Trung Quốc đang nỗ lực cùng Việt Nam khắc phục ùn ứ nông sản tại cửa khẩu Lạng Sơn

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 20/12, Bộ NN&PTNT đã họp bàn, đưa ra giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Buổi làm việc còn có sự tham gia của ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.

Thông tin tại cuộc họp, Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu chính ở Lạng Sơn như: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma... đã kéo dài nửa tháng qua. Cập nhật đến ngày 20/12, tại cửa khẩu phụ Tân Thanh còn tồn hơn 2.840 xe. Các container chở chủ yếu là dưa hấu (Quảng Ngãi), thanh long (Bình Thuận), chuối xanh (Tiền Giang), mít (Đăk Lắk, Tiền Giang) và xoài (tỉnh Bình Định).
Tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, hiện có gần 1.200 xe ùn ứ, với mặt hàng chủ yếu là nông sản, ván bóc, linh kiện điện tử. Còn cửa khẩu Chi Ma cũng đang tồn 650 xe; mặt hàng tồn chính là tinh bột sắn (chiếm đến 70%), chè khô, hạt vừng, hạt sen, hạt bo bo, sa nhân...
Hàng ngàn xe hàng nông sản đang bị ùn ứ tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn.
Nguyên nhân được chỉ ra là do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, do đó những tháng gần đây, phía Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch, làm tốc độ thông quan chậm lại.  Lượng phương tiện hàng ngày xuất sang Trung Quốc để trao đổi hàng hóa vì vậy cũng giảm đi rất nhiều.
Trong khi nông sản xuất khẩu Trung Quốc dồn ứ tại cửa khẩu chưa được thông quan, thì lượng xe từ các tỉnh nội địa lên Lạng Sơn vẫn gia tăng. Từ đó, tạo áp lực rất lớn về bến, bãi và khả năng thông quan của địa phương này.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết trước mắt, Bộ đã chỉ đạo tổ chức sản xuất gắn chặt với nhu cầu thị trường, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân sản xuất nông sản về các tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp; đồng thời rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho vụ sản xuất tiếp theo.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh, việc quy định về số lượng xe lên cửa khẩu mỗi ngày là không khả thi vào thời điểm này. Sở dĩ vậy là bởi nông sản có tính mùa vụ và có thời gian bảo quản cố định. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh đã ký hợp đồng với đối tác phía Trung Quốc, trong đó có quy định cụ thể về thời gian giao, nhận hàng tại cửa khẩu.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cho biết Trung Quốc nhập khẩu nông sản từ nhiều nước, trong đó nguồn hàng từ Việt Nam là rất lớn. Việc ùn ứ quy mô nhỏ hàng năm đều xảy ra.  Năm nay, vì dịch Covid-19 nên việc ùn ứ phát sinh nghiêm trọng. Theo ông Hồ Tỏa Cẩm, đây là lần ùn tắc nghiêm trọng nhất.
Tham tán Hồ Tỏa Cẩm thông tin thêm, hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang rất lưu ý đến việc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam, đồng thời yêu cầu các cơ quan có liên quan, các địa phương tại Trung Quốc khẩn trương tìm giải pháp tháo gỡ. “Những ngày qua, Bí thư tỉnh Quảng Tây, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cũng gọi điện cho Đại sứ quán, đề nghị phối hợp tìm giải pháp thông quan hàng hóa…” - ông Hồ Tỏa Cẩm chia sẻ.