Vấn đề an toàn thực phẩm làm "nóng" phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội

0
Chia sẻ Zalo

Tại phiên chất vấn trực tiếp hôm nay, trên cơ sở 69 câu chất vấn của các đại biểu, HĐND Thành phố đã biên soạn theo 4 nhóm vấn đề và thống nhất lựa chọn 2 nhóm vấn đề để chất vấn trực tiếp tại hội trường. Đó là: Nhóm vấn đề về quản lý đô thị (trong đó đi sâu phân tích những vi phạm trật tự xây dựng, giao thông, quản lý lòng, hè đường...); Nhóm vấn đề về an toàn thực phẩm (trong đó tập trung vào các giải pháp, trách nhiệm tạo nguồn thực phẩm sạch, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn...).

Phiên làm việc buổi sáng, HĐND TP đã chất vấn về nội dung về nhóm quản lý đô thị, buổi chiều chất vấn nhóm vấn đề về an toàn thực phẩm. 

17h: 15 Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc kết luận phiên chất vấn
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, sau 1 ngày làm việc với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt phiên chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND TP đã hoàn thành chương trình chất lượng và hiệu quả.
Tại phiên chất vấn, có 31 lượt đại biểu HĐND TP nêu câu hỏi chất vấn và tái chất vấn tập trung vào 2 nhóm vấn đề an toàn thực phẩm và quản lý đô thị. Đây là sự lựa chọn rất đúng của HĐND bởi đây là vấn đề cử tri quan tâm, đại biểu quan tâm Phiên chất vấn được Chủ tịch UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP và 6 Giám đốc sở trực tiếp trả lời. 
Phần trả lời của các thành viên UBND TP có nhiều điểm mới, nắm chắc công việc phụ trách, đầy đủ, thẳng thắn vấn đề đại biểu nêu. Cách trả lời cũng như đặt câu hỏi rất xây dựng, ý thức trách nhiệm cao. Đặc biệt, ý kiến phát biểu của Chủ tịch UBND TP với cương vị người đứng đầu, đồng chí thể hiện rất cao sự quyết tâm, quyết liệt, khắc phục những tồn tại đại biểu nêu tạo niềm tin cho cử tri những năm tới. 
16h: 05 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu làm rõ thêm một số nội dung
Làm rõ thêm về vấn đề nhà ở xã hội do ĐB Nguyễn Minh Đức (Thanh Xuân) chất vấn, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, trong thời gian qua Hà Nội là một trong những tỉnh/TP đi đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội.
  Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu làm rõ thêm một số nội dung

Tuy nhiên có một số dự án khi thực hiện bán dư luận phản ánh có đối tượng không đủ tiêu chuẩn, thậm chí mua xong lại bán. Vấn đề có diễn ra ko, tôi đã cho kiểm tra lại, thì thấy rằng đại biểu nói đúng là có việc mua đi bán lại. Hiện có 2 vấn đề bất cập, thứ nhất là tiêu chí quy định đối với người mua nhà ở xã hội sau 5 năm mới được bán, tuy nhiêu theo Luật Dân sự lại quy định tài sản của họ họ được quyền sử dụng.
Đây là vấn đề bất cập trong nhiều hội thảo chuyên gia đã đưa ra. Vấn đề này chúng tôi tiếp thu, giao Sở Xây dựng trong thời gian tới quản lý chặt chẽ hơn vấn đề này để bảo đảm trong quá trình bán đúng đối tượng, đúng đối tượng sử dụng. Thành phố cũng sẽ có ý kiến cùng Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ đưa ra chính sách hợp lý nhất.

Vấn đề ĐB nêu 3 – 5 năm nữa hạ tầng có tốt hơn không? Hạ tầng hiện nay so với tình hình gia tăng dân số gần 200 nghìn người, số lượng ô tô, xe máy hàng tháng... có thể nói hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. 
Trong 3 – 5 năm tới, một số công trình hoàn thành như tuyến tàu điện trên cao Cát Linh – Hà Đông; tháng 10/2021 có tuyến tàu điện Nhổn – Ga Hà Nội; cố gắng quý 1/2017 khởi công tuyến đường sắt từ Nam Thăng Long đi Trần Hưng Đạo; phấn đấu đến năm 2018 tăng gấp đôi số lượng xe buýt TP để tăng vận tải xe buýt; các công trình trọng điểm của TP từ nay đến 2020 – 2021 phát triển cầu bắc qua sông Hồng, kết nối xong vành đai 1, 2, 3 vành đai 3,5... Đồng thời, đồng bộ hạ tầng khung, tăng cường giải pháp giao thông thông minh, hạn chế dần giao thông nội đô... hy vọng 5 năm tới giao thông Hà Nội cải thiện 1 cách đáng kể. 

Về vấn đề xây nhà cao tầng trong nội đô, cụ thể ở 148 Giảng Võ, Chủ tịch cho hay, đây là công trình đối ứng Chính phủ cho phép đối ứng đối với công trình xây dựng triển lãm tại Đông Anh. Trong quá trình phê duyệt dự án này, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, cùng sở ban ngành của TP Hà Nội họp nhiều lần xem xét thấu đáo các vấn đề của dự án.

Vấn đề số lượng dân cư, có thể nói dân cư hoàn toàn nằm trong số lượng quy hoạch nội đô, không vượt quá số lượng quy hoạch.

Về băn khoăn có bảo đảm giao thông hay không? Các nhà tư vấn thiết kế thiết kế công trình này bố trí con đường, công trình giao thông 5 tầng hầm được bố trí với các đường Kim Mã, Ngọc Khánh, Giảng Võ. Đặc biệt tính toán kết nối đường vành đai 1. Do vậy, tất cả ý kiến các bộ, ban, ngành cũng như TP Hà Nội đồng ý đề xuất và Thủ tướng đồng ý phê duyệt dự án.  

Về đề xuất Chính quyền xây dựng lực lượng phản ứng nhanh để giải quyết liên quan nhức nhối vấn đề đô thị. Tổng kết lại các vi phạm trật tự đô thị, có thể nói vấn đề vi phạm trật tự xây dựng, và vi phạm đô thị nói chung hiện nay diễn ra một cách nghiêm trọng, nhức nhối.

Nhận thức được vấn đề này, Thường thực Thành ủy quan tâm chỉ đạo và Ban cán sự Đảng UBND Thành phố họp nhiều lần, qua đó thấy những bất cập cho nên sắp xếp lại toàn bộ lực lượng thanh tra xây dựng chuyển về chủ tịch UBND các quận huyện quản lý trở thành đội trật tự xây dựng.

“Riêng việc đại biểu nêu có lập đội phản ứng nhanh không? Chúng tôi xin tiếp thu và sẽ nghiên cứu, nếu phù hợp thì áp dụng”.  

Về ứng dụng CNTT trong thực hiện quy hoạch, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, trong nội dung xây dựng Chính phủ điện tử, Thành phố đang số hoá toàn bộ dữ liệu liên quan đến đất đai, quy hoạch đô thị. Tôi cam kết với các đại biểu rằng trong thời gian đến năm 2020 chắc chắn người dân Thủ đô có thể xem toàn bộ quy hoạch trên không gian mạng.
Với lộ trình Thành phố đang thực hiện với tốc độ nhanh hiện nay, có thể hoàn toàn tin tưởng Hà Nội sẽ tiếp cận công nghệ mới để xem được quy hoạch theo trên không gian mạng.

Liên quan đến vấn đề trong quy hoạch có tính đến giao thông hay không, Chủ tịch cho biết thời gian qua, quy hoạch đều tính đến vấn đề giao thông, đó là tiêu chí bắt buộc để bảo đảm cho số lượng người, phương tiện giao thông. Thậm chí tính toán cả không gian ngầm, bãi đỗ xe... tất cả các yếu tố đó đều tính toán khoa học theo tiêu chuẩn, quy chuẩn Chính phủ quy định.  

vấn đề cử tri nêu về quản lý vỉa hè lòng đường, Chủ tịch Hà Nội cho biết, nếu quản lý vỉa hè, lòng đường không làm tốt thì chắc chắn vấn đề giao thông Hà Nội cũng sẽ không tốt. Trong những năm qua lực lượng cảnh sát trật tự công an TP, Công an phường đã phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Sở GTVT, đặc biệt sự vào cuộc của Chủ tịch, Phó Chủ tịch các phường đã làm rất tốt vấn đề này.

Ngày 12/12/2012, trực tiếp Thành uỷ Hà Nội đã ra chỉ thị số 14 liên quan trật tự vỉa hè, trong 4 năm qua đã thực hiện rất tốt, tuy nhiên từ đầu năm 2016 đến nay lực lượng liên quan trật tự của Công an TP có giãn ra. Vì vậy, Chủ tịch đề nghị Giám đốc Công an TP nâng cao trách nhiệm của lực lượng trật tự của cấp phường, quận, thành phố. Hai vấn đề này đi song song với nhau, nếu không giải quyết được vỉa hè, lòng được thì chắc chắn giao thông Hà Nội còn ách tắc.

Vấn đề xe thô sơ và xe 3 bánh, từ trước đến nay, TP ưu ái tạo điều kiện cho đúng các đối tượng thương binh nằm trong các công ty có đăng ký với Sở LĐTBXH chứ không phải cá nhân tự phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, rất nhiều đối tượng giả danh thương binh chạy xe. Mấy năm qua, Công an TP và Sở GTVT quyết liệt xử lý, thu và tiêu hủy hàng nghìn xe, cho nên quyết định 06 của UBND TP không trái gì so với quy định của Chính phủ. Đề nghị Công an TP và Sở GTVT mở các đợt cao điểm tịch thu. Đồng thời, quy trách nhiệm cho cán bộ cơ sở để kiểm soát cơ sở sản xuất xe, người ta không dám sản xuất xe này.

Liên quan vấn đề thực phẩm, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm hiện nay từ Chính phủ và người dân rất quan tâm. Ngay từ đầu năm, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo chung, rà soát kiểm tra các văn bản quy định của Bộ NN&PTNT, Y tế, Công thương để xây dựng đề án tổng thể cho Hà Nội.
Thời gian tới, chúng ta cần kiểm soát 2 vấn đề. liên quan đến xuất xứ nguồn gốc hàng hóa, truy xuất được nguồn gốc hàng hóa đảm bảo. Thứ 2 là, kiểm duyệt được toàn bộ quá trình nuôi trồng, sản xuất đối với vật nuôi cây trồng.

Kiểm soát được quá trình lưu thông, quá trình phân phối đến tay người tiêu dùng. Toàn bộ quá trình phải theo quy trình quy chuẩn và có phương tiện bảo quản.

Thành phố sẽ sớm ban hành lộ trình từ nay đến 2020 để kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề quan trọng trong nhiệm kỳ của thành phố mà chúng ta đặt ra, cũng là mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Liên quan đến việc nạo vét bùn Hồ Tây, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, chiều hôm qua (6/12) đã nhận được văn bản của UBND quận Tây Hồ báo cáo trong 4 gói dự án thực hiện từ năm 2011 đến nay có trị giá 128 tỷ, hiện nay trị giá quyết toán hơn 80 tỷ. Riêng dự án nạo vét khu vực đường Thanh Niên sau khi xảy ra sự cố cá chết ở Hồ Tây, UBND Thành phố đã yêu cầu dừng dự án này lại để nghiên cứu, đánh giá lại.

Theo con số báo cáo của UBND quận Tây Hồ thì đã nạo vét được khoảng 440.000 m3 bùn và được đổ ở hai nơi là Vĩnh Quỳnh (Đông Anh) và Thanh Trì.

Trong thời gian tới, Thành phố sẽ có khảo sát, đánh giá lại, tuy nhiên, với dự án này và với khảo sát sơ bộ vừa qua thì việc nạo vét trong những năm vừa qua chưa đáp ứng được yêu cầu được thực tế để có thể làm sạch được toàn bộ hồ Tây. Chính vì vậy, thực hiện theo ý kiến của đồng chí Bí thư Thành uỷ Hà Nội, ban cán sự UBND Thành phố đang thuê các tư vấn trong và ngoài nước để khảo sát, đánh giá xây dựng đề án tổng thể, biến Hồ Tây thành khu để vui chơi, giải trí, du lịch, đặc biệt phát triển là đua thuyền và thu hút khách du lịch trọng tâm cho thành phố.

15:55: Phiên chất vấn về vấn đề ATTP kết thúc
Đại biểu HĐND nghỉ giải lao 10 phút.
15:47: Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc kết luận
Có 9 ĐB tham gia chất vấn về vấn đề ATTP. Hà Nội là nơi có nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cao và chúng ta mới cung cấp được bình quân 60% lượng thực phẩm, rau quả tươi mới đáp ứng được 18%, hiện nay chúng ta đáp ứng được nhiều nhất là trứng gia cầm tới 97,7%... Chúng ta ý thức được việc phải tạo ra được nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho Nhân dân Thủ đô. Chúng tôi đếm có khoảng 5 đề án liên quan đến vùng an toàn rau sạch cho nhân dân, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản.
Hiện nay chúng ta có hai nguồn thực phẩm là nguồn do chính TP cung cấp, đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND TP rà soát các quy hoạch này, đánh giá lại các đề án không còn khả năng thực hiện, đề xuất với Thành ủy để Thành ủy chỉ đạo thực hiện, chúng ta có Nghị quyết của HĐND về vùng rau an toàn, chúng ta có đề án chăn nuôi, giờ chúng ta phải rà soát lại. Đồng thời rà soát lại các chính sách cho vấn đề này, báo cáo Hội đồng để chúng ta chỉnh sửa, bổ sung. Đề án hỗ trợ cơ sở giết mổ đã được UBND TP bàn rất kỹ, sau một thời gian thực hiện, chỉ có 6 cơ sở được đưa vào hoạt động mà công suất chưa hết nên các đồng chí phải đánh giá lại đề án này nhằm kiểm soát thực phẩm ngay từ đầu vào.
Thứ hai, đối với nguồn thực phẩm từ các tỉnh về, chúng ta đã ký kết giao thương với 20 tỉnh thành, cung cấp cho chúng ta gia cầm, rau sạch, hoa quả tươi, chúng ta đề nghị cùng với các tỉnh xây dựng mô hình chuỗi tiêu thụ, kiểm soát chặt chẽ chuỗi liên kết này, đặc biệt là đối với các tỉnh mà chúng ta có thể kiểm soát ngay được đầu sản xuất ra để chúng ta hỗ trợ, khuyến khích cả hai bên. Quản lý, giám sát chặt chẽ điểm giết mổ, đề nghị UB xem xét tái chất vấn và nếu không giải quyết được thì sẽ xem xét trách nhiệm. Rà soát sự phân công cụ thể công việc giữa Sở Y tế, Sở Công thương và Sở NN&PTNT.
15:35: Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng trả lời chất vấn
Giám đốc Sở Công thương trả lời về vấn đề thực phẩm nhập khẩu, trong đó có vấn đề thực phẩm quá date bị dán lại tem mác: Tất cả các sản phẩm đều phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nếu không có xuất xứ thì là phạm pháp. Vì thế mọi người sẽ chính là người kiểm soát.
 Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng 
Đúng là có hiện tượng nhập khẩu thực phẩm do quá trình mua của các nước gần hết date nhập về nước mình, đầu tiên là qua cửa khẩu, sau đó đi theo con đường vận chuyển về tổng kho và từ tổng kho về siêu thị. Trong quá trình kiểm soát, pháp luật chỉ cho kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ, qua hóa đơn chứng từ. Chúng ta phải đưa lực lượng vào đấu tranh để xét nghiệm, phát hiện tình trạng quá date thì mới xử lý được. Còn quản lý tại các hệ thống siêu thị, các siêu thị phải kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm nhập vào kinh doanh. Còn qua hệ thống chợ, thực phẩm nhập khẩu qua chợ đầu mối càng ít khả năng mà chủ yếu qua trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng. Thịt bò mỗi tháng có nhu cầu 4000 tấn, khả năng cung cấp tại chỗ chỉ có từ 17-19%, nhập khẩu nước ngoài khoảng 40%, nhập khẩu từ các tỉnh khoảng 40%. Giờ chúng ta nhập nguyên con từ nước ngoài về phải nguyên con đã được 60%, còn lại chỉ có 40% là nhập khẩu qua đông lạnh. Mỗi tháng, người dân Hà Nội có nhu cầu tiêu thụ 5.000 tấn hải sản nhưng khả năng đáp ứng chỉ được 3,4% nên vẫn phải nhập của các tỉnh khoảng 93,6%, còn các nước chỉ khoảng 2,8% như cá hồi, tôm hùm...
Thực phẩm chế biến chúng ta tiêu thụ 5.000 tấn như đồ hộp, thịt hải sản, chả, nem, xúc xích, khả năng cung ứng có 30%, nhập từ các tỉnh khoảng 50%, còn nhập các nước khoảng 15%. Trong năm vừa qua, chúng ta đã tạo ra được những nguồn hàng từ các tỉnh đưa về Hà Nội như đặc sản vùng miền được đưa về Hà Nội trong vòng 3 năm qua, tổ chức giao thương với 49 tỉnh thành, hơn 200 DN của các tỉnh thành phố để mang mặt hàng đặc sản, rõ nguồn gốc xuất xứ phục vụ Nhân dân. 
Hiện nay, trên địa bàn lực lượng quản lý thị trường xử lý rất quyết liệt. Trong 11 tháng năm 2016, xử lý tới 46 nghìn vụ. Chúng tôi chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 27 vụ, nhưng không có vụ nào về nông sản thực phẩm, không khởi tố được vụ TPCN nào, khởi tố 3 vụ hàng nhập lậu. Vì chỉ có thể chuyển cho công an khi thực phẩm gây chết người thì mới được khởi tố.
Về đề án rau an toàn của Hapro, hiện nay Hapro đang có 31 điểm kinh doanh về rau an toàn và chuyển địa điểm khác và bù những địa điểm để làm rau kinh doanh an toàn thì hiện nay có 61 điểm.
15:28: Giám đốc Sở NN&PTNT tiếp tục trả lời về vấn đề giết mổ gia súc, gia cầm
Trên địa bàn hình thành nhiều điểm giết mổ gia súc, gia cầm, có 7 cơ sở công nghiệp, 15 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, có 4 cơ sở giết mổ thủ công, có hơn 1050 điểm giết mổ nhỏ lẻ, phần lớn nằm trong khu dân cư chưa được kiểm soát. Chúng tôi sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác giết mổ, tuyên truyền vận động doanh nghiệp, cá nhân thực hiện giết mổ theo quy định. Đảm bảo kiểm soát đầu vào sản xuất rau. Toàn thành phố hơn 5200ha rau an toàn, cấp giấy xác nhận cơ sở đảm bảo đủ điều kiện.
Đối với lực lượng thú y, chúng tôi còn kiểm soát kiểm tra cơ sở không đủ điều kiện giết mổ thực phẩm và không cung cấp tem của an toàn thực phẩm. TP chỉ đạo các quận, huyện, thị xã để xây dựng khu giết mổ tập trung, theo quy hoạch, đình chỉ các cơ sở giết mổ thủ công không theo quy định, kêu gọi DN đầu tư xây dựng nhiều khu giết mổ tập trung trên địa bàn TP.
ĐB Đỗ Thùy Dương tái chất vấn: 55% thực phẩm chưa được kiểm soát đề nghị đồng chí cho biết lộ trình bao giờ kiểm soát được? Câu hỏi về việc trôi nổi tem phiếu vì chúng ta không tái kiểm tra và kiểm tra như thế nào trong vòng 3 năm?
Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời: Chúng tôi yêu cầu các cơ sở phải cam kết đảm bảo thực hiện nghiêm túc thực hiện quy trình sản xuất ATTP và trong năm 2017 chúng tôi sẽ quyết tâm kiểm soát các cơ sở sản xuất, yêu cầu các cơ sở ký cam kết.
15:20: Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ trả lời chất vấn
Về vấn đề thuốc bảo vệ thực vật, trách nhiệm của Sở trong việc ngăn chặn, về công tác trống trọt, sở thường xuyên quản lý nhà nước trên địa bàn, phối hợp cơ quan truyền thông phổ biến kiến thức trồng trọt cho các tổ chức, cá nhân theo quy định về ATTP, xây dựng các chuỗi liên kết, toàn TP xây dựng được 33 chuỗi.
  Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ  trả lời chất vấn
Các cơ sở kinh doanh được công khai, kiểm tra 110/198 cơ sở, phát hiện 11 mẫu có dư lượng vượt giới hạn cho phép. Về chăn nuôi, Sở thường xuyên phối hợp tăng cường công tác quản lý chăn nuôi, quản lý thuốc thú ý, tuyên truyền kiến thức chăn nuôi và vật tư trong chăn nuôi, tập huấn cho người nông dân và người chăn nuôi, các tổ chức, cá nhân chăn nuôi thực hiện cam kết...
Trong chỉ đạo xây dựng, toàn TP đã xây dựng được 27 chuỗi liên kết... Về công tác quản lý nhà nước, Sở đã thực hiện luật Bảo hiểm và luật kiểm định thực vật, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2016, Sở đã chỉ đạo Chi cục tổ chức hàng trăm lớp tập huấn về công tác sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Trong thời gian tới, Sở tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra công tác chăn nuôi, trồng trọt, thực hiện nghiêm các chế tài xử lý, xây dựng hướng dẫn, giám sát quy trình trong chăn nuôi từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản... Các cơ sở không sản xuất an toàn thì không thể bán hàng.
Chúng tôi sẽ công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng, cơ sở thu mua được biết để tẩy chay sản phẩm không an toàn. Tăng cường công tác giết mổ và xử lý theo pháp luật, tạo ra các sản phẩm an toàn, tuyên truyền người tiêu dùng nghiêm túc thực hiện hướng dẫn, xử nghiêm cán bộ trong ngành để xảy ra sai sót, vi phạm, ảnh hưởng đến công tác ATTP. Đẩy mạnh các mô hình mẫu về ATTP. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại nơi sản xuất, xây dựng mô hình, tem, logo, quản lý đầu vào các chuỗi cung cấp thực phẩm.
15:15: ĐB Nguyễn Lan Hương chất vấn
Tôi hoàn toàn đồng tình với báo cáo chung của UB trong công tác quản lý về ATVSTP trong năm vừa qua, có thể nói UBND đã ra quân rất quyết liệt và rộng khắp, giao trách nhiệm xuống tận cơ sở, lãnh đạo cơ sở, tôi cho rằng đây là giải pháp rất hiệu qủa, rất tốt. TP đã đầu tư nhiều tiền cho khâu quản lý chất lượng từ khâu đầu vào, đối tượng quản lý của Sở NN&PTNT, chúng ta quản lý khâu sản xuất, nuôi trồng, đầu tư tiền xây dựng các vùng rau an toàn.
Ngay từ năm 2009, UBND TP đã ban hành đề xuất vùng rau an toàn của TP Hà Nội với tổng vốn đầu tư là 7463,9 tỷ đồng, trong đó hạn mục đầu tư ngân sách nhà nước là 706,5 tỷ đồng, được điều chỉnh bổ sung một số nội dung theo quyết định 3085/QĐ-UBND ngày 2/7/2015 của UBND TP Hà Nội cho giai đoạn 2009-2016 với các hạng mục đầu tư ngân sách thành phố là 464,6 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay sản phẩm rau củ quả an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn ATTP có trên thị trường hiện nay còn quá ít so với nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Vậy tôi xin gửi các đồng chí Sở NN&PTNT câu hỏi, các đồng chí cho biết nguyên nhân và giải pháp sắp tới của chương trình này, vì sao và tính hiệu quả đến đâu?
Tôi thấy hiện nay đối tượng cần phải đăng ký cam kết hộ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn ATTP và chúng ta mới chỉ đạt được 21441 trên tổng số 240500 cơ sở đạt xấp xỉ khoảng 8,9%, vậy đồng chí cho biết luôn nguyên nhân và giải pháp, đến khi nào chúng ta mới tăng được tỉ lệ đăng ký này lên, nếu chúng ta không quản lý được tốt từ khâu đầu vào thì các đồng chí Sở Công thương phải quản lý khâu lưu thông, khâu chế biến cũng không thể quản lý toàn diện được vấn đề ATVSTP?
ĐB Nguyễn Lan Hương chất vấn

15:14: ĐB Đoàn Việt Cường:

Câu hỏi của tôi gửi Giám đốc Sở NN&PTNT, qua kiểm tra của thành phố có nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, thủ công, xen kẽ khu dân cư, gia súc gia cầm được mua về tập kết ngay tại cơ sở giết mổ, công nhân làm việc không được trang bị phương tiện bảo hộ lao động, khi thực hiện giết mổ, đáng ngại hơn sau khi thực hiện giết mổ, thịt và nội tạng vứt bừa bãi trên sàn, nước thải đổ trực tiếp xuống mương nước, không đảm bảo vệ sinh chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân như các cơ sở giết mổ tại phương Dương Nội, Đồng Mai, Hà Đông, La Phù, Hoài Đức, Phụng Châu, đề nghị Sở NN&PTNT cho biết Sở có biết và có biện pháp gì để xử lý triệt để tình trạng trên?

15:11: ĐB Nguyễn Hoài Nam

Tôi đọc rất kỹ báo cáo, tôi thấy trách nhiệm của các ngành và có cảm nhận chúng ta rất màu hồng, gần như đều rất yên tâm toàn bộ các sản phẩm mà chúng ta sản xuất, các sản phẩm chúng ta nhập về TP đều rất yên tâm, cơ bản sạch, không dư thuốc bảo vệ thực vật, không dư chất cấm nhưng thực tế, dư luận nhân dân lại không cho như vậy. Tôi xin cảnh báo, tôi đã gặp nhiều đồng chí, cả đồng chí lãnh đạo của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội và Bệnh viện K, tỷ lệ ung thư của chúng ta hiện nay tại TP chúng ta đã đạt ngưỡng 140/100.000 và chỉ có chết chứ không chữa được, ngày càng tăng lên. Qua dư luận nhân dân và giám sát thì có tình hình, vẫn có tình trạng trồng rau ăn và rau bán để riêng ngay trong huyện ngoại thành, khi chúng tôi đi kiểm tra tại mương, kênh, thoát nước, rất nhiều cắt vỉ còn nguyên, giết mổ không tập trung, tư nhân nhỏ lẻ, thậm chí còn đưa lên cả báo chí. Tôi xin hỏi giám đốc Sở NN&PTNT, chúng ta có hẳn một bộ máy hơn 1000 cán bộ công chức bảo vệ thực vật và thú y, biên chế tận địa phương, xã, vậy lực lượng này đã làm gì được, phát hiện được thế nào, báo cáo chính quyền được bao nhiêu vụ việc và chuyển các sở ngành, cơ quan công an được bao nhiêu vụ, trách nhiệm của lực lượng giám sát ATTP, nếu không chúng ta giải tán lực lượng này cũng được. Thứ hai, theo báo cáo, tỷ lệ dư thuốc kiểm tra là có 1,3% dư thuộc vượt giới hạn tối đa, vượt theo tỉ lệ vượt an toàn nó khác với tỷ lệ vượt tối đa, với giới hạn cho phép là bao nhiêu phần trăm?

15:09: ĐB Nguyễn Minh Tuân
Câu hỏi gửi tới UBND TP, theo báo cáo của UBND TP, từ đầu năm 2016, TP đã tăng cường công tác kiểm tra và phát hiện 15571 cơ sở vi phạm tức là bằng 2,6% tổng số các cơ sở kinh doanh. Như vậy thì 10 cơ sở có 4 cơ sở vi phạm, tuy nhiên TP mới xử lý 6134 cơ sở, đạt được 39,3%. Đề nghị UBND TP cho biết nguyên nhân tại sao chúng ta xử lý tỷ lệ thấp như vậy, biện pháp trong thời gian sắp tới?
 ĐB Nguyễn Minh Tuân
Câu hỏi gửi tới Giám đốc Sở NN&PTNT, qua thông tin báo chí phản ánh, cụ thể, báo Vietnamnet phản ánh việc quản lý tem kiểm tra vệ sinh thú y rất không chặt chẽ, cụ thể mua bán rất dễ dàng tại một số cơ sở giết mổ ở Thanh Oai, Đông Anh, đề nghị đồng chí giám đốc Sở cho biết trách nhiệm quản lý nhà nước với việc này như thế nào, việc này đã được giải quyết như thế nào và trong thời gian tới có biện pháp ra sao?
15:07: ĐB Hoàng Thị Tú Anh

Tôi gửi câu hỏi tới Giám đốc Sở NN&PTNT, thời gian qua TP rất quan tâm đến vấn đề ATTP, riêng lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm, TP đã phê duyệt quy hoạch hệ thống giết mổ và chế biến gia súc gia cầm đến năm 2020, ban hành các chính sách khuyến khích hỗ trợ giết mổ, phê duyệt định mức hỗ trợ gia súc gia cầm theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ sản phẩm gia súc gia cầm giết mổ được kiểm soát tại các cơ sở giết mổ mới đạt khoảng 45% số gia súc, gia cầm được giết mổ trên địa bàn thành phố. Hơn một nửa còn lại vẫn đang nằm ngoài tầm kiểm soát. Theo phản ánh của báo Nông nghiệp Việt Nam, có 80% gia súc gia cầm trên địa bàn thành phố được giết mổ bằng tay, không đảm bảo ATTP, đề nghị đồng chí giám đốc Sở NN&PTNT cho biết 3 vấn đề sau: Thứ nhất, hiện nay công suất giết mổ tại các cơ sở giết mổ công nghiệp và bán công nghiệp rất thấp, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch của người dân, đề nghị đồng chí cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian sắp tới? Hiện nay trên địa bàn còn tồn tại 1050 điểm giết mổ nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường, không đảm ATTP, vậy công tác quản lý nhà nước đối với các điểm giết mổ này như thế nào, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới? Khâu kiểm định sản phẩm động vật tại các chợ nhỏ lẻ, chợ dân sinh gần như bỏ trống, đề nghị đồng chí cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?

15:06: Nguyễn Quang Thắng

Qua hoạt động giám sát của ban Văn hóa xã hội HĐND TP và ý kiến của nhiều cử tri cho rằng, tình hình vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn TP đang ngày càng phổ biến, diễn biến ngày càng phức tạp và chưa được kiểm soát. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo công tác thanh tra, kiểm tra của TP về ATTP từ 2014 đến nay, tổng số cơ sở được thanh tra kiểm tra, số cơ sở bị vi phạm có chiều hướng giảm. Trong báo cáo có nêu, số lượng cơ sở có vi phạm thì 2014 là 26911 cơ sở, năm 2015 là 23588 và đến năm 2016 là 15514 cơ sở vi phạm. Số cơ sở vi phạm bị xử lý lần lượt năm 2014 là 5623, năm 2015 là 10514 và 2016 còn 6134 cơ sở. Số cơ sở bị cảnh cáo các năm 2014,2015 là 3975, 3486 nhưng đến năm 2016 chỉ còn 1314 cơ sở. Số cơ sở bị đình chỉ thì năm 2014 là 77, năm 2015 là 39, năm không có cơ sở nào. Chuyển hồ sơ sang cơ quan đề nghị truy tố, năm 2014 đề nghị truy tố 5 vụ, năm 2015 đề nghị truy tố 6 vụ, năm 2016 đề nghị truy tố 3 vụ. Như vậy phải chăng tình hình vi phạm pháp luật về ATTP của thành phố có chiều hướng giảm và đang được kiểm soát? Vậy thì đề nghị UBND TP có thông tin báo cáo giải trình với HĐND TP và cử tri được biết về vấn đề nêu trên.

Câu hỏi dành cho Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện nay tỉ lệ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố còn rất hạn chế, nhất là đối với ngành nông nghiệp, việc triển khai kí cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở theo Thông tư 51 của Bộ NN&PTNT còn chậm, đề nghị Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới và tình hình kết quả kiểm tra theo đúng Thông tư 51 của Bộ NN&PTNT?

15:05 ĐB Đỗ Thùy Dương

Tết Nguyên đán 2017 là dịp rất căng thẳng về tình hình VS ATTP, sản phẩm trong chất cấm, chăn nuôi và chế biến sẽ được đưa vào sử dụng hàng loạt vì tiêu thụ trong ngày Tết vừa nhanh, vừa nhiều và phải để được lâu. Vậy thì giải pháp đột phá của TP trong câu chuyện này là gì nếu như không có gì khác hơn so với những năm trước? Và tôi đề xuất chúng ta nên có cơ chể làm sao có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và cơ chế để truy cứu trách nhiệm mang tính hồi tố ví dụ như sản phẩm sau khi mua khỏi cửa hàng trong vòng 48 tiếng mà sử dụng có bất kỳ vấn đề gì phát sinh thì chủ cửa hàng đó hoặc nguồn gốc chăn nuôi, chế biến thì sẽ đồng chịu trách nhiệm như thế nào đối với người sử dụng?

15:00 ĐB Vũ Mạnh Hải

Vấn đề VS ATTP được TP quan tâm từ nhiều năm nay, làm thế nào để nhân dân Thủ đô có được môi trường thực phẩm an toàn. Bởi chúng ta đều nhận thức được rằng vấn đề thực phẩm đều liên quan đến mọi người, ảnh hưởng kinh tế xã hội, sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng trực tiếp tới giống nòi. Hiện nay, trên 70% người tiêu dùng vẫn mua thực phẩm từ các chợ dân sinh và chợ cóc, chợ tạm, chỉ có 30% người tiêu dùng giao dịch tại siêu thị, qua nhiều kênh thông tin của người tiêu dùng và của cử tri, tại các siêu thị cũng diễn ra tình trạng thực phẩm sạch nhưng thực chất lại là không sạch, đặc biệt là thực phẩm nhập khẩu. Một số thực phẩm nhập khẩu quá date, hạ giá được nhập về, thay đổi date để tiếp tục bán ra thị trường. Đây là vấn đề rất đáng chú ý, trong vấn đề đó, công tác quản lý vs attp tại một số chợ trên còn mang tính hình thực, thiếu chặt chẽ, chủ yếu là cảm nhận bằng cảm quan và hóa đơn chứng từ, vì vậy làm thế nào để kiểm soát được thực phẩm ở các điểm chợ trên và các siêu thị trên, đề nghị UBND thành phố cho biết công tác phối hợp giữa chính quyền sở tại và ban quản lý chợ, các đơn vị có liên quan?

14:59: ĐB Trần Thế Cương
Tôi đồng tình với báo cáo về tình hình ATTP, triển khai giải pháp đảm bảo ATTP mà UBND TP vừa trình bày, các giải pháp mà thành phố đưa ra rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay. TP đã ban hành một loạt các đề án về ATTP trong đó có đề án về sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, đề án hệ thống cơ sở giết mổ gia súc kèm theo đó là kinh phí, nguồn lực để thực hiện các đề án này. Đặc biệt, UBND TP đã phê duyệt quyết định số 4739 ngày 27/9/2010 về việc điều chuyển, chuyển giao các cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước cho tổng công ty Hapro trên cơ sở đề nghị của liên ngành trong đó có sở Xây dựng, sở Công thương, sở Tài nguyên môi trường và sở Tài chính, giao cho Hapro triển khai thực hiện đề án mạng lưới kinh doanh rau và thực phẩm an toàn trong khu vực nội đô. Tại đề án này có 40 cơ sở, và các cơ sở này đều có lợi thế về kinh tế, và chúng tôi cộng lại thì có hơn 2820,5 mét vuông đất trong nội thành và các tuyến đường mặt phố rất đẹp để chúng ta tiến hành kinh doanh và đưa sản phẩm rau an toàn, thực phẩm sạch đến phục vụ người dân nhưng qua kiểm tra, chúng tôi thấy rằng, hầu hết các địa điểm này kinh doanh sai mục đích. Dẫn chứng, các cơ sở này đang kinh doanh quần áo, sản phẩm bán cà phê, đồ may mặc, đồ thể thao, bia hơi… không phù hợp với đề án mà UBND TP Hà Nội đã ban hành. Vì vậy, chúng tôi chuyển tới đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách công thương và thương mại câu hỏi, đề nghị đồng chi cho biết trong thời gian triển khai, đề án này có hiệu quả đến đâu? Và những tồn tại, hạn chế như vậy có giải pháp nào khắc phục để tránh tình trạng lãng phí hiện nay trong quá trình đầu tư cấp tài sản hiện nay sẵn có của nhà nước để đem lại môi trường lành mạnh về cung cấp rau an toàn, thực phẩm sạch đối với Nhân dân?
  ĐB Trần Thế Cương
14:56: ĐB Trần Thị Vân Hoa

Tôi đánh giá cao nỗ lực của TP trong thời gian qua đã thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp để đảm bảo VS ATTP, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an toàn cho người dân, tăng lòng tin của nhân dân Thủ đô. Trong báo cáo cũng nêu rõ, có nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp mà tôi rất quan tâm đó là tăng cường cấp giấy chứng nhận ATTP cho các cơ sở cung cấp dịch vụ thực phẩm. Toàn thành phố có 59109 cơ sở và trong ba năm từ 2014 đến 2016, toàn TP cấp được 14248 giấy chứng nhận ATTP cho các cơ sở, cá nhân, tổ chức cung cấp sản phẩm kinh doanh liên quan đến thực phẩm, đạt được 24,1%. Theo tôi và các cử tri, đây là một tỷ lệ quá thấp vì ngày 1/7/2011, luật ATTP chính thức có hiệu lực và Chính phủ đã ban hành nghị định 38/2012 về hướng dẫn thực hiện luật ATTP. Theo đó, các đơn vị, cá nhân, cơ sở kinh doanh sản xuất thực phẩm buộc phải xin giấy phép chứng nhận ATTP và giấy chứng nhận này có hiệu lực trong 3 năm. Và nếu đơn vị, cá nhân, tổ chức nào kinh doanh các lĩnh vực liên quan đến thực phẩm bị kiểm tra mà không có giấy chứng nhận VS ATTP thì bị xử lý cảnh cáo, hoặc bắt buộc phải đóng cửa hoặc phạt đến mức 200 triệu đồng, vậy thì, đề nghị UBND TP làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm vì sao mà Nghị định 38 của Chính phủ đã có hiệu lực từ năm 2012 mà đã có hướng dẫn cụ thể, nhưng đến nay toàn TP mới chỉ có 24,1% cơ sở kinh doanh thực phẩm có giấy chứng nhận VS ATTP, trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp như thế nào?

14:44: Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền phát biểu

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền đã báo cáo trước HĐND TP Hà Nội bản tóm tắt thực trạng và các giải pháp đảm bảo ATTP trên địa bàn TP.

 Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, theo số liệu thống kê, Hà Nội có số dân khoảng 7,6 triệu người (toàn Thành phố khoảng 10 triệu người trong đó có hơn 2 triệu người từ các tỉnh đến công tác, học tập, lao động, thăm quan du lịch...). Toàn Thành phố có 20 Trung tâm thương mại, 120 siêu thị (trong đó có 92 siêu thị kinh doanh tổng hợp có kinh doanh thực phẩm), 460 chợ (02 chợ đầu mối, 04 chợ có tinh chất đầu mối, 454 chợ dân sinh), 1.047 điểm giết mổ nhỏ, lẻ thủ công, 59.109 cơ sở thực phẩm.
Để đáp ứng thực phẩm nông lâm thủy sản cho khoảng 10 triệu dân, mỗi ngày thị trường Hà Nội cần khoảng 800 - 1.000 tấn thịt các loại, 2.500 - 3.000 tấn rau quả các loại, 350 - 400 tấn thủy hải sản tươi sống và chế biến... Sản xuất thực phẩm của Thành phố mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, còn lại phải nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.
Thời gian qua Thành phố chỉ đạo triển khai đồng bộ, bài bản, đúng quy định các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo của Trung ương, triển khai các giải pháp quản lý trên khâu sản xuất, lưu thông; Xây dựng kế hoạch bảo đảm ATTP, trong đó phân công rõ trách nhiệm từng ngành, từng cấp trong bảo đảm ATTP, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm. UBND Thành phố thành lập Ban chỉ đạo công tác ATTP do đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố trực tiếp làm Trưởng ban; 30/30 quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn đã kiện toàn Ban chỉ đạo ATTP, đồng chỉ Chủ tịch UBND là Trưởng ban và đồng bộ thực hiện các nội dung Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cấp từ thành phố đến địa phương trong công tác đảm bảo ATTP, chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra ATTP 1 lần/2 tuần, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra 1 lần/1 tuần, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, trị trấn kiểm tra 2 lần/1 tuần.
Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 27/10/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác ATTP tại Hà Nội. UBND Thành phố ban hành Quyết định 16/2016/QĐ-UBND ngày 09/5/2016 quy định phân công trách nhiệm quản lý ATTP trên địa bàn để tránh chồng chéo/bỏ sót trong quản lý cơ sở. Xây dựng Quy chế phối hợp giữa 3 Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương trong quản lý ATTP. Kế hoạch liên tịch tuyên truyền, vận động giám sát ATTP giữa UBND Thành phố với Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố (theo Chương trình 90 của Chính phủ với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam). Thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, kiện toàn Ban chỉ đạo ATTP các cấp do đ/c Chủ tịch UBND làm Trưởng ban. Thành lập 05 đoàn kiểm tra liên ngành tuyến Thành phố (đội phản ứng nhanh) để kiểm tra đột xuất các điểm nóng về ATTP. UBND 30 quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn đã vào cuộc với trách nhiệm của mình. Thường xuyên giao ban phối hợp giải quyết công tác các cấp, các ngành và nội bộ đơn vị để thực hiện nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm. Từ tháng 11/2016 sử dụng 03 xe chuyên dụng kiểm nghiệm nhanh ATTP trên địa bàn Thành phố tại các chợ siêu thị và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Triển khai kế hoạch Truyền thông "Chung tay vì ATTP", các cơ quan thông tin truyền thông của Thành phố đã vào cuộc tuyên truyền mạnh trong vấn đề an toàn thực phẩm. Phát động thi đua, tổ chức ký cam kết thi đua ATTP đối với các sở, ngành, đoàn thể và tổ chức ký cam kết đảm bảo ATTP cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Giới thiệu các mô hình điểm về ATTP, xây dựng chương trình truyền thông “Tuyên chiến với thực phẩm bẩn”; tổ chức hội thi về ATTP bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố. Tổ chức các Hội thảo: Hội thảo “Đưa thực phẩm sạch đến người tiêu dùng trênđịa bàn Thành phố”, Hội thảo “Chia sẻ, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn”, Hội thảo “Vai trò của chính quyền cơ sở trong quản lý ATTP”. Sở Y tế phối hợp với Báo Hà Nội mới tổ chức cuộc thi viết “Chung tay về ATTP”, tổ chức các cuộc tọa đàm trực tuyến trên Đài PTTH Hà Nội với chủ đề “Thực trạng và giải pháp quản lý an toàn thực phẩm”, “Hiệu quả của mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP”. Phối hợp với các cơ quan báo, đài Trung ương đưa tin về các cơ sở bảo đảm ATTP và các cơ sở không bảo đảm ATTP lên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Website của các ngành, cổng giao tiếp điện tử của Thành phố.

Về các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, kiện toàn/thành lập lại Ban chỉ đạo công tác ATTP tuyến xã, phường, thị trấn do đồng chí Chủ tịch UBND trực tiếp làm Trưởng ban. Thực hiện Chỉ thị 10-CT/TU của Thành ủy, Quyết định 16/2016/QĐ-UBND của UBND Thành phố. Đẩy mạnh thực hiện các thủ tục hành chính về ATTP theo đúng trình tự và thời gian quy định. Tăng cường công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP và cam kết ATTP các cơ sở thuộc diện cấp. Tiếp tục làm rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở; giao Chủ tịch UBND quận, huyện trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra giám sát Chủ tịch UBND xã, phường thực hiện công tác ATTP. Đánh giá công tác ATTP giai đoạn 2011-2016 và xây dựng triển khai kế hoạch công tác ATTP giai đoạn đến năm 2020.
Tăng cường quản lý các chợ đầu mối, chợ dân sinh. Kiểm soát chặt chẽ đối với các chợ cóc, chợ tạm, siêu thị, trung tâm thương mại... Tăng cường vai trò 05 đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra đột xuất việc thực hiện các qui định về ATTP. Tăng cường đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Các cơ sở kinh doanh phải nêu rõ nguồn gốc sản phẩm, có địa chỉ, điện thoại cụ thể để thuận lợi cho việc giám sát. Đảm bảo nguồn cung cấp nông lâm thủy sản an toàn. Hoàn thiện Đề án “Thí điểm triển khai mô hình kiểm tra, kiểm soát rau và thịt an toàn lưu thông trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Sử dụng hiệu quả 3 xe chuyên dụng kiểm nghiệm ATTP.
Triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết nguyên đán năm 2017. Triển khai chương trình mục tiêu y tế dân số, bao gồm 04 hoạt động về ATTP thuộc 03 Ngành: Y tế, Nông nghiệp, Công thương. Tăng cường các hoạt động chuyên đề trọng tâm năm 2016, Năm cao điểm ATTP lĩnh vực ngành Nông nghiệp, các hoạt động hưởng ứng Phong trào thi đua ATTP, Kế hoạch phối hợp tuyên truyền, vận động và giám sát thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020 giữa UBND Thành phố với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội.
Đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, đặc biệt là thanh kiểm tra đột xuất. Đẩy nhanh tiến độ Thí điểm Thanh tra chuyên ngành tại 05 quận, huyện và 10 xã, phường, thị trấn, tổng kết đánh giá vào cuối năm 2016, xây dựng kế hoạch nhân rộng ra các quận, huyện khác năm 2017. Xử lý nghiêm vi phạm hành chính về ATTP, đặc biệt phối hợp chặt chẽ liên ngành và giữa các tuyến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn.
Đổi mới công tác tuyên truyền ATTP nhằm tạo chuyển biến rõ rệt về ý thức của người sản xuất, kinh doanh, đưa tin hoạt động ATTP lên Webside các sở, ngành và Cổng giao tiếp điện tử Thành phố; Tổ chức các hình thức thông tin, tuyên truyền về kết quả thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, trong đó công khai minh bạch tên các cơ sở cung cấp sản phẩm đảm bảo an toàn theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định điều kiện an toàn thực phẩm và những cơ sở vi phạm cho người dân biết, chọn lựa. Thông báo trên loa phát thanh của phường, tổ dân phố về các cơ sở kinh doanh thực phẩm ăn uống vi phạm quy định, cũng như các cơ sở cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn vào các khung giờ thuận lợi cho mọi người dân theo dõi, nắm bắt và vận động nhân dân tố giác các hành vi vi phạm về ATTP. Tiếp tục phát huy, tăng thời lượng phát sóng chuyên mục ATTP trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.

Tiếp tục tăng cường các hoạt động an toàn thực phẩm, mô hình điểm về ATTP theo kế hoạch; Duy trì mô hình cảnh báo nhanh An toàn thực phẩm. Tổ chức hội thảo, trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý ATTP trong và ngoài nước.

Kinh tế đô thị cuối tuần