Trưng bày giới thiệu gần 100 hiện vật, hình ảnh, tài liệu quý về văn hóa Đông Sơn, trong đó có những chiếc trống đồng hoa văn độc đáo trong trạng thái nguyên vẹn, khuôn đúc trống, trống đồng minh khí (đồ tùy táng)...
Đây cũng là dịp để Bảo tàng Hà Nội giới thiệu và tôn vinh những hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia trong đó có trống đồng Cổ Loa.
Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cho biết: Văn hóa Đông Sơn được xác định tồn tại trong khoảng từ thế kỷ VII trước Công nguyên đến thế kỷ I-II sau Công nguyên. Hàng trăm di tích cùng với khối di vật đồ sộ đã được phát hiện và nghiên cứu là minh chứng sinh động cho nguồn gốc bản địa, sự phát triển lâu dài, liên tục và trực tiếp từ các nền văn hóa tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun) đến đỉnh cao văn hóa Đông Sơn và văn minh Đại Việt.
“Trưng bày không chỉ giới thiệu bộ sưu tập trống đồng độc đáo của Bảo tàng Hà Nội đang lưu giữ mà còn giải mã kỹ thuật đúc trống đồng và phong tục thờ thần Trống Đồng ở Hà Nội (đền Đồng Cổ) của tổ tiên chúng ta từ ngàn năm trước” - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết.
Song song với hoạt động trưng bày, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Quảng bá Di sản Văn hóa phi vật thể (VICH), mạng lưới Sáng kiến Văn hoá Việt Nam, Cổ phục Vạn Thiên Y, nhóm Về làng và các làng nghề của Hà Nội tổ chức các hoạt động văn hóa, trải nghiệm.
Trong đó, tọa đàm “Sáng tạo vật phẩm, sản phẩm mang văn hóa bản địa - Động lực cho phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam” diễn ra vào lúc 9 giờ, ngày 19/4; hoạt động trải nghiệm chơi cờ Mặt Trời diễn ra từ 18/4 đến 21/4; trải nghiệm cổ phục Việt Nam từ 18/4 đến 21/4.
Theo Bảo tàng Hà Nội, đây là những hoạt động nhằm gìn giữ và thúc đẩy tình yêu văn hóa của cộng đồng, cũng như tạo ra một sân chơi trải nghiệm văn hóa sáng tạo, giúp Nhân dân trong nước và du khách nước ngoài có thêm hiểu biết về Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.