Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trực thăng quân đội Myanmar bị bắn rơi

Thu Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Truyền thông quốc tế ngày 3/5 đưa tin, một trong những nhóm phiến quân mạnh nhất tại Myanmar đã bắn hạ một chiếc trực thăng quân sự trong các cuộc giao tranh ác liệt gần thị trấn Momauk, ở phía Bắc nước này.

Hình ảnh được cho là khói bốc lên từ hiện trường vụ bắn rơi một trực thăng quân sự Myanmar hôm 3/5 tại Kachin. Ảnh: Gulf News 
Quân đội độc lập Kachin (KIA), một trong những nhóm phiến quân mạnh nhất tại Myanmar, đã tiến hành cuộc nổi dậy kéo hàng thập kỷ chống lại lực lượng quân đội ở khu vực biên giới phía Bắc nước này. Gần đây nhất, phiến quân này đã bị tấn công bởi các cuộc không kích của lực lượng quân đội Myanmar.

"Quân đội Myanmar đã sử dụng máy bay phản lực và trực thăng kể từ 8 giờ sáng để tấn công lực lượng của chúng tôi. Quân đội của chúng tôi sẵn sàng bắn trả, một chiếc trực thăng đã bị chúng tôi bắn rơi", phát ngôn viên của KIA Naw Bu trả lời báo giới hôm 3/5, từ chối chia sẻ chi tiết về vũ khí đã được sử dụng.

Một số nhóm phiến quân dân tộc thiểu số ở Myanmar đã công khai ủng hộ phong trào biểu tình phản đối đảo chính quân đội, đồng thời cung cấp nơi trú ẩn và tạo điều kiện cho các nhà hoạt động biểu tình thoát khỏi vòng vây của quân đội.

Biểu tình phản đối quân đội đảo chính diễn ra hầu như hàng ngày tại Myanmar, bao gồm cả ở Kachin, nơi thường xuyên diễn ra giao tranh ác liệt giữa quân đội và phiến quân KIA. Ảnh: AFP 
Cũng trong ngày 3/5 - Ngày tự do Báo chí Thế giới - một số đại sứ quán nước ngoài tại Myanmar đã lên án cách quân đội nước này đối xử với các nhà báo, coi họ là "mục tiêu đàn áp". Ít nhất 80 nhà báo đã bị bắt giữ.
Trước đó, các phương tiện truyền thông độc lập tại Myanmar đã bị thu hồi giấy phép hoạt động và bị buộc phải đóng cửa. Nhằm ngăn chặn luồng thông tin về các cuộc đàn áp biểu tình, chính quyền Myanmar cũng đã ngắt kết nối internet trên toàn quốc.

"Chúng tôi kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho tất cả các nhân viên truyền thông, thiết lập quyền tự do chia sẻ thông tin và truyền thông, chấm dứt mọi hạn chế internet tại Myanmar", tuyên bố được đưa ra bởi Đại sứ quán Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Australia, Vương Quốc Anh, Pháp và Đức.