Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc - đằng sau sự thay đổi của nguồn nước mặt

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2 năm sau một tiêu đề trên The Guardian của Anh cảnh báo, rằng việc uống nước ở Trung Quốc cũng nguy hiểm như hít thở không khí ở đó vậy, quốc gia châu Á đã cho thấy những chuyển biến trong việc cải thiện chất lượng nguồn nước.

Một người lái đò dọn rác trên sông tại TP Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Theo một số liệu năm 2010 của Viện Các vấn đề Môi trường và Công cộng - tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Bắc Kinh - tại 12.226 địa điểm sông, hồ trên toàn Trung Quốc, chỉ 35% lượng nước có thể sử dụng cho sinh hoạt con người, 52% chỉ phù hợp sản xuất và tưới tiêu, và 13% còn lại là vô ích vì quá nhiều độc tố. Ngay cả ở Thượng Hải, một trong những TP hiện đại, giàu có và thân thiện với môi trường nhất ở Trung Quốc, 52/65 địa điểm giám sát vẫn cho thấy chất lượng nước không phù hợp với sự tiếp xúc của con người.
Vấn đề này không quá khó hiểu, khi Trung Quốc đã trải qua nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế cao nhờ một quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng mà bất chấp những tổn hại với môi trường. Các tập đoàn phương Tây ưa chuộng đặt nhà máy sản xuất tại quốc gia này không chỉ vì nhân công thấp, mà còn bởi việc không bị ràng buộc bởi các biện pháp kiểm soát môi trường.

Nhà nước tạo hành lang
Năm 2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường công bố khoản tiền 330 tỷ USD Mỹ nhằm giảm 30 - 50% ô nhiễm nước, với các mục tiêu riêng biệt được đặt ra cho các mốc 2015, 2020 và 2030, tương ứng là tổng lượng nước sử dụng tối đa, hiệu quả sử dụng nước và kiểm soát ô nhiễm. Tháng 4/2015, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cũng ban hành Kế hoạch hành động phòng chống và kiểm soát ô nhiễm nước, đặc biệt nhắm vào các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng. Các chỉ số hiệu suất cụ thể được thiết lập, với các mục tiêu và thời gian xác định. Chẳng hạn, kế hoạch này nêu rõ, đến năm 2020, 70% lượng nước ở các lưu vực chính và 93% nguồn nước uống ở các TP lớn phải đáp ứng tiêu chuẩn cấp III trở lên - trên tổng số 5 cấp theo hệ thống phân loại chất lượng nước của Trung Quốc.
Tháng 12/2017, Trung Quốc bắt đầu bổ nhiệm các “thủ lĩnh sông” với nhiều trọng trách, bao gồm bảo vệ tài nguyên nước, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm cũng như phục hồi sinh thái nguồn nước mặt. Hiệu suất của lực lượng quản lý này được đánh giá định kỳ và sẽ chịu trách nhiệm về thiệt hại môi trường trong bất kỳ vùng nước nào nằm dưới sự giám sát của họ.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc vào năm 2016 cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể trong việc nâng cấp các công trình xử lý nước thải đô thị và tăng tỷ lệ xử lý nước thải, bên cạnh yêu cầu giảm ô nhiễm từ các chất ô nhiễm nông nghiệp như phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu… Những sáng kiến này phần nào cho thấy Chính phủ Trung Quốc thực sự nghiêm túc trong việc giải quyết ô nhiễm nước, để mang về những kết quả xứng đáng.
Sau hàng chục năm ô nhiễm triền miên bởi chất thải nhà máy và phân bón nông nghiệp, chất lượng nước trong hồ Điền Trì, hồ nước ngọt lớn nhất trên cao nguyên Vân Nam - Quý Châu của Trung Quốc từng được đánh giá là dưới cả hạng V vì “quá ô nhiễm cho bất kỳ mục đích nào”.
Tuy nhiên, năm ngoái là lần đầu tiên nước trong hồ rộng 300km2 này đủ sạch để được sử dụng cho nông nghiệp kể từ năm 1985, trở thành minh chứng cho những gì Trung Quốc đã làm được. Thậm chí, chất lượng nước mặt hồ ở cấp III đã tăng lên gần 70%, với việc chỉ có nước từ cấp III trở lên mới có thể được sử dụng để uống sau khi đã qua xử lý. TP Côn Minh, địa phương đặt hồ Điền Trì, hiện đã xây dựng 22 nhà máy xử lý nước thải cho tổng cộng 35 con sông lớn chảy vào hồ. Mọi hình thức chăn nuôi gia súc, gia cầm và thâm canh ở vùng lân cận đều bị cấm thể theo kế hoạch hành động năm 2016. Với biện pháp tương tự, hơn 70% nước tại 7 thung lũng sông lớn khác, bao gồm sông Dương Tử và Trường Giang, cũng được dự kiến đạt cấp III hoặc tốt hơn vào năm 2020.
Công nghệ thúc đẩy người dân
Tháng 12/2017, Trung Quốc bắt đầu bổ nhiệm các “thủ lĩnh sông” với nhiều trọng trách, bao gồm bảo vệ tài nguyên nước, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm cũng như phục hồi sinh thái nguồn nước mặt. Hiệu suất của lực lượng quản lý này được đánh giá định kỳ và sẽ chịu trách nhiệm về thiệt hại môi trường trong bất kỳ vùng nước nào nằm dưới sự giám sát của họ. Đây được xem là lời giải cho một bất cập trong vấn đề “ai chịu trách nhiệm” khi một sự cố ô nhiễm xảy ra, khi mà việc thực thi luật về ô nhiễm nước đều cho thấy vai trò của nhiều ban ngành đồng thời, như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Nhà ở…
Cùng với đó, Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi của Trung Quốc năm 2014 cũng đã bắt đầu chú trọng đến việc tận dụng sự tham gia của người dân như một biện pháp cải thiện giám sát và quản trị môi trường. Bắc Kinh hiện đang thiết lập một hệ thống trực tuyến bắt buộc, dự kiến đến năm 2020 hoàn thành, bao gồm công bố dữ liệu về các nguồn ô nhiễm cố định. Một tài khoản mạng xã hội cũng được duy trì đồng thời, mà tại đó, mọi công dân đều có thể nhanh chóng đăng tải hình ảnh mô tả tình trạng các con sông mà họ cho là đang ô nhiễm quá mức. Cơ quan chức năng có nhiệm vụ hồi đáp các báo cáo này, từ đó sớm khắc phục hoặc có động thái ngưng lấy nước kịp thời, tránh ảnh hưởng đến nguồn nước sạch sinh hoạt.
Tái chế để bảo vệ
Ngay từ trước khi bắt đầu xây dựng dự án chuyển nước lớn nhất thế giới SNWTP vào năm 2014 - một dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ đưa nước từ phía Nam Trung Quốc đến khu vực phía Bắc khô cằn - Chính phủ Bắc Kinh đã nhận ra rằng các hồ chứa có giới hạn nhất định không phải là một chiến lược khả thi trong thời gian dài. Do đó, nhiều TP của Trung Quốc đã chuyển sang tái chế nước, nghĩa là tái sử dụng nước thải được xử lý, và tùy vào tiêu chuẩn mà nó có thể uống được hay không. Hiện tại, các khu vực công nghiệp tại Bắc Kinh chỉ tiêu tốn 20% lượng nước khai hoang, cho thấy những thành công nhất định trong việc tái chế nguồn nước quý giá tại chỗ. Tuy nhiên, các hệ thống tái sử dụng nước phi tập trung thương mại và dân cư, dù đã được Trung Quốc đầu tư quy mô, vẫn chưa cho thấy hiệu quả đáng kể.
Thực tế này cũng đang diễn ra tại nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới như Mỹ, Australia, Singapore... Tại Mỹ, thống kê cho thấy tốn hàng tỷ USD để xử lý cho chất lượng nước uống được khi mà người dân chỉ sử dụng 10% trong số đó để ăn uống, trong khi hầu hết xả phần còn lại xuống nhà vệ sinh hoặc cống. Vì vậy, việc sử dụng ngày càng nhiều nước thải tái chế để tưới tiêu, sản xuất và vệ sinh cảnh quan là một cách tốt để bảo tồn nguồn nước mặt. Tuy nhiên, khác với các hoạt động cho mục đích sản xuất khá được chào đón, sử dụng nước tái chế để uống vẫn còn ít phổ biến hơn, phần lớn là do con người e ngại cách dòng nước từ bồn vệ sinh đi vào vòi nước uống của mình. Với việc tiếp tục cải tiến công nghệ và tăng cường niềm tin nơi công chúng, Trung Quốc hiện vẫn đang theo đuổi giải pháp tái chế nước toàn diện, dự kiến sẽ tăng hơn 50% nguồn cung nước sạch, cũng đồng nghĩa với việc bảo tồn một nguồn nước mặt không nhỏ nơi quốc gia đông dân nhất thế giới.