Toàn cảnh HĐND TP Hà Nội chất vấn nhóm vấn đề quản lý phương tiện giao thông đường bộ

Thái Thọ - Hùng Hải - Linh Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 9/7, HĐND TP Hà Nội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề về thực hiện Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.

Hôm nay (9/7), tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội dành trọn một ngày để chất vấn các thành viên UBND TP về một số nhóm vấn đề có tính thời sự, bức xúc, nổi cộm đang được đông đảo cử tri, nhân dân Thủ đô và dư luận quan tâm.

Sau khi kết thúc chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm luật đất đai trên địa bàn TP, phiên làm việc bước vào nội dung tiếp theo, nhóm vấn đề liên quan đến nội dung thực hiện Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. 

Tác động đến đời sống nhiều người dân và các nhóm lợi ích trong xã hội

Trước khi các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, TP đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ - HĐND của HĐND TP; trong đó tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn và ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực giao thông vận tải.
 Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện 

Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04/2017/NQ - HĐND, ngày 4/7/2017 của HĐND TP về “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030”, UBND TP đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện 37 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng lồng ghép việc triển khai Nghị quyết 04/2017/NQ – HĐND với việc thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 29/6/2016 của Thành ủy về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại”; Nghị quyết số 06/2015/NQ-HĐND ngày 01/12/2015 của HĐND TP về “Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP”...
6 tháng đầu năm 2019, TP đã thực hiện 12 nhiệm vụ, trong đó Sở GTVT chủ trì và triển khai 9/9 nhiệm vụ. Ví dụ như: Đề xuất quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy nhằm kiểm soát chất lượng xe máy hoạt động trên địa bàn TP. Việc này đã được Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội thống nhất về về chủ trương, trình Chính phủ xem xét.
Xây dựng Kế hoạch phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP, trong đó tiếp tục phối hợp với Tổng công ty vận tải Hà Nội hoàn thiện đề án phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đến nay đã mở mới 15 tuyến buýt (9 tuyến trợ giá, 4 tuyến không trợ giá, 02 tuyến city tour. Chú trọng xây dựng kế hoạch phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như: đường sắt đô thị. Monorail...
Xây dựng đề án giao thông thông minh trong tổng thể đề án TP thông minh. Hiện đã đưa vào sử dụng phần mềm GOVONE phục vụ công tác quản lý bảo trì đường bộ; hoàn thành việc lắp đặt thiết bị phần cứng và thiết bị bàn ghế văn phòng. Đang xây dựng bản đồ số giao thông Hà Nội sử dụng phần mềm mã nguồn mở Open Street Map, tích hợp dữ liệu cho Hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Đang chỉ đạo triển khai số hoá kết cấu hạ tầng GTVT, Ngày 07/3/2019, Sở GTVT đã lựa chọn, ký hợp đồng với đơn vị tư vấn và ngày 19/4/2019, đã trình Sở Thông tin và truyền thông thẩm định đề cương và dự toán chi tiết hạng mục triển khai nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông.
 ĐB Nguyễn Quốc Khánh (tổ Hoàng Mai)
Đến nay tình trạng ùn, tắc giao thông đã từng bước được giải quyết có hiệu quả. Năm 2016 có 41 điểm “đen” ùn tắc; đến tháng 7/2019 chỉ còn 27 điểm. Vận tải hành khách công cộng được nâng cao về số lượng phương tiện, chất lượng phục vụ với 123 tuyến buýt và 1.911 xe buýt.
Mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; 438/584 số xã, phường, thị trấn đạt 75%; 62/71 Bệnh viện đạt 87%; 190/283 các trường trung học cơ sở, trường phổ thông đạt 67%; 27/27 các khu công nghiệp đạt 100%; 30/30 các khu đô thị đạt 100%; đáp ứng được 15,7% tính đến tháng 6 năm 2019; dự kiến hết năm 2019 đạt 17,3%. UBND TP đã có văn bản chỉ đạo xây dựng, kế hoạch để đảm bảo thực hiện chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng vào năm 2020 đạt trên 20%.
“Các nhóm giải pháp đã xác định tại Nghị Quyết 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 là cần thiết nhưng là những vấn đề phức tạp và nhạy cảm, có tác động đến đời sống, tâm tư, tình cảm của rất nhiều người dân trong và ngoài TP và các nhóm lợi ích trong xã hội nên trong quá trình thực hiện còn nhiều ý kiến không đồng thuận, lo ngại và phản đối” – ông Vũ Văn Viện cho hay.

Trách nhiệm của lực lượng Công an trong việc xử lý xe dù bến cóc

Đặt câu hỏi chất vấn, ĐB Đoàn Việt Cường (Mê Linh) hỏi Giám đốc Sở GTVT về kế hoạch số 212 của UBND TP có giao cho Sở GTVT phối hợp với Công an TP đến tháng 12/2017 hoàn thành rà soát, sửa đổi quyết định 06 năm 2013 về quy định hoạt động giao thông trên địa bàn TP. Tuy nhiên việc rà soát sửa đổi này vẫn chưa thực hiện xong. Đề nghị Giám đốc Sở GTVT cho biết nguyên nhân chậm, trách nhiệm và dự kiến thời gian hoàn thành?

 ĐB Trịnh Xuân Quang (tổ Thanh Xuân) chất vấn

ĐB Trịnh Xuân Quang (tổ Thanh Xuân) cho biết: TP đã giao cho Sở KHĐT phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu để đến tháng 12/2018 ban hành các quy định khuyến khích, thu hút các DN đầu tư giao thông minh, đường sắt đô thị, xe buýt theo hình thức đối tác công tư. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đề nghị Giám đốc Sở cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và nếu có vướng mắc thì cho biết rõ và dự kiến biện pháp khắc phục? Theo thông tin được biêt, TP đã chỉ định tập đoàn Vingroup và T&T 2 tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn TP. Đề nghị Giám đốc Sở KHĐT cho biết đây chỉ là việc thí điểm trước khi đề xuất những chính sách chung hay chỉ áp dụng cho 2 dự án này?

 ĐB Nguyễn Thị Lan Hương (tổ Đông Anh) chất vấn

ĐB Nguyễn Thị Lan Hương chất vấn Giám đốc Sở Tài chính về việc chủ trì với các cơ quan rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách đối với vận tải hành khách công cộng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đề nghị giám đốc sở cho biết nguyên nhân, hướng giải quyết, trách nhiệm của Sở trong việc tham mưu cho UBND TP?

ĐB Nguyễn Quốc Khánh (Hoàng Mai) chất vấn, UBND TP giao công an và các quận, huyện hoàn thành rà soát thống kê xe máy đã qua sử dụng thông qua năm sản xuất, sử dụng. Tháng 3/2019 phải rà soát xong xe máy không đảm bảo chất lượng nhưng nhiệm vụ này chậm, chưa hoàn thành. Đề nghị cho biết biện pháp, giải pháp để hoàn thành?

ĐB Nguyễn Nguyên Quân chất vấn Giám đốc Sở GTVT về Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cũng như Kế hoạch Kinh tế - xã hội 5 năm của TP và Chương trình 06 của Thành ủy xác định, chỉ tiêu vận tại hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020 phải đáp ứng được 20-25% nhu cầu đi lại của Nhân dân, nhưng đến nay chỉ đáp ứng được khoảng 15,7%. Cuối năm 2019 cũng đạt được khoảng 17,3%. Đề nghị Giám đốc Sở GTVT cho biết, giải pháp chủ yếu để hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2020? Khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện?

Đại biểu Hoàng Thị Thuý Hằng (tổ Thường Tín) đặt câu hỏi với Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, UBND TP đã giao Sở chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, đến tháng 6/2018 phải hoàn thành việc lập đề án thu phí phương tiện vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn TP. Đến nay vẫn chưa hoàn thành, nguyên nhân do đâu?

 ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ Thanh Xuân) chất vấn 

ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ Thanh Xuân) cho biết: Hiện nay trên địa bàn TP vẫn diễn ra tình trạng xe khách tuyến cố định hoạt động sai hành trình, dừng đón trả khách không đúng quy định; xe hợp đồng dừng đỗ đón trả khách như các xe tuyến cố định; tình trạng xe buýt nhái vẫn ngang nhiên hoạt động gây ùn tắc giao thông; nguy cơ các bến xe chính giảm các phương tiện giao thông, trong khi đó nở rộ xe dù, bến cóc. Đề nghị Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết trách nhiệm của lực lượng Công an trong việc xử lý các vi phạm? Công an TP có giải pháp gì trước mắt và lâu dài để giải quyết dứt điểm tình trạng này?

Tập trung vào 3 tuyến đường sắt đô thị 

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, TP đã giao Sở nghiên cứu thực hiện một số dự án đường sắt đô thị và monorail theo hình thức PPP. Sở đã hoàn thiện dự thảo về các quy định đối với lĩnh vực này, chuẩn bị trình TP xem xét. Tuy nhiên, vừa qua Chính phủ có ban hành một số nghị định, quyết định thay thế quy định cũ, đặc biệt là thay đổi quy định về lựa chọn nhà thầu, do đó, Sở phải rà soát lại, chưa thể hoàn thành báo cáo tham mưu cho TP.

 Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trả lời chất vấn

Liên quan đến việc thu hút đầu tư cho đường sắt đô thị, Sở đã tham mưu cho UBND TP công bố danh mục kêu gọi đầu tư tại các Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017, 2018. Trong quá trình thảo luận và cân đối nguồn lực, UBND TP đã có chỉ đạo trước mặt tập trung vào 3 tuyến đường sắt đô thị số: 2, 3, và 5. Hiện cũng có hai nhà đầu tư là Tập đoàn Vingroup và T&T đang quan tâm đến các dự án này. Do dự án liên quan đến một số cơ chế đặc thù, các nhà đầu tư đang hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi để báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, vừa qua Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng các dự án theo hình thức PPP để hoàn thành quy định của pháp luật. Do đó các dự án phải phải dừng chờ cơ chế, chính sách mới.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải trả lời chất vấn câu hỏi của ĐB Lan Hương cơ chế chính sách đối với vận tải hành khách công cộng, cho biết, theo cơ chế trợ giá, đến năm 2019 TP có 100 tuyến triển khai trợ giá, với số tiền trợ giá của TP từ năm 2013-2018 gần 7.000 tỷ đồng, với 2.600 triệu lượt hành khách, như vậy bình quân mỗi năm trợ giá 1.100 tỷ đồng, với 428 triệu lượt khách được hưởng. TP hiện cũng có cơ chế hỗ trợ 100% phí sử dụng đường bộ cho phương tiện trên địa bàn.

Đồng thời, TP đã ban hành các quyết định phê duyệt phương án giá, trong đó qua 5 năm, chính sách giảm giá vé đã dành cho 2,3 triệu lượt người là học sinh - sinh viên, công nhân, CBCNVC. TP còn có chính sách hỗ trợ tiền thuê đất, với phê duyệt hỗ trợ 100% tiền thuê đất cho điểm đỗ xe ở đường Nguyễn Công Hoan, Trần Nhật Duật trong tối đa 10 năm (từ năm 2017 đã thực hiện đến nay). 

Những nội dung nào thuộc thẩm quyền đảm bảo đạt mục tiêu của HĐND TP đặt ra thì có thể chuyển sang hỗ trợ. Liên quan việc xác định đơn giá định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá triển khai đấu thầu đặt hàng, theo Nghị định mới, Chính phủ đã có quy định mới chi tiết về cơ chế đấu thầu đặt hàng.

 Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải trả lời chất vấn 

"Chúng tôi đang cùng Sở GTVT nghiên cứu đánh giá kỹ để chuyển sang thực hiện theo Nghị định của Chính phủ và đảm bảo công khai minh bạch và có cơ chế khuyến khích giảm chi phí. Trong đó, đang giao tư vấn, trong đó đặc biệt có tính đến định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, theo hướng: Nếu thay đổi giá tăng đột biến quá lớn thì kịp thời báo cáo trình TP để xác định đơn giá cho chính xác; hoặc định kỳ hàng năm, liên ngành sẽ thuê tư vấn rà soát kịp thời định mức đơn giá này, để đánh giá chính xác, đưa ra đơn giá thực hiện đặt hàng nếu chưa đủ điều kiện và đấu thầu đảm bảo công khai minh bạch", Giám đốc Sở Tài chính cho hay.

Tuy nhiên, chiếu theo Kế hoạch 212 là thực hiện chậm, với những nội dung còn vướng liên quan đến T.Ư hoặc cần phân tích đánh giá thêm, Sở tài chính nhận trách nhiệm và tiếp tục rà soát, khẩn trương cùng tư vấn để báo cáo TP.

Khó xử lý xe dù bến cóc vì nhiều chiêu "lách luật"

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc Khánh, Trung tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP cho biết, theo Nghị định 95 Chính phủ, Quyết định 16 của Chính phủ và Nghị quyết 04 của HĐND TP, cơ quan đã rà soát đối với xe ô tô hết niên hạn, tại TP có 9.036 ô tô, lực lượng chức năng đã gửi tới các chủ sở hữu 7.200 trường hợp. Đối với xe máy có niên hạn 30 năm có 43.446 xe, trên 40 năm có 10.532 xe, trên 50 năm có 479 xe.

 Trung tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP trả lời chất vấn

Theo quy định tại Nghị định 95 của Chính phủ, xe tải có niên hạn quy định 25 năm, xe khách niên hạn 20 năm, cơ quan chức năng có căn cứ để thông báo. Riêng đối với phương tiện xe máy, Nghị định của Chính phủ và Nghị quyết của HĐND TP chưa đưa ra quy định cụ thể. Vì vậy trên cơ sở rà soát, qua kiểm tra, phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng tạm giữ các xe vi phạm có niên hạn sử dụng 30 – 40 năm, các chủ sở hữu không lấy xe, vì có khi tiền phạt cao hơn tiền xe. Công an TP đã kiến nghị UBND TP, đề xuất thanh lý, hủy các phương tiện này.

Riêng đối với loại hình xe tải, xe khách, tuy thông báo tới chủ sở hữu 7.200 xe, nhưng hầu hết chủ phương tiện không đến, bởi nhiều chủ phương tiện đã bán cho chủ khác, thậm chí các chủ khác đã chuyển hóa thành hình thức vận tải khác, đưa đến địa bàn khác hoạt động, không hoạt động tại Hà Nội. Từ thực tiễn đó, ngoài tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cơ quan đã phối hợp với Sở GTVT bên đăng kiểm, phát hiện có xe quá hạn, đề nghị thu hồi biển kiểm soát, giấy tờ xe để chuyển cơ quan công an, phối hợp chung tôi để lập biên bản cấm lưu hành. Tuy nhiên, hiệu quả rất thấp.

Về câu hỏi của ĐB Nguyễn Minh Đức về xử lý tình trạng xe dù, các bến cóc, Giám đốc Công an TP cho rằng, đây là thực trạng nhiều năm trên địa bàn Thủ đô, là nội dung nhức nối trong khâu đảm bảo trật tự ATGT. Các lực lượng chức năng phối hợp Thanh tra giao thông, các lực lượng an ninh cơ sở đã triển khai nhiều giải pháp, tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các đơn vị, chủ phương tiện không có các hành vi bắt khách dọc đường, chạy sai luồng. Nếu chúng tôi làm mạnh, ráo riết thì các trường hợp này biến tấu thành xe hợp đồng đón khách tại nhà, gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi phát hiện, xử lý.

“Về các giải pháp, hiện chưa có giải pháp đột biến. Ở các bến xe, nhất là ở bến xe Mỹ Đình, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền, dán các pano, áp phích trên xe, tuyên truyền chung, giáo dục lái xe chấp hành” – Giám đốc Công an TP chia sẻ.

"Vấn đề đã rõ sẽ sửa ngay"

Giải trình những vấn đề các ĐB nêu, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết, về tiến độ chỉnh sửa bổ sung Quyết định 06 của UBND TP: Đây là quy định liên quan đến công tác tổ chức giao thông, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, do kết cấu hạ tầng giao thông thay đổi, phương tiện giao thông tăng nhanh nên còn nhiều vấn đề đặt ra với nhiều ý kiến khác nhau trong thay đổi Quyết định 06 này. 

 Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Đơn cử như giờ hoạt động cho xe bồn trộn bê tông tươi đi vào nội đô. Theo Quyết định 06, xe tải phải chạy vào ban đêm, nhưng các công trình trên địa bàn trung tâm rất nhiều với tiến độ dự án gấp. Nên nhiều ý kiến cho rằng nên cho xe bồn chạy vào nội đô cả ban ngày. Song cũng có nhiều ý kiến không đồng tình với phương án này. Cho nên UBND TP vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến và xem xét vấn đề trên. 

Hay về hoạt động của xe ba bánh. Hiện theo quy định của Chính phủ thì xe ba bánh phải dừng hoạt động từ năm 2018, song hiện trạng hoạt động của xe 3 bánh vẫn hoạt động phức tạp trên địa bàn TP. Hiện có 5936 xe 3 bánh hoạt động riêng đối với đối tượng thương binh có 1116 xe. TP đưa ra cách xử lý có lộ trình thực hiện trong quá trình sửa đổi Quyết định 06. 

“Nhìn chung, những vấn đề có ý kiến khác nhau thì TP dừng lại để xem xét, những gì đã rõ thì sẽ sửa ngay” – Ông Vũ Văn Viện nói. 

Đối với giải pháp để nâng cao tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2020 đạt từ 20-25%, Giám đốc Sở GTVT cho rằng sản lượng vận tải hành khách công cộng vẫn đang tập trung ở vận tải xe buýt, do đường sắt đô thị đang chậm tiến độ. TP đã đưa ra một số giải pháp như: Rà soát hoàn thiện đề án nâng tỷ lệ khách xe buýt; hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu vận tải hành khách công cộng; tăng cường kết nối phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng; tăng cường cơ sở hạ tầng để nâng cao dịch vụ tiện ích; tổ chức giao thông hợp lý trong đó ưu tiên cho vận tải hành khách công cộng; ứng dụng KHCN trong công tác quản lý; tăng cường công tác tuyên tuyền vận động nhân dân; xử lý nghiêm các vi phạm, trong đó có vi phạm của các DN vận tải xe buýt; nâng cao nguồn nhân lực…Ông Vũ Văn Viện cho rằng với giải pháp đồng bộ tập trung sẽ thực hiện được mục tiêu đã đề ra.

Về tiến độ thực hiện Đề án thu phí cơ giới đường bộ và một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Phí trên hiện nay chưa nằm trong danh mục phí và lệ phí mà Quốc hội ban hành. Vì thế, TP phải báo cáo Chính phủ, cho phép Hà Nội xây dựng đề án này. Trên cơ sở đó, Sở chủ trì xây dựng đề cương Đề án, TP chấp thuận chủ trương nguyên tắc để xây dựng Đề án. Dự kiến, Sở sẽ hoàn thành đề án này để trình UBND TP thông qua vào quý IV/2019.

  Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng phát biểu tiếp thu, làm rõ vấn đề ĐB quan tâm

Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 04 của HĐND, Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng cho biết, UBND TP xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm; TP đã chỉ đạo đồng bộ, giải quyết tổng thể các vấn đề, vừa phát triển hạ tầng, vừa phải lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch khác.

Đặc biệt là việc phát triển quy hoạch về hạ tầng giao thông phải gắn với quy hoạch đô thị cũng như quy hoạch vận tải; phấn đấu đưa tỷ lệ đất dành cho giao thông lên tiệm cận tiêu chuẩn đặt ra. Tăng cường đầu tư đổi mới phương tiện vận tải theo hướng thân thiện với môi trường và có ứng dụng công nghệ cao.

“Việc giải quyết 1 điểm đen ùn tắc là rất phức tạp, muốn làm được phải đồng bộ rất nhiều giải pháp, cần quyết tâm rất lớn. Vì vậy công tác tổ chức giao thông phải rất hợp lý và linh hoạt” - Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng cho rằng TP rất quan tâm đến các vấn đề pháp luật, cơ chế chính sách để làm tốt công tác quản lý giao thông; TP đã triển khai 30 nhiệm vụ cụ thể cho từng vấn đề một. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề bị chậm, UBND TP tiếp thu và sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần