Có lẽ chưa bao giờ nền kinh tế Trung Quốc lại đối mặt với nhiều áp lực như hiện nay khi tốc độ tăng GDP đã giảm dần trong 3 quý vừa rồi và đang đứng trước nguy cơ tăng trưởng chậm nhất trong vòng 25 năm qua. Điều này buộc Bắc Kinh phải thay đổi chiến lược điều hành kinh tế bằng cách cắt giảm và thả nổi lãi suất.
Sau nhiều đồn đoán, Ngân hàng T.Ư Trung Quốc (PBOC) hôm 22/11 đã chính thức quyết định cắt giảm 25 điểm cơ sở trong lãi suất tiêu chuẩn đối với các khoản tiền gửi và 40 điểm cơ sở đối với lãi suất cho vay trong một năm. Sau động thái cắt giảm đầu tiên được PBOC thực hiện kể từ tháng 7/2012, lãi suất tiền gửi một năm là 2,75%, trong khi lãi suất cho vay là 5,6%. Thực ra, dự đoán Trung Quốc buộc phải tăng lãi suất tiền gửi được đưa ra từ nhiều tháng nhưng Bắc Kinh đã trì hoãn đưa ra các biện pháp kích thích như là một sự đảm bảo về mức độ ổn định của nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc các định chế tài chính lớn toàn cầu liên tục đưa ra các cam kết và hành động nhằm thúc đẩy tăng trưởng đã tạo điều kiện để Trung Quốc thực hiện bước đi tương tự mà không gặp phải bất kỳ nghi ngại nào từ thị trường. Điều này lý giải tại sao PBOC công bố quyết định cắt giảm lãi suất chỉ một giờ sau khi Chủ tịch Ngân hàng T.Ư châu Âu khẳng định sẽ tiếp tục bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính. Trước đó 3 ngày, Ngân hàng T.Ư Nhật Bản (BOJ) hôm 19/11 đã cam kết sẽ tăng cung tiền hàng năm lên 80.000 tỷ Yên từ mức 50.000 tỷ Yên trước đó, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng cho biết sẽ duy trì tỷ lệ lãi suất cho vay thấp kỷ lục. Thậm chí, trong tuyên bố phát đi sau quyết định này, PBOC vẫn khẳng định cắt giảm lãi suất là một hành động trung lập, đơn thuần về chuyên môn vì chính sách tài khóa của Trung Quốc không cần phải thay đổi khi sức mạnh của nền kinh tế vẫn được duy trì.
Đặc biệt, trong quyết định đưa ra hôm 22/11, PBOC cũng cho phép các ngân hàng trả lãi suất tiền gửi gấp 1,2 lần so với mức lãi suất cơ bản mà PBOC đề ra, trước đó, con số này chỉ là 1,1 lần. Đây được xem là một bước tiến mới trong lộ trình tiến tới thả nổi lãi suất tiền gửi của PBOC nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trên thực tế, biện pháp này sẽ tạo cơ hội tiếp cận các khoản vay ngân hàng cho các công ty, tập đoàn nhà nước lớn của Trung Quốc, giúp giảm sức ép nợ công, đồng thời cũng khiến bong bóng nợ xấu phình to. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng Trung Quốc bộc lộ quá nhiều vấn đề khi lợi nhuận của các ngân hàng kể từ quý III/2005 bị xói mòn do tình trạng suy yếu kéo dài của lĩnh vực sản xuất và thị trường bất động sản đã làm gia tăng tỷ lệ nợ xấu, tiếp thêm sức mạnh cho tín dụng đen.
Với những vấn đề nội tại của hệ thống ngân hàng và tài chính, các chuyên gia quốc tế cảnh báo, cắt giảm lãi suất của PBOC chưa chắc đã là "thần dược" để kích thích tăng trưởng. Lãi suất giảm được nhìn nhận sẽ phát huy rất ít hiệu quả trong việc kích thích tăng trưởng nhưng có thể sẽ nảy sinh nhiều "tác dụng phụ" như tích tụ thêm nguy cơ cho bong bóng nợ xấu, đẩy thị trường tài chính đứng trước thách thức đổ vỡ có hệ thống.
Kinhtedothi - Các nhà hàng ăn uống ngày càng vắng khách, cho thấy “sức khỏe” nền kinh tế Trung Quốc đang có vấn đề. Ảnh: Bloomberg |