia sẻ.
Tại Điều 2, Nghị định này cũng nêu rõ: Chỉ thực hiện khi thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra làm thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân. Phải được thực hiện tập trung, kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai và chỉ đạo thống nhất, bảo đảm tất cả nguồn tiền, hàng đều được chuyển đến cho các cá nhân, hộ gia đình và các địa phương bị thiệt hại và các quốc gia khác bị thiên tai. Nghiêm cấm sử dụng sai mục đích dưới bất kỳ hình thức nào. Như vậy pháp luật cũng đã yêu cầu phải công khai, minh bạch.
“Giả sử chúng ta nhờ một ai đó ủng hộ một số tiền cho người bị thiên tai, dịch bệnh thì giữa chúng ta và người đấy đã hình thành một ủy quyền. Đương nhiên, người ủy quyền phải thực hiện theo đúng yêu cầu của chúng ta. Việc chi sai mục đích cho dù dưới mục đích nào khi không có sự đồng ý của chúng ta đều không được phép. Trong trường hợp này có thể xử lý về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Còn nếu người ấy ngay từ đầu đứng ra kêu gọi sau đó không thực hiện thì có thể xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác”, Luật sư Bình cho hay.
Qua những phân tích, đánh giá của chuyên gia pháp lý nêu trên, có thể thấy, việc kêu gọi từ thiện của các nghệ sỹ là việc làm tự phát, còn nhiều bất cập, không thể loại trừ trường hợp trục lợi từ chính hành động thiện nguyện. Do đó, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật một cách đầy đủ, kịp thời là cần thiết, giúp minh bạch, tạo hành lang pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động từ thiện, không để những cá nhân lợi dụng niềm tin, truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách” của người dân Việt Nam để trục lợi. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần có quy định rõ ràng về các hình thức kêu gọi, tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ với các trường hợp khẩn cấp đồng thời có biện pháp tăng cường giám sát việc làm từ thiện của các cá nhân, tổ chức. Trường hợp thiếu sự minh bạch, trục lợi cần có những chế tài cụ thể, biện pháp quyết liệt để răn đe.
Tại thông báo ngày 23/8 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Nghị định theo hướng khuyến khích tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện. Cần có quy định cụ thể để triển khai thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả, đáp ứng mục đích, ý nghĩa và yêu cầu quản lý nhà nước. |