70 năm giải phóng Thủ đô

Trúng ớt, nông dân Quảng Ngãi thu lãi khủng

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Giá ớt đầu vụ dao động 35.000-40.000/kg, sau khi trừ khi phí đầu tư, mỗi sào ớt nông dân thu lãi hàng chục triệu đồng.

Hơn nửa tháng nay, người trồng ớt Quảng Ngãi rất phấn khởi vì giá cả tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Dọc các cánh đồng chuyên trồng ớt ở các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức, đâu đâu cũng thấy nông dân hối hả thu hoạch.

Nông dân hối hả ra đồng thu hoạch ớt.
Nông dân hối hả ra đồng thu hoạch ớt.

Bà Lê Thị Ánh (thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa) hào hứng: “Thời điểm này năm ngoái giá ớt rớt thê thảm, năm nay thị trường Trung Quốc thiêu thụ mạnh nên giá tăng tăng cao".

Qua tìm hiểu, nếu năng suất cao, trung bình mỗi sào có thể thu về khoảng 1 tấn ớt tươi. Với giá bán dao động 35.000-40.000/kg như hiện nay, nhiều nông dân chỉ thu hoạch đợt đầu tiên đã thu lại được vốn đầu tư.

Ớt tươi đang dao động từ 35.000- 40.000 đồng/kg
Ớt tươi đang dao động từ 35.000- 40.000 đồng/kg

Dù thời tiết trong vụ Đông Xuân 2022- 2023 bất lợi, nhiều diện tích bị sâu bệnh và giá phân bón tăng, nhưng với tình tình hình tiêu thụ hiện nay, người trồng ớt vẫn có thu nhập. Theo tính toán của nông dân, nếu giá ớt ổn định với giá trên 20.000/kg, mỗi sào ớt, nông dân có lãi từ chục triệu đồng đến vài chục triệu đồng. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, vụ Đông Xuân 2022- 2023, toàn tỉnh trồng hơn 878 hecta ớt, tăng hơn 213 hecta so với kế hoạch.

Quảng Ngãi là địa phương có nhiều diện tích trồng ớt.
Quảng Ngãi là địa phương có nhiều diện tích trồng ớt.

Nhiều năm qua, việc tiêu thụ ớt ở Quảng Ngãi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nếu thị trường này có nhu cầu cao, giá ớt tăng, nông dân thu lợi lớn. Còn ngược lại thì giá cả sẽ xuống thấp, có năm người trồng phải nhổ bỏ ớt.

Để cây ớt phát triển ổn định, bền vững cả về diện tích vùng trồng, giá cả đến thị trường tiêu thụ, Quảng Ngãi cần hình thành vùng chuyên canh cây ớt theo hướng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, tìm kiếm, kết nối các cơ sở, doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tránh xảy ra tình trạng trồng ồ ạt và rơi vào cảnh được mùa, mất giá.