Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trưng bày 39 bức tranh sơn dầu về cảnh sắc con người Tây Bắc

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Từ nay đến 17/7, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra không gian trưng bày 39 bức tranh nhiều khổ, chất liệu Sơn dầu và Acrylic phản ánh các đề tài về các vùng đất và cư dân các dân tộc Tây Bắc của nhà thiết kế Đỗ Quyên Hoa. Triển lãm mang chủ đề “Tình biên viễn”.

Đỗ Quyên Hoa tên thực là Phan Thị Hoa, sinh năm 1967 tại Thanh Hóa, là cử nhân Sinh hóa, Đại học Sư phạm Vinh. Bà là nhiếp ảnh gia từng có nhiều năm gắn bó với các tỉnh miền núi phía Bắc (sau đây gọi chung là Tây Bắc) với hàng vạn bức ảnh nhiều đề tài về cảnh sắc và con người Tây Bắc. Những hình ảnh tuyệt vời về Tây Bắc còn hiện diện trong trang phục phụ nữ nổi tiếng với thương hiệu Azalea của bà, đặc biệt là khẩu trang thêu tay tuyệt mỹ đã xuất khẩu nhiều nước trên thế giới dịp chống đại dịch Covid 19.

Trưng bày 39 bức tranh sơn dầu về cảnh sắc con người Tây Bắc - Ảnh 1

Tình yêu đặc biệt với cảnh sắc và con người các dân tộc miền biên viễn Tây Bắc đã là nguyên nhân chính giúp bà cầm cọ thể hiện một cách miệt mài trong hai năm khi toàn nhân loại gồng mình đối phó với đại dịch Covid 19, để ra mắt Triển lãm Mỹ thuật “Tình biên viễn” này.

Trưng bày 39 bức tranh sơn dầu về cảnh sắc con người Tây Bắc - Ảnh 2

Triển lãm “Tình biên viễn” với 39 bức tranh nhiều khổ, chất liệu Sơn dầu và Acrylic phản ánh  các đề tài thiên nhiên, sinh hoạt thường nhật của các vùng đất và cư dân các dân tộc Tây Bắc trong bút pháp hiện thực chân thực.

Trưng bày 39 bức tranh sơn dầu về cảnh sắc con người Tây Bắc - Ảnh 3

Các tranh của Đỗ Quyên Hoa có màu sắc đặc trưng của Tây Bắc với tình cảm ấm áp, thương mến đặc biệt khi phản ánh tình cảm hồn hậu chịu thương của phụ nữ Tây Bắc, sự hồn nhiên dù cuộc sống còn thiếu thốn của trẻ thơ các vùng biên viễn xa xôi cần được giúp đỡ hết lòng. Chị dự định nhân triển lãm này tăng 5.000 suất ăn cho học sinh nghèo bậc tiểu học Tây Bắc qua Quỹ “Cơm có thịt” nổi tiếng đang hết lòng vì trẻ em vùng cao Tây Bắc.