Trung Quốc nghiên cứu khả năng dự báo động đất của động vật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà địa chấn học thành phố Nam Kinh (thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) cho biết, sẽ xây dựng một công viên sinh thái để nghiên cứu hành vi của động vật trước những trận động đất.

Ngoài khu nghiên cứu chính với 2.000 con gà, 200 con lợn và 200 ha ao cá, các chuyên gia sẽ lắp đặt 7  trung tâm quan sát với nhiều máy quay được gắn quanh khu vực để nghiên cứu trên diện rộng. Các nhân viên sẽ báo cáo về văn phòng hành vi hàng ngày của động vật 2 lần mỗi ngày.
Nghiên cứu cho thâý động vật thường thay đổi hành vi trước khi xảy ra động đất
Nghiên cứu cho thâý động vật thường thay đổi hành vi trước khi xảy ra động đất
Ông Zhao Bing, người đứng đầu bộ phận giám sát khoa học của dự án cho biết, động vật có những thay đổi hành vi bất thường trước một trận động đất nhờ khả năng nhận biết những thay đổi nhỏ trong các hoạt động địa chấn hay trong mạch nước ngầm. Gần đây nhất, những biểu hiện bất thường của nhiều động vật hoang dã 3 tuần trước trận động đất 7,0 độ Richter tại Peru năm 2011 đã phần nào chứng minh khả năng này của một số loài vật.
Trung Quốc là quốc gia thường xuyên xảy ra động đất gây tổn thất lớn về người và tài sản nên dự án nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại do những “cơn giận dữ” địa chất gây ra. Trên thực tế, hôm qua (3/7), tại khu vực Tân Cương đã xảy ra một trận động đất mạnh 6,1 độ Richter khiến ít nhất 6 người thiệt mạng, 48 người bị thương và gần 3.000 ngôi nhà bị sập hoặc hư hỏng.
Trận động đất đã phá hủy hệ thống cơ sở hạ tầng tại Tân Cương.
Trận động đất đã phá hủy hệ thống cơ sở hạ tầng tại Tân Cương.
Các trận động đất ở độ sâu 0-70 km được coi là các trận động đất cạn và có sức tàn phá lớn. Sự nóng lên toàn cầu và nhu cầu về nhiên liệu ở Trung Quốc đã khiến việc khai thác các nhiên liệu hóa thạch diễn ra quá nóng, ảnh hưởng tới các lớp địa tầng và có thể là nguyên nhân gây ra động đất. Cơ quan Theo dõi Động đất Trung Quốc (CEA) xác nhận, ngay sau trận động đất, khu vực này bị dư chấn 3 – 4,5 độ Richter.