Trung Quốc chọn xích lại châu Âu

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có hội đàm với một số lãnh đạo châu Âu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Rome, Italia, với kỳ vọng hàn gắn quan hệ với châu Âu.

Ông Vương Nghị xuất hiện tại Hội nghị lần này thay mặt cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Italia Mario Draghi, ông Vương thúc giục Liên minh châu Âu “bám sát quyền tự chủ chiến lược, loại trừ sự can thiệp và xây dựng sự đồng thuận về đối thoại và hợp tác”, theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 1/11.
Trao đổi với Thủ tướng Italia, ông Vương khẳng định: “Trung Quốc và châu Âu là đối tác chứ không phải đối thủ, cộng tác hơn là đối thủ cạnh tranh”, đồng thời kỳ vọng Italia có thể đóng vai trò tích cực trong sự phát triển lành mạnh của quan hệ Trung Quốc-EU.
Ông Vương sau đó đã gặp gỡ Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, khẳng định Trung Quốc coi Hà Lan là “cửa ngõ hợp tác” với châu Âu và hai quốc gia nên tìm kiếm “sự phát triển rộng rãi hơn trong quan hệ song phương để tạo động lực cho quan hệ Trung Quốc-EU”, theo Bộ ngoại giao Trung Quốc.
 Ngoại trưởng Trung Quốc (phải) gặp gỡ Thủ tướng Italia Mario Draghi bên lề G20. Ảnh: EPA
Ông cũng kêu gọi Hà Lan “cung cấp một môi trường kinh doanh cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử cho các công ty Trung Quốc”. Bắc Kinh đã vận động chính phủ Hà Lan gia hạn giấy phép xuất khẩu để bán công nghệ sản xuất chip quan trọng - cấu phần thiết yếu cho các bộ vi xử lý tiên tiến - cho Trung Quốc, nhưng thỏa thuận này đang bị đình trệ do áp lực từ Mỹ.
Những nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm thu hút các cường quốc châu Âu diễn ra khi căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và 27 thành viên EU về danh sách các vấn đề ngày càng tăng bao gồm Hong Kong, Tân Cương và Đài Loan.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU đã “lục đục” kể từ hồi tháng 5 khi quốc hội EU ngừng phê chuẩn một hiệp ước đầu tư lớn sau các lệnh trừng phạt đáp trả cáo buộc vi phạm nhân quyền đối về vấn đề Tân Cương.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang kỳ vọng xích lại châu Âu nhằm chống lại sức ép từ Washington. Bắc Kinh đã nhiều lần thúc giục Brussels duy trì quyền tự chủ về chính sách đối ngoại. 
Tại Rome, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cũng gặp người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian vào cuối tuần trước, thúc giục Pháp duy trì hợp tác cùng có lợi và “sự phát triển bền vững, lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc-EU” khi nước này đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của EU vào năm tới.
Sourabh Gupta, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung - Mỹ ở Washington, cho biết “tình bạn” của EU với Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào cách Bắc Kinh phản ứng với một số mối quan tâm chính của khối này. Ông trích dẫn các lời kêu gọi cải cách các chính sách công nghiệp của Trung Quốc, hành động về biến đổi khí hậu và tuân thủ pháp quyền...
“Nhiều cải cách chính sách có thể hiệu quả, đặc biệt nếu ông Tập Cận Bình, với quyền lực chính trị to lớn của mình, chọn đặt chân lên bàn đạp,” chuyên gia Gupta cho biết.
Trong khi đó, Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc tại Đại học SOAS ở London, cho biết châu Âu sẽ không xem xét lại mối quan hệ với Trung Quốc và "cắt đứt" với Mỹ. “Họ đang xem xét lại các mối quan hệ… do chính sách của Trung Quốc đang gây ra lo ngại ở châu Âu. EU không lo lắng về một Trung Quốc đang trỗi dậy, mà về khả năng việc đó làm xói mòn các giá trị cốt lõi châu Âu theo đuổi”, chuyên gia này khẳng định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần